Không nên dùng ốp lưng điện thoại

Thông tin về những chiếc ốp lưng điện thoại được phát hiện có chất gây ung thư khiến người tiêu dùng lo lắng. Ốp lưng điện thoại tác động thế nào đến tuổi thọ điện thoại cũng như an toàn cho người dùng?

Không nên dùng ốp lưng điện thoại ảnh 1

Chất độc vượt tiêu chuẩn

Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) mới đây đã tiến hành kiểm tra 30 loại ốp lưng và phát hiện ra trong số đó có 7 loại ốp lưng điện thoại của hãng Apple, Xiaomi có chứa chất độc hại vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép của Châu Âu. Các chất độc hại được tìm thấy chủ yếu là chất hóa dẻo và hợp chất đa vòng thường được sử dụng để làm nhựa và thuốc nhuộm, có thể làm tổn hại các cơ quan trên cơ thể và thậm chí dẫn đến ung thư.

Theo nghiên cứu, cả 6 chiếc vỏ điện thoại di động với nguồn gốc xuất xứ khác nhau, đều sản sinh ra khí benzene gây ung thư ở khoáng 0,0191mg / m3 ~ 0,0494mg/m3. Mức tiêu chuẩn Trung Quốc quy định đối với hàm lượng benzene là 0,011mg/m3.

Tuy nhiên, mặt hàng mua ở ngoài đường sản sinh ra lượng benzene  cao gấp nhiều lần sản phẩm mua tại các hang lớn, tức 0.0494mg/m3 so với 0,0191mg/m3. Trong đó có 4 chiếc vỏ điện thoại giải phóng chất formaldehyde. 2 vỏ điện thoại silicon và 2 vỏ điện thoại da đều cho thấy sản sinh ra lượng formaldehyde cao hơn so với quy định.

TS Lê Minh Hưng, Viện Khoa học Vật liệu cho biết, ốp lưng điện thoại là đồ dùng khá phổ biến nhằm bảo vệ điện thoại khỏi va đập, trầy xước. Ba loại vật liệu thông dụng nhất của ốp lưng điện thoại là: da, silicon và nhựa. Ở điều kiện bình thường, cả 3 loại vật liệu này đều khá an toàn với con người, nhưng trong điều kiện nhiệt độ cao thì chúng có thể có những tác hại nhất định.

Một thử nghiệm từng được thực hiện cho thấy, sau một giờ đồng hồ, chương trình xác nhận được nhiệt độ của 6 chiếc ốp lưng điện thoại rơi vào khoảng từ 39,3 độ đến 48,4 độ C,  tức vỏ điện thoại trung bình là 45 độ. Ở nhiệt độ này, vật liệu dễ bị biến dạng, đặc biệt là nhựa. Khi đó, các thành phần độc hại tác động đến con người tùy mức độ.

“Hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về tác hại của ốp lưng điện thoại cụ thể ra sao, do đó người dùng phải tự cân nhắc về tác hại của chúng, tránh tình trạng tiền mất, tật mang”, TS Lê Minh Hưng cho biết.

Ốp lưng làm điện thoại nóng hơn

PGS.TS Trần Hồng Côn, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ở các loại vật liệu nói chung, đặc biệt là nhựa, trong điều kiện nhiệt độ cao dễ làm nảy sinh formaldehyde. Trong môi trường càng hẹp, diện tiếp xúc càng ít thì sẽ càng độc hại.

Đồng nghĩa là thói quen dùng trùm chăn dùng điện thoại trước khi đi ngủ hay sử dụng điện thoại liên tục trong một thời gian dài, ngồi trong phòng kín, giường ngủ… dễ bị ảnh hưởng nhất. Formaldehyde sẽ dễ dàng xâm nhập qua đường hô hấp, gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

Có nên sử dụng ốp lưng cho điện thoại không? Theo TS Lê Minh Hưng, sử dụng vỏ điện thoại không những không kéo dài tuổi thọ cho điện thoại, mà còn gây ảnh hưởng đến chức năng làm mát của nó. Các linh kiện bên trong điện thoại sẽ bị hỏng, chập, cháy… nếu nhiệt độ của điện thoại liên tục cao.

Nhiều vụ tai nạn vì để điện thoại quá nóng dẫn đến cháy nổ đã từng xảy ra. Để bảo vệ điện thoại tránh trầy xước, va đập thì tốt hơn hết là giữ chúng cẩn thận khi sử dụng thay vì sử dụng các loại vỏ bọc, miếng dán hay thậm chí là dung dịch xịt chống xước.

Theo các chuyên gia, bộ phận mong manh nhất của smartphone là màn hình nên khi rơi, ốp lưng không giúp bảo vệ được màn hình. Ốp điện thoại làm pin nóng hơn, tuổi thọ thấp hơn. Một số vỏ ốp có thể gây nhiễu các ăng ten của điện thoại. Một số loại vỏ có thể che mất những khu vực quan trọng như mic thoại và mic chống ồn.

Nếu điện thoại quá nóng thì không chỉ gây hỏng các thiết bị bên trong mà có khi còn gây ra cháy nổ gây hại cho người dùng. Các yếu tố đó làm tuổi thọ của điện thoại giảm đi, người dùng sẽ phải tốn nhiều tiền hơn để thay điện thoại mới.

“Do ốp lưng cản trở quá trình tản nhiệt của điện thoại nên sẽ gây nguy hiểm hơn trong khi sạc. Bởi khi sạc là lúc nhiệt độ của điện thoại tăng cao nhất, trong khi điện thoại lại bị bao bọc quá kỹ”, TS lê Minh Hưng.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top