Không tạo kẽ hở, lợi dụng chính sách để trốn nợ thuế

(khoahocdoisong.vn) - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý tiền nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích; tổ chức giải thể, phá sản.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế và hải quan quản lý đến cuối năm 2017 gần 78.500 tỷ đồng, phần lớn là tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý, với hơn 73.000 tỷ đồng. Trong số này, tiền nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích; tổ chức giải thể, phá sản... gần 31.500 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số tiền thuế nợ. Số tiền chậm nộp trên sổ sách của cơ quan thuế gần 10.500 tỷ đồng và thực tế không có khả năng thu hồi. Tính chung, tổng số tiền dự kiến được xóa nợ và không tính tiền chậm nộp của việc ban hành Nghị quyết khoảng gần 27.800 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần rà soát chặt chẽ, không để các quy định này dẫn tới kẽ hở, lợi dụng chính sách không nộp để được xoá nợ thuế. "Có trường hợp người chết nhưng doanh nghiệp vẫn có người thừa kế pháp lý, nghĩa là vẫn tồn tại. Trường hợp này doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế, chứ không phải chủ doanh nghiệp chết rồi thì được xoá nợ thuế" - Chủ tịch Quốc hội nói. 

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần làm rõ đối tượng nào được xem xét miễn, trách nhiệm của người nộp thuế. Chỉ miễn giảm thuế cho đối tượng chấp hành tương đối đầy đủ thủ tục nhưng do bất khả kháng không thể nộp. 

Theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, chỉ nên xóa tiền chậm nộp kể từ thời điểm được cơ quan chức năng tuyên bố họ đã chết, mất tích hoặc đang làm thủ tục giải thể, phá sản, và không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp này từ ngày 1/1/2019.

Về thẩm quyền xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hoặc tiền chậm nộp, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị bỏ trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng xem xét trước khi Bộ trưởng Tài chính quyết định. Nghị quyết cũng cần đưa ra quy định khống chế mức trần xoá nợ thuế của Bộ trưởng Tài chính và từ mức nào thì thuộc thẩm quyền xoá nợ của Thủ tướng và bỏ thẩm quyền xóa nợ của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan...

Cân nhắc các mặt nhạy cảm, đặc thù và tác động của việc miễn số tiền thuế lớn tới nguồn thu ngân sách, Uỷ ban Tài chính ngân sách đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Nghị quyết này và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. Tuy nhiên do tính chất đặc thù và tác động của chính sách này nên để đảm bảo công bằng, Bộ Tài chính  xin lùi một kỳ, trình lại Nghị quyết vào kỳ họp 8, sau khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được thông qua.

Theo Đời sống
back to top