Không khí trong bếp ô nhiễm nhất

(khoahocdoisong.vn) - Hoạt động nấu ăn, đặc biệt là chiên rán bằng dầu mỡ… sẽ thu hút nhiều bụi mịn nhất, do đó khu vực nhà bếp là nơi ô nhiễm nhất trong không gian sống.

Bụi mịn trong bếp nhiều nhất

Thủ phạm đáng sợ nhất của ô nhiễm không khí chính là thành phần bụi mịn PM 2.5. Loại bụi này có thể đi qua đường thở. Bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Nó được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.

GS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cảnh báo, bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở. Tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây ra các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn với mắt, mũi, họng và phổi như ho, hắt hơi, sổ mũi và khó thở.

Để làm một thử nghiệm nhỏ xem không khí trong nhà, nơi nào ô nhiễm nhất, chuyên gia Trần Nhật Đình, tư vấn độc lập về môi trường cho các tổ chức phi chính phủ đã dùng một senser để ghi lại kết quả. Ông đã cầm chiếc sensor đo bụi mịn di chuyển từ trong nhà, ra ban công, qua phòng khách, vào phòng ngủ, qua bếp, ra ngoài đường Minh Khai tấp nập rồi lại quay về nhà. Trong bếp lúc này, vợ ông đang nấu ăn, rán cá. Kết quả sensor ghi lại, khu vực bếp, hàm lượng bụi mịn là  PM2.5 cao nhất.

“Ô nhiễm không khí trong nhà nói chung là thấp hơn ngoài đường. Tuy nhiên khi đưa thiết bị đi qua khu vực bếp đang có nấu ăn thì dường như lượng bụi mịn bị hút vào đây. Dù bếp đang sử dụng là bếp hồng ngoại chứ không phải bếp than hay củi. Thủ phạm thu hút bụi mịn ở đây chính là khói dầu ăn khi chiên rán. Khi luộc hay xào các món ăn khác thì có lẽ lượng bụi mịn sẽ ít hơn", chuyên gia Đào Nhật Đình cho biết.

Những tác nhân gây ô nhiễm trong nhà

Có khoảng 30 tác nhân hoá học gây ô nhiễm trong nhà và rất nhiều trong số đó nằm trong danh sách các chất gây ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những chất gây ô nhiễm không khí trong nhà bao gồm khói, khí gas, bụi và các chất hóa học... được sinh ra từ các thiết bị như điều hòa, tủ lạnh, bếp gas… Những sợi khoáng chất từ vải vóc, len dạ hoặc từ các chất trét tường dùng để chống ẩm. Một số tác nhân khác có nguồn gốc sinh học như các loại nấm mốc và các chất dễ gây dị ứng phát ra từ các vật nuôi, hay những loại sâu bọ, gián...

Trong số các tác nhân hoá học gây ô nhiễm, một số chất đặc biệt nguy hiểm có chứa trong nhiều loại sản phẩm khác nhau như mỹ phẩm, nước hoa xịt phòng, mùi của gỗ mới, mùi mực bút viết, mùi cồn...  Theo TS Nguyễn Đình Hòe, Trường Đại học khoa học Tự nhiên Hà Nội, khoảng 20% số người sống và làm việc trong căn phòng "hiện đại" có triệu chứng điển hình của hội chứng nhà cao tầng (Sick Building Syndrom) như hay buồn ngủ, nhức đầu, tắc mũi, mắt khô, da khô, đôi khi chảy nước mắt, tâm lý không ổn định. Hội chứng này sẽ hết nếu rời phòng kín khoảng 2 đến 3 tiếng và có thể hết hẳn sau kỳ nghỉ cuối tuần nơi thoáng đãng, nhưng vài giờ sau khi ở trong phòng kín, các triệu chứng sẽ trở lại.

Theo TS Phùng Văn Khoa, Viện Khoa học Nông nghiệp, ba loài cây hấp thu khí toluene cao nhất trong 20 cây khảo sát là thiết mộc lan, ngũ gia bì và dương xỉ thường. Trong thử nghiệm 72 giờ tiếp xúc, thiết mộc lan hấp thu 2,7µg/cm2 (đơn vị diện tích lá), ngũ gia bì hấp thu 1,20µg/cm2, cây cồ nốc hoa đầu hấp thu 1,00µg/cm2. Các chuyên gia khuyên, khi trồng cây nên có mật độ phù hợp để có tác dụng cao. Ví dụ, nhà khoảng 10m2 nên trồng 2 - 3 cây, trong đó nên có một cây cao khoảng một mét và đường kính tán 0,5 m, còn một cây nhỏ hơn đặt gần nơi ngồi làm việc.

Theo Đời sống
back to top