Không phân biệt bằng chính quy và tại chức: Lo ngại lẫn lộn vàng thau là có cơ sở

(khoahocdoisong.vn) - Theo ĐHQH, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường, lo ngại lẫn lộn vàng thau giữa đào tạo chính quy và phi chính quy là có cơ sở. Tuy nhiên, nên hướng tới việc không phân biệt bằng cấp, và các hình thức đào tạo buộc phải nâng cao chất lượng.

Cùng chương trình, cùng chuẩn đầu ra thì phải cùng chất lượng

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (được Quốc hội thông qua tháng 11/2018) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/7 sẽ không phân biệt giữa bằng chính quy và bằng tại chức. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Theo qui định trong hệ thống các văn bản pháp luật, giáo dục đại học có các hình thức khác nhau, bao gồm các hình thức phi chính qui và chính quy. 

Tức là đứng về mặt luật pháp, sẽ không quy định chất lượng hình thức đào tạo nào cao hơn. Có điều, trước đây trong luật có quy định ghi hình thức đào tạo trên văn bằng. Còn hiện nay, theo Luật giáo dục đại học sửa đổi giao cho Bộ GD&ĐT quy định. 

Tuy nhiên, theo tinh thần sửa đổi Luật nhằm hướng tới việc không có sự phân biệt các hình thức đào tạo (kể cả trên trên văn bằng) mà buộc các cơ sở giáo dục phải làm sao để các hình thức đào tạo có chất lượng tương đương nhau.

Vì cơ sở pháp lý là cùng chương trình, cùng chuẩn đầu ra thì về nguyên tắc chất lượng phải như nhau.

Theo tôi được biết, quá trình đào tạo cũng rất quan trọng. Vậy việc này, có xóa nhòa quá trình đào tạo, thưa ông?

Tôi cho rằng, nếu tới đây, dù không quy định ghi hình thức đào tạo là chính quy hay phi chính quy  trên văn bằng, thì trong các hồ sơ khác đều vẫn phải ghi rõ quá trình đào tạo của người học.

Ví dụ ở VN hiện nay, bên cạnh văn bằng thì hình thức đào tạo vẫn phải thể hiện trong bảng điểm đi kèm theo văn bằng, hoặc ở nước ngoài thường có phụ lục văn bằng sẽ thể hiện rất rõ quá trình đào tạo như thế nào. Nên không có nghĩa sẽ xóa nhòa quá trình đào tạo của người học.

Giả sử Bộ GD&ĐT quy định sẽ không ghi đào tạo chính quy hay tại chức trên bằng, ông có đồng tình?

Theo tôi, việc không phân biệt chính quy hay phi chính qui trên văn bằng cũng có những điểm tốt.

Thứ nhất, chúng ta vẫn có định kiến về các hình thức đào tạo phi chính quy, từ đó dễ dẫn tới tâm lý nương nhẹ trong quá trình quản lý, tổ chức các khâu, các yêu cầu về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đối với các hình thức này. Ví dụ, khi thanh, kiểm tra đánh giá nếu như nói đây là phi chính quy, thì dễ có tâm lý được nới lỏng hơn.

Vậy thì, điểm tốt đầu tiên là sẽ xóa bỏ sự phân biệt về mặt tư tưởng. Từ đó, tất cả các khâu, từ quá trình đào tạo, đánh giá, kiểm tra bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui chuẩn chung, từ đó giúp nâng cao được hình thức phi chính quy này.

Thứ hai là xóa được tâm lý mặc cảm của chính bản thân người học, đặc biệt là với những người vì hoàn cảnh, điều kiện mà phải học phi chính quy.

Lo ngại vàng thau lẫn lộn là có cơ sở

Những điều ông nói là mục tiêu hướng tới. Nhưng thực tế cho thấy, giữa các hình thức đào tạo này vẫn có khoảng cách khá lớn. Vậy ở thời điểm hiện tại đã thực hiện ngay việc không phân biệt đó, thì có lo đánh đồng “vàng thau lẫn lộn” không thưa ông?

Tôi cho rằng lo ngại đó hoàn toàn có cơ sở. Thứ nhất, về mặt thời gian, có thể thấy ngay, học chính quy là học toàn thời gian, đa số người học dồn toàn tâm sức cho việc học.

Trong khi đó, người học phi chính quy thường phải phân tán thời gian, vừa học vừa làm. Rõ ràng, đứng từ phía nguồn lực cá nhân, đại học chính quy và phi chính quy có mức độ tập trung khác nhau, rất khó có thể nói đầu tư phi chính quy đã cao hơn, ngang bằng được chính quy.

Thứ hai là về điều kiện học tập. Người học chính quy thường là được đào tạo ở những trụ sở chính của cơ sở giáo dục. Ở đó, tất cả những phương tiện trong quá trình đào tạo bao giờ cũng đầy đủ nhất, từ thư viện, trường lớp, sách vở, hoạt động bổ trợ, hoạt động ngoại khóa… . Và người học luôn được tạo những điều kiện tốt nhất, sự tiện lợi nhất để tập trung cho việc học tập.

Nhìn chung, môi trường học tập của người học chính quy không thể phủ nhận là tốt hơn phi chính quy.

Vậy sự khác biệt này có dẫn tới kết quả khác biệt giữa các hình thức đào tạo?

Theo tôi, để được công nhận tốt nghiệp, người học chính qui hay phi chính quy đều phải đạt được chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, nhiều người học chính quy có thể đạt được trình độ thực tế cao hơn nhiều so với mức chuẩn, trong khi người học phi chính qui rất có thể không có điều kiện để đạt được như thế.

Nhưng bên cạnh đó,người học phi chính quy cũng có một số lợi thế mà người học chính quy không có được.

Lợi thế đó là gì, thưa ông?

Đó là về mặt kinh nghiệm thực tiễn. Người học phi chính quy phải vừa học vừa làm nên sẽ dễ tiếp thu kiến thức lý thuyết. Và có sự lồng quyện giữa lý thuyết và thực tiễn, trở thành các kỹ năng.

Thậm chí, trong quá trình học có sự trao đổi ngược trở lại, làm rõ, sâu hơn kiến thức lý thuyết. Và nhiều trường hợp, người học phi chính quy đạt được trình độ đào tạo rất tốt, được đánh giá rất cao.

Cần sự thay đổi từ chính nhà tuyển dụng

Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên hướng tới việc trọng năng lực chứ không phải bằng cấp. Tuy nhiên, điều này nó còn phụ thuộc từ phía tuyển dụng. Có phải, luật lần này cũng hướng tới đối tượng này?

Theo tôi, khi luật pháp hướng tới việc không nên có sự phân biệt, kỳ thị các hình thức đào tạo khác nhau như thế thì sẽ hướng tới đối tượng lớn hơn, đó là người sử dụng lao động.

Theo đó, người sử dụng lao động phải thay đổi, quan trọng là đánh giá năng lực thực sự của đối tượng tuyển dụng, không nên chỉ dựa vào căn cứ bằng cấp. Bằng cấp chỉ là yếu tố, điều kiện cho thấy người này đã trải qua quá trình đào tạo nào.

Còn quá trình đào tạo đó mang lại kiến thức như thế nào, năng lực ra sao phải thể hiện qua quá trình thực hành công việc.

Và nếu có sự thay đổi từ phía tuyển dụng, cũng sẽ tác động ngược trở lại quá trình đào tạo, cả vấn nạn chạy bằng cấp nữa?

Tôi cho rằng, nếu có đươc sự thay đổi đó từ phía tuyển dụng thì sẽ đạt được bước tiến rất cao, đó là không phải học để lấy bằng cấp, mà học là để nâng cao trình độ, nâng cao năng lực.

Và ý nghĩa sâu xa của việc luật pháp không muốn phân biệt giữa các hình thức đào tạo là để các cơ quan tuyển dụng, sử dụng lao động chuyển hướng sang đánh giá năng lực của người lao động chứ không phải theo hình thức bằng cấp nữa.

Thực tế, đối với trường ĐH Kinh tế quốc dân, ông đánh giá như thế nào về hình thức đào tạo phi chính thức?

Trường ĐH Kinh tế quốc dân có chương trình đào tạo thạc sĩ điều hành cao cấp, dành cho những người đang giữ vị trí quản lý bận rộn và chỉ học được vào những buổi cuối tuần.

Theo học chương trình này đều là những người có kinh nghiệm thực tế, mức độ hữu dụng của các kiến thức lý thuyết đã được vận dụng ngay vào thực tiễn quản lý mang lại sự thay đổi về hiêu hiệu quả công việc rất lớn, tốt hơn rất nhiều so với những bạn trẻ, chưa có việc làm lại đi học cao học ngay.

Tôi cho rằng, nếu ta thiết kế một chương trình đúng, tổ chức đúng, và đối tượng người học dành ra được sự quan tâm đúng thì chất lượng đào tạo của phi chính quy chưa chắc thấp hơn chính quy.

Theo tinh thần học tập suốt đời mà chúng ta đang hướng tới, không nên phân biệt các hình thức đào tạo. Quan trọng là dù học ở giai đoạn nào, người học đạt được chuẩn đặt ra. Thực tế ở nhiều nước, đào tạo từ xa lại đòi hỏi sự đầu tư, cố gắng của người học rất lớn.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top