Không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng

(khoahocdoisong.vn) - Hà Nội vẫn nằm đầu trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, xét trên nồng độ bụi mịn trong không khí.

Chỉ có 38 ngày không khí sạch

Vừa mới đây, báo cáo chất lượng không khí năm 2018 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual cho thấy Hà Nội đứng thứ 12 trong 62 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Hà Nội ô nhiễm thứ hai, sau Jakarta của Indonesia. Sài Gòn đứng thứ 15 trong danh sách này. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hà Nội chỉ có 38 ngày không khí sạch trong một năm, riêng trong năm 2017. Cũng theo báo cáo này, không khí Hà Nội năm 2018 khá hơn một chút so với năm 2017. Cụ thể, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm 2018 là 40,8 microgam trên một mét khối không khí so với 45,8 năm 2017.

Theo số liệu quan trắc của Bộ TN&MT, chất lượng không khí ở Hà Nội vào tháng 1/2019 là rất xấu. Cụ thể, tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu là chủ yếu. Số ngày AQI đạt mức trung bình tại các trạm Trung Yên 3 và Tây Mỗ đều chỉ chiếm 14.3%; các trạm Kim Liên, Tân Mai và Mỹ Đình là 28.6%; số ngày AQI chạm ngưỡng xấu tại các trạm Tân Mai, Mỹ Đình, Tây Mỗ đều chiếm 28.6%, Trung Yên 3 cao nhất với 57.1%, Kim Liên thấp nhất với 14.3%; còn lại ở mức kém.

Cùng thời điểm cuối tháng 1/2019, tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, chất lượng không khí chủ yếu ở mức xấu. Cụ thể, tỉ lệ số ngày AQI ở mức kém lần lượt là 14.3% và 42.9%; AQI ở mức xấu lần lượt là 71.4% và 42.9%; còn lại ở mức trung bình. Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, có diễn biến tương tự các trạm khác, chất lượng không khí cũng chủ yếu ở mức kém và xấu. Cụ thể, số ngày AQI ở mức trung bình lần lượt là 28.6%, 14.3% và 14.2%; ở mức xấu lần lượt là 14.3%, 57.1% và 42.9%; còn lại ở mức kém.

Sự nguy hiểm của bụi PM 2.5

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 lên cao như vậy là một điều rất đáng ngại. Bụi PM­ 2.5 là các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 Mm, bằng khoảng 1/30 sợi tóc con người. Loại bụi này hình thành từ các chất như cacbon, sunphua, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM ­2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Theo Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual, tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí - nói cách khác, nếu mọi người đều được sống trong bầu không khí sạch, trung bình chúng ta sẽ sống lâu hơn 1,8 năm. Ví dụ, đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30% và nguy cơ đột quỵ tăng gấp đôi.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, thời điểm không khí ô nhiễm nhất là khi có nhiều phương tiện tham gia giao thông và thời tiết có sự thay đổi bất thường. Các yếu tố thời tiết như hướng gió, nhiệt độ, độ ẩm có thể tạo điều kiện cho hiện tượng nghịch nhiệt xảy ra cũng khiến chất lượng không khí xấu đi. Người dân nên theo dõi thường xuyên chất lượng không khí qua Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (hanoi.gov.vn) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường hay Đại sứ quán Mỹ.

“Việc sử dụng khẩu trang vải thông thường chỉ ngăn bụi và tránh nắng chứ không ngăn được bụi mịn. Tốt hơn hết là mỗi người phải tự bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế ra đường vào giờ cao điểm”, TS Hoàng Dương Tùng.

Theo Đời sống
back to top