Không khó để vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi

Sợ bị bỏ rơi là nỗi sợ có thật ở nhiều người cao tuổi và đây cũng là một trong những lý do đẩy người già rơi vào trạng thái chán nản, cô đơn, buồn khổ.

Sợ bị bỏ rơi là nỗi sợ có thật ở nhiều người cao tuổi.

Càng trách móc, càng đau khổ

Chuyên gia Lê Thị Túy, Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ – Hạnh Phúc cho biết, bản thân là người già nên bà biết bị bỏ rơi là cảm giác có thật ở nhiều người cao tuổi. Ngay chính những người bạn già của bà cũng nhiều lần tâm sự với bà về cảm giác này.

Khi về hưu, không còn sự cống hiến về vật chất cũng như giá trị tinh thần. Người lớn tuổi có cảm giác vô dụng vì không làm ra tiền. Đồng thời, con cái trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng khiến cha mẹ già có cảm giác bị bỏ rơi, không được quan tâm hoặc ít được quan tâm.

“Chúng nó quan tâm gì tới tôi” hay “tôi làm sao mà bằng vợ/chồng chúng nó”, “trong mắt con cái, làm gì còn bố mẹ”… Đây đều là những lời hờn dỗi của không ít người già.

Theo chuyên gia Lê Thị Túy, ngoài một số ít trường hợp người già bị con cái bỏ rơi thật sự, thì hầu hết tâm lý này xuất phát từ suy diễn và hiểu lầm con cái của người già. Người già, tuổi cao, bệnh tật lại dư dả thời gian nên hay để ý và so sánh. Con bận công việc, quan tâm đến gia đình riêng thì so sánh và kết luận mình bị bỏ rơi. Càng trách móc con cái, người già càng đau khổ, dằn vặt. Thậm chí nhiều người còn bị sang chấn tâm lý.

Hãy hiểu quy luật, yêu thương và vị tha

Chuyên gia Lê Thị Túy cho biết, quan trọng là người già phải hiểu quy luật của cuộc sống. Tình cảm của con cái với cha mẹ chẳng bao giờ thay đổi theo thời gian. Nhưng khi con còn nhỏ, chỉ có bố mẹ là duy nhất nên tình yêu luôn tràn đầy. Bố mẹ luôn là số một.

Tuy nhiên, khi con cái trưởng thành, sức lực bị dồn vào lo cho sự nghiệp, lo cho gia đình riêng nên bố mẹ không còn là mối quan tâm duy nhất. Đấy là quy luật. Người già cũng từng có bố mẹ, cũng từng coi bố mẹ là tất cả lúc còn nhỏ. Nhưng khi lớn lên lập gia đình, có con, sự quan tâm, tình thương lại dành nhiều cho con. Ông cha có câu “nước mắt chảy xuôi” là vì thế.

Chuyên gia Lê Thị Túy khuyên, trước hết người già hãy hiểu quy luật và sống theo quy luật của cuộc sống. Sau nữa, người già đừng băn khoăn, đừng để ý, đừng dằn vặt chính mình và con cái. Hãy dùng tình thương, sự vị tha cho con cái. Tạo môi trường sống thoải mái cho chính bản thân mình.

Con cháu khi ở cùng người già nên dành thời gian trò chuyện. Quan tâm thăm hỏi mỗi ngày, chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ. Đôi khi hành động nhỏ như gắp thức ăn, lấy cơm canh hay kéo cái chăn đắp… cũng khiến người già cảm thấy ấm áp. Thi thoảng con cháu nên đưa ông bà, bố mẹ ra ngoài cùng đi dạo, đi ăn uống hay tổ chức các chuyến đi dã ngoại, du lịch cả gia đình. Đây là những hoạt động gắn kết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc. Chắc chắn người già sẽ không chỉ cảm thấy vui mà còn hãnh diện với mọi người xung quanh. Tâm lý ấy vô cùng quan trọng đối với người già. – ThS Trần Mạnh Hoàng

Thay vì dằn vặt con cái, người già hãy sống cuộc sống của mình, làm những việc mình thích, sống vui sống khỏe vừa tạo niềm vui cho tuổi già, vừa giúp con cái yên tâm với bố mẹ. Tốt nhất hãy chủ động tham gia các hoạt động cộng đồng, hoạt động hội nhóm. Tạo niềm vui cho bản thân, chứ đừng ngồi một chỗ đếm thời gian, rồi buồn chán.

Th.S Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho hay, về phần con cái, cũng đừng vì sự nghiệp, vì gia đình nhỏ của mình là “lơ là” việc quan tâm tới bố mẹ già. Hãy hiểu rằng, càng có tuổi, người già càng buồn, càng dễ cảm thấy cô đơn. Vì thế, hãy dành thêm nhiều hơn nữa thời gian và sự yêu thương cho bố mẹ già.

Về tài chính, hãy lên kế hoạch hỗ trợ tài chính cho bố mẹ già. Nếu người già không có lương hưu, hoặc lương hưu không đủ chi trả cuộc sống. Về sự chăm sóc, hãy dành thời gian hơn để thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ già. Làm bố mẹ vui cũng là cách để con cái báo hiếu bố mẹ già.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top