Không nên lát đá vỉa hè

KTS Nguyễn Trực Luyện, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, đá tự nhiên là loại vật liệu có độ bền rất cao. Việc mới lát đá mà đã hỏng thì chỉ có một nguyên nhân là do khâu làm nền móng không tốt, không thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật. Và đáng buồn hơn là có những nơi vỉa hè dù vẫn còn đẹp cũng bị cạy lên để lát lại.

KTS Nguyễn Trực Luyện

Đá tự nhiên dễ trơn trượt

Dư luận và các cơ quan truyền thông mấy ngày qua rất quan tâm về vấn đề lát đá vỉa hè có tuổi thọ độ bền kết cấu 50-70 năm mà đưa vào sử dụng không lâu đã xuống cấp, vỡ và bong tróc. Ở góc nhìn của một kiến trúc sư, ông nghĩ sao về điều này?

Vỉa hè Hà Nội người ta đã quen với bê tông và xi măng rồi. Bây giờ người ta muốn sang trọng hơn thì người ta sử dụng đá để lát. Theo đó, đá tự nhiên sẽ được xẻ ra thành các tấm nhỏ. Trên nền rải cát thì mới lát được.

Nếu thi công nền không đảm bảo sẽ khiến viên đá lát bị xô lệch, dẫn đến bong tróc và vỡ. Tôi cho rằng nguyên nhân là do khâu thi công.

Vậy là từ làm đẹp vỉa hè, do thi công ẩu lại thành làm bẩn vỉa hè?

Đối với vấn đề làm đẹp vỉa hè ở Hà Nội, có một vấn đề nữa là vật liệu đá không phù hợp. Đá là loại vật liệu không thấm nước, cho nên khi mưa thì sẽ bẩn và trơn.

Trong khi đó nếu dùng bê tông, xi măng thì khi mưa sẽ thấm nước, người đi lại trên vỉa hè sẽ không bị trơn trượt, lấm bẩn như khi vỉa hè lát đá. Nên tôi mới đặt vấn đề là liệu có nên lát đá trên vỉa hè không.

Theo tìm hiểu, loại vật liệu này giá khoảng 500.000 đồng/m2, đắt hơn nhiều so với lát bằng gạch như trước đây?

Đúng thế, loại đá này khá đắt tiền, nó có ưu điểm là đẹp, có tính thẩm mỹ cao. Chỉ có điều vỉa hè mà trơn, trượt thì khi mưa rất nhanh bẩn. Mà Hà Nội thì có thời tiết mưa phùn nhiều.

Đá có tuổi thọ cao hơn nhiều so với bê tông?

Cũng tùy từng loại đá. Nếu là đá cẩm thạch thì tuổi thọ không cao bằng đá hoa cương. Tuy nhiên đây chỉ là tuổi thọ của đá. Còn việc khi lát xuống vỉa hè, nó có bị bong tróc hay không thì lại phụ thuộc vào khâu thi công.

Làm không cẩn thận thì rễ cây có thể mọc ra, đùn lên, làm các viên đá xô lệch. Hoặc lớp cát đổ xuống nền móng không đủ dày làm các viên đá trượt, va vào nhau dẫn đến vỡ.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21/11, ông Trần Việt Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc đá tự nhiên được “quảng cáo” có tuổi thọ 70 năm nhưng đã nhanh chóng bị vỡ nát, hư hỏng sau vài tháng được lát, ông Trung cho rằng, lát đá trên vỉa hè còn phụ thuộc vào lớp bê tông phía dưới. Do dưới lớp đá lát tự nhiên là lớp bê tông, nhiều khi lớp bê tông còn liên quan tới trạm điện, gốc cây trên vỉa hè. Chính điều đó đã ảnh hưởng tới chất lượng lớp đá. Chất lượng lát đá vỉa hè có đảm bảo hay không thì phụ thuộc vào lớp bê tông này.

Có lẽ là muốn “chơi sang”

Theo ông thì vì sao người ta không chọn vật liệu khác để lát vỉa hè, mà lại chọn đá?

Vì lát đá thì nhìn đẹp hơn. Tất nhiên nó cũng chỉ đẹp hơn lúc mới thôi. Có lẽ là muốn “chơi sang” đây. Nếu sử dụng bê tông thì vỉa hè không sang trọng.

Nếu dùng các loại gạch khác thì sao thưa ông?

Trước đây chúng ta có sử dụng loại gạch con sâu. Khi thi công chỉ việc ghép lại với nhau trên nền cát, không cần vữa, là xong. Nhưng khi làm nền cát không đảm bảo thì gạch cũng bị vỡ.

Loại gạch này có tuổi thọ khoảng 40-50 năm. Việc người ta chọn vật liệu bằng đá một lý do khác là giờ công nghệ làm đá cũng nhanh, đá thì có sẵn rất nhiều, mà trông nó lại sang trọng, đẹp nên người ta chọn.

Rõ ràng chọn vật liệu đá để lát đồng nghĩa chi phí cao hơn?

Lát đá tự nhiên quá tốn kém, nếu ngân sách Hà Nội dồi dào thì còn có thể chấp nhận được, nhưng liệu Hà Nội có cần thiết làm như vậy không? Nếu kinh phí còn hạn hẹp, ngân sách đang thâm hụt, thì nên xem lại chủ trương này.

Nhưng đẹp đi cùng với đắt cũng dễ hiểu?

Theo tôi chỉ nên làm thí điểm vài tuyến đường tập trung đông khách du lịch, từ đó đánh giá lại tính hiệu quả chứ không nên vội vàng.

Ở các nước trên thế giới thường kết hợp nhiều hình thức trang trí vỉa hè khác nhau để tạo nên sự phong phú, thu hút du khách chứ không nhất thiết đồng nhất một loại vật liệu.

Ông có đồng tình với chủ trương làm đẹp vỉa hè, chỉnh trang đô thị của Hà Nội?

Khách quan mà nói, chủ trương “mặc áo mới” cho vỉa hè nói riêng và  bộ mặt đô thị nói chung là tốt, rất đáng mừng. Nhưng nếu ngân sách thành phố dồi dào, lẫn huy động tốt nguồn xã hội hóa tối đa thì không vấn đề gì. Còn nếu nó có bức thiết hay không, thì chắc phải xem lại.

Lát lại thì có kinh phí

Thực tế triển khai việc lát lại đá vỉa hè ở Hà Nội thời gian qua phát sinh một vấn đề khá buồn cười. Đó là nhiều tuyến phố dù gạch cũ vẫn còn tốt nhưng lại bị cạy lên để lát đá tự nhiên. Ngay sau đó, Sở Xây dựng đã kiểm tra và đánh giá về chất lượng, có phần cần chấn chỉnh, yêu cầu rà soát, không lát ở các tuyến đường vỉa hè còn tốt, chỉ lát ở các tuyến đã xuống cấp. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

Cái này thì không phải chuyên môn của tôi, vấn đề là do tổ chức thực hiện không tốt mới xảy ra như vậy. Bởi vì để yên thì không sao, nhưng lát mới thì có kinh phí cao hơn để thực hiện.

Đó là điều cũng khiến tôi khá băn khoăn, ngay giữa Hà Nội mà còn xảy ra những chuyện như vậy thì thật đáng buồn?

Thì như tôi nói, chắc là người ta phải rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức thực hiện thôi.

Theo ông, với những nơi vỉa hè bị bong tróc, phải thi công lại thế nào để đảm bảo độ bền đúng như kết cấu vật liệu?

Chỉ cần thi công đúng quy trình từ việc làm cốt nền đúng chuẩn, cát phải dày bao nhiêu, dọn sạch nền móng trước khi rải cát như thế nào, sau đó mới lát đá lên. Lớp cát mỏng quá thì đá sẽ không thể nằm yên, dễ trượt.

Theo ông Hà Nội có nên nhân rộng lát đá vỉa hè, hay là nên thay bằng vật liệu khác?

Theo tôi thì lựa chọn thế nào tùy thuộc vào nhu cầu của thành phố thôi. Nếu thành phố có nhiều kinh phí, muốn làm cho vỉa hè đẹp, sang trọng thì làm.

Nhưng theo tôi thì chỉ nên làm ở một số tuyến phố thôi, ví dụ như tuyến phố có nhiều khách du lịch, cần có cảnh quan đẹp, chứ không nên triển khai đại trà ở tất cả các tuyến phố vì những nhược điểm của chất liệu đá khi lát vỉa hè như tôi vừa nói.

Nếu làm ở tất cả các tuyến phố thì sao ạ?

Thì đương nhiên là tốn kém hơn nhiều, và có những tuyến phố không cần thiết phải như thế thì cũng không nên làm. Không cần thiết phải lát một loại đá giống nhau ở tất cả các tuyến phố. Tuyến phố nào không có nhu cầu thì không nên lát đá.

Phố ở Hà Nội rộng lắm, mỗi tuyến phố cũng khác nhau, không nên triển khai một cách máy móc chỗ nào cũng phải lát đá. Những nơi vỉa hè còn tốt, còn đẹp, thì đương nhiên là không nên lát lại làm gì.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nhằm sắp xếp lại vỉa hè, lòng đường thống nhất ở 12 quận từ nay đến năm 2020, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đã và đang triển khai lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên thay vì gạch như trước đây. Thành phố có chủ trương lát đá vỉa hè trên các tuyến phố để thực hiện năm kỷ cương hành chính trật tự văn minh đô thị. Căn cứ vào chủ trương này, một số quận huyện đang triển khai thực hiện.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top