Không lãnh đạo nào muốn nhân viên không đủ sống

TS Nguyễn Thiên Tạo, Phó trưởng phòng phụ trách Bảo tồn Thiên nhiên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, có lẽ không một nhà lãnh đạo hay nhà tuyển dụng nào muốn nhân viên của mình không đủ sống. Nhưng cơ chế nó ràng buộc nên rất khó.

TS Nguyễn Thiên Tạo, Phó trưởng phòng phụ trách Bảo tồn Thiên nhiên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Cơ chế ràng buộc, níu chân phát triển

Anh bắt đầu làm khoa học từ bao giờ?

Nhiều người hỏi tôi làm khoa học có phải là cơ duyên hay không, tôi cũng không biết trả lời thế nào. Khi đỗ vào khoa Sinh học, ĐHKHTN, tìm hiểu nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học thì tôi thấy Việt Nam là một trong những đất nước có đa dạng sinh học rất cao, tôi lựa chọn đăng ký theo học bộ môn động vật có xương sống và có tham gia một số chương trình tình nguyện viên về bảo tồn.

Sau khi ra trường, thông qua giới thiệu của một người thầy, tôi làm việc trong một dự án quốc tế tại Vườn quốc gia Cúc Phương về công tác bảo tồn.

Làm được hơn gần1 năm thì lúc đó biết tin Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm KHCN VN) tuyển người, tôi trở về Hà Nội và thi được vào làm việc tại đây đến hiện tại.

Cơ hội kiếm việc làm của anh lúc đó chắc cũng không nhiều vì chuyên ngành đa dạng sinh học không phải là hot?

Thực ra lúc đó tôi có một vài cơ hội khác, nhưng khi tìm hiểu về môi trường làm việc ở đây thì thấy phù hợp, và tôi nghĩ các nhà nghiên cứu khác cũng mong muốn được làm việc ở đây.

Đối với ngành của tôi, để tìm được việc ở những nơi khác là cũng không dễ. Vậy là cũng đã bén duyên 8 năm rồi.

Có khi nào anh nghĩ mình sẽ phải làm việc khác, làm ở đây nghèo quá?

Nói là chưa hề tơ vương sang lĩnh vực khác thì không thật lòng. Mức lương của tôi ở dự án với nước ngoài lúc làm việc tại đó thì gần gấp 3 mức lương khi vào làm việc tại cơ quan nhà nước.

Nhưng làm bên ngoài thì mức lương có thể tốt hơn nhưng có lẽ sẽ không làm được thứ mình đam mê.

Làm việc cho một tổ chức phi chính phủ với mức lương cao, chuyển sang môi trường nhà nước, anh có sự so sánh thế nào?

Có khác nhau chứ. Đó là sự khác nhau giữa hai môi trường làm việc. Ở các tổ chức nước ngoài, họ đánh giá đúng năng lực.

Năng lực của mình xứng đáng được hưởng mức lương như thế nào, hầu như họ trả đúng như thế. Nhưng môi trường trong nhà nước chưa có được bởi có rất nhiều ràng buộc về luật pháp liên quan.

Không một nhà lãnh đạo hay nhà tuyển dụng nào muốn nhân viên của mình lương không đủ sống. Nhưng cơ chế nó ràng buộc nên nó rất khó.

Khó bứt ra khỏi cơ chế

Anh đánh giá thế nào về chính sách dành cho nhà khoa học trẻ hiện nay?

Hiện nay chính sách dành cho các nhà khoa học trẻ chưa có nhiều. Luật KHCN mới, các nghị định, thông tư hướng dẫn cũng chỉ mới có hiệu lực trong thời gian ngắn nên đánh giá đã thành công hay chưa thì rất khó.

Dù sao thì những thay đổi gần đây cũng là một bước đột phá trong quản lý khoa học. Nhưng để so sánh với các môi trường khoa học ở những nước phát triển thì vẫn là khoảng cách xa.

Như anh vừa nói, một trong những sự khác nhau giữa làm việc ở môi trường nhà nước với doanh nghiệp là mức lương. Vậy thì so với công sức bỏ ra, mức lương hiện tại của anh đã thỏa đáng chưa?

Thực ra rất vô cùng, mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Tôi đam mê công việc nghiên cứu khoa, nên không còn nhiều thời gian khác để nghĩ đến các nhu cầu khác.

Hiện tại, tôi đang có một sân chơi để thỏa sức mình, nhưng nhìn vào mức lương của nhà nước quy định như thế thì mình cũng phải chịu thôi.

Tôi cũng mong muốn là cơ chế ưu đãi trọng dụng các nhà khoa học cần được cải thiện hơn nữa để họ yên tâm công tác nghiên cứu.

Tôi cảm giác như anh đang rất dè dặt trong cách chia sẻ?

Thực ra tôi hiểu chị đang muốn hỏi tôi về mức lương và thu nhập có đủ sống không, có thỏa mãn với công sức bỏ ra không. Tôi thấy rất khó nói, vì cơ chế nó như thế rồi, rất khó có thể bứt ra, thoát ra được nên đôi khi phải tự bằng lòng với chính mình.

Nhiều trường hợp ra đi, tìm chỗ khác tốt hơn thì hẳn là họ không bằng lòng với cuộc sống ở đây. Tôi cũng có nhiều cơ hội để đi, nhưng tôi vẫn lựa chọn ở lại.

Vậy thì tôi hỏi ngắn, mức lương của anh có đủ sống không?

Không thể đủ được, nhưng đằng sau mình còn có gia đình nên cũng đỡ. Về cơ bản thì những năm gần đây, thu nhập của các nhà khoa học cũng đã khá hơn.

Nhà khoa học cũng như nghệ sỹ

Không giống như làm ở bên ngoài, làm việc trong nhà nước, lương thấp đi cùng với “đủng đỉnh”, không ai giám sát thời gian, hiệu quả. Nó cũng là bài toán sòng phẳng?

Tôi không biết người khác làm việc thế nào, nhưng môi trường nghiên cứu của chúng tôi có lẽ ít áp lực hơn. Mỗi người tự triển khai ý tưởng nghiên cứu, không giới hạn giờ giấc.

Ví dụ nhóm tôi đang nghiên cứu chủ yếu làm việc ban đêm, nhưng cũng không thể vì thế mà đòi hỏi tôi làm đêm thì lương của tôi phải cao hơn người làm ban ngày. Tôi tin do đặc thù công việc, không có nhà khoa học nào làm việc 8 tiếng rồi về cả. Có những nhà khoa học làm việc chỉ 2 tiếng thôi nhưng hiệu quả cao.

Có người công việc chưa xong thì có thể làm thâu đêm, làm đến tận sáng. Vì đôi khi chỉ có những thời điểm đó mình mới sáng tạo được. Giống như nghệ sỹ, chỉ sáng tác được khi có cảm hứng.

Sáng tạo của nhà khoa học cũng giống như các nghệ sỹ? Tôi tưởng đó là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau?

Theo quan điểm của tôi thì như vậy.

Theo anh thì rào cản nào lớn nhất với người làm khoa học hiện nay?

Có nhiều cái, nhưng theo tôi là môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam như điều kiện làm việc, cơ chế quản lý….là một rào cản, hiện tại cơ chế kết hợp hiệu quả giữa các nhà quản lý với nhà khoa học còn thiếu.

Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ… hay một số nước xung quanh ta, một người sau khi làm xong tiến sĩ và sau tiến sĩ thì hoàn toàn có thể hoạt động độc lập, có thể đứng ra tổ chức một nhóm nghiên cứu nào đó, nhưng ở Việt Nam, môi trường nghiên cứu chưa có được điều này và chưa thực sự được quan tâm nhiều.

Mặt khác các nhà quản lý khoa học, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm đi trước, lão thành chưa đặt nhiều niềm tin vào lớp trẻ để để trao cho họ những cơ hội. Ngoài ra chế độ đãi ngộ cũng cần cải thiện để chúng ta không phải đặt câu hỏi là có thể sống bằng nghề nghiên cứu khoa học được không.

Vậy là ở sân chơi ấy chưa có sự bình đẳng?

Sân chơi chưa thực sự bình đẳng hiện nay giữa các nhà khoa học để họ có thể theo đuổi và triển khai những ý tưởng nghiên cứu dài hơi để tạo ra những sản phẩm khoa học có ý nghĩa và giá trị.

Ca sỹ phải trình bày bài hát hay thì nhà khoa học cũng phải có môi trường để phát triển ý tưởng nghiên cứu hay. Sản phẩm của nhà khoa học là các bài báo được công bố trên các tập san khoa học…

Với những người xác định lựa chọn theo khoa học, theo anh thì phải xác định từ đầu như thế nào để không ảo tưởng?

Lựa chọn con đường này, đam mê và nhiệt huyết rất quan trọng. Phải xác định làm khoa học không phải làm kinh tế. Bạn bè tôi cũng có những người có mục tiêu ra trường đi làm để kiếm nhiều tiền, những lựa chọn làm khoa học cho mục tiêu này thì phải xem xét lại.

Xin cảm ơn anh!

Các nhà khoa học không giàu, không nghèo, họ bằng lòng với cuộc sống của mình. Làm khoa học, điều đầu tiên phải có sự đam mêvà năng lực chuyên môn. Ngoài ra, sự trung thực trong nghiên cứu cũng rất quan trọng.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top