Không nên bỏ phí bì lợn, da gà

(khoahocdoisong.vn) - Bì lợn, da gà là những thực phẩm trước đây được sử dụng rất nhiều nhưng gần đây, do sợ béo, sợ thừa cholesterol nên nhiều người đã bỏ đi. Điều này có nên hay không?

Bì lợn là vị thuốc quý

Lương y Nguyễn Văn Sáu, Trung tâm y tế Bà Rịa cho biết, theo Đông y, bì lợn (trư bì) có vị hơi mặn, tính bình, không độc, tác dụng dưỡng huyết, ngừa thoái hóa khớp, mịn da. Còn theo dược tính y học hiện đại, bì lợn rất giàu chất protein, lipid, glucid, canxi, photpho, sắt…đặc biệt chứa nhiều chất collagen, keratin, elastin. Dùng bì lợn liều phù hợp là nguồn bổ sung collagen rất tốt. Các chất dinh dưỡng có trong bì lợn không chỉ có độ dẻo dai mềm mại, màu sắc, hương vị đặc trưng mà còn có tác dụng tốt đối với da, gân, xương, tóc. Hàm lượng protein có trong bì lợn chứa nhiều thành phần cốt giao (gelatin và collagen) rất cần cho cấu tạo cơ thể - nó như chất xi măng để gắn kết các tế bào lại với nhau thành mô cơ thể vững chắc. 

Theo một số nghiên cứu, những người ăn bì lợn thường xuyên có tác dụng chống lão hóa do có chứa một lượng lớn collagen. Bì lợn cũng là một vị thuốc bổ, đặc biệt có tác dụng bổ âm. Phụ nữ nên ăn thường xuyên món này với số lượng phù hợp có tác dụng giữ ẩm cho làn da, làm cho tóc sáng bóng, giảm lão hóa, làm mờ các vết nhăn nheo trên da.

Để chữa chứng cứng khớp, đau khớp mùa lạnh, theo lương y Nguyễn Văn Sáu, món nộm bì tai heo hoa chuối rất hữu ích với căn bệnh này. Món ăn này giúp bổ huyết, ích cơ khớp, hóa đàm nhuyễn kiện, thông kinh hoạt lạc. Món ăn rất tốt đối với người bị phong thấp, tay chân tê mỏi.

Đối với người bị loãng xương, hay mỏi khớp, đau lưng, đau gối nên ăn bì lợn nấu đông, chế biến bằng cách lấy da và thủ lợn, chân giò lợn nấu đông, ăn kèm dưa hành muối chua. Món ăn có tác dụng tốt với người hay nhức mỏi, huyết hư, da khô sần, ngứa gãi, tóc khô bạc sớm. Trẻ em còi cọc nên dùng tai lợn xào nấm. Bì tai lợn thái mỏng, nấm rơm, nấm mèo, dưa leo, dầu ăn, củ sả,  hành tím, nước tương gia vị vừa đủ, xào ăn. Món tai lợn xào nấm có tác dụng bổ khí dưỡng huyết, dưỡng gân xương. Món ăn giúp ngăn ngừa loãng xương, trị chứng còi cọc, da khô, mun nhọt lâu lành.

 Để chữa vảy nến người ta hay nấu canh bì lợn với khổ qua. Lấy bì lợn tẩm gia vị băm nhỏ cùng nấm mèo, hành, đậu hũ, mắm, muối gia vị vừa đủ, các vị trộn đều nhồi vào trái khổ qua nấu canh ăn. Món ăn có tác dụng  dưỡng huyết, nhuận táo, thanh nhiệt, chữa chứng huyết hư, da khô sần, ngứa gãi, dùng đều tốt.

Da gà chứa nhiều chất béo tốt 

Da gà, được coi là chứa nhiều chất béo. Qua nghiên cứu, trong 28,3 g da gà thì có 8g chất béo không bão hòa và 3g chất béo bão hòa. Da gà chứa nhiều chất béo tốt cho cơ thể vì có đến 75% là các axit béo không bão hòa và 25% còn lại là axit béo bão hòa.

Mặc dù béo nhưng chất béo ở da gà tốt cho cơ thể hơn là mỡ lợn hay mỡ của các loại thịt nói chung. Chất béo có trong da gà chủ yếu là chất béo đơn không bão hòa (axit oleic). Mức độ chất béo không bão hòa đơn có thể làm giảm cholesterol, vì vậy có thể giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và đau tim, đồng thời làm thay đổi hormon trong cơ thể. Ăn da gà giúp cho làn da mịn màng, các khớp trơn chu nhưng những người bị cholesterol trong máu cao, người béo phì, cao huyết áp nên hạn chế ăn.

Theo các chuyên gia, khi ăn da gà cần nhớ, bất cứ hóa chất nào mà con gà tiêu thụ đều tích trữ trong mỡ, da gà chứa chủ yếu là mỡ nên khá độc nếu ăn quá nhiều. Muốn ăn da gà nên chọn con gà được nuôi trong mô trường tự nhiên, không dùng hóa chất hay chất kích thích tăng trọng.

Theo Đời sống
back to top