Không hiểu cũng chả buồn thắc mắc

Không hiểu cũng chả buồn thắc mắc. Thế mới thấy, cái nhu cầu hiểu biết, tìm hiểu, thắc mắc của nhiều người còn thiếu quá.

Hình minh họa.

Ngôi làng ấy cách Hà Nội chỉ khoảng 20km, nhưng nhiều lề lối rất cũ. Ví dụ như ra đình, mấy ông trong làng cứ bắt gọi trưởng ban quản lý di tích là cụ, dù ông này mới ngoài 50. Nghe các ông giới thiệu: Cụ chúng tôi…, thấy cứ ngang ngang.

Trò chuyện một hồi (chủ yếu là nghe họ ca ngợi «cụ chúng tôi»), tôi hỏi về mấy câu đối trong đình và bức đại tự treo ngoài cửa có ý nghĩa gì, chả ông nào biết. Chán thật!

Chúng ta có một điểm yếu là con cháu nhiều người không đọc được chữ của các cụ ngày xưa. Thế nên, đến đình, chùa trên đất nước mình, thậm chí ngay trên quê mình, mà nhìn vào hoành phi, câu đối, bia đá… cứ như của nước nào vì chẳng thể đọc, chẳng thể hiểu được.

May mà một số nơi đã dịch ra, có bảng giới thiệu về di tích, về ý nghĩa của những chữ viết trong đình, chùa, nên con cháu mới hiểu được phần nào.

Với khách thập phương thì thế, nhưng với những người làm công tác trông coi di tích, ngày ngày nhìn thấy câu đối đó, chữ nghĩa đó mà cũng chả chịu tìm hiểu nghĩa của nó là gì, cũng chả thắc mắc gì thì đến chịu thật.

Đến một di tích, ngoài cảnh đẹp, ý nghĩa, giá trị của di tích, thì người quản lý, trông coi vô cùng quan trọng. Sự hiểu biết của họ, những câu chuyện họ kể, chính bản thân họ là một giá trị văn hóa.

Đằng này, chỉ thấy nhăm nhăm ghi công đức, giới thiệu rất kỹ về bảng vàng công đức treo chỗ trang trọng nhất trong đình.

Người ta nói, chiếc áo không làm nên thầy tu. Cái danh xưng ấy không làm nên người trông đình. Mà chính sự hiểu biết về công việc, về cái mà mình đang trông coi mới tạo nên uy tín của mình.

Giá như, thay vì tôn vinh nhau bằng những danh xưng chả hợp tí nào, thay vì cứ khư khư giữ cái lối xưng hô chả còn hợp với thời nay ấy, họ dành chút thời gian tìm hiểu về công việc mình làm.

Ít ra cũng phải biết cái chữ viết trên cửa, hai bên ban thờ mà ngày ngày mình nhìn thấy, lau chùi, thắp hương… có nghĩa là gì.  Chứ cứ ngày ngày nhìn vào đấy mà chả khác nhìn vào bức vách thì còn nói làm gì nữa.

Thế mới thấy, cái nhu cầu hiểu biết, tìm hiểu, thắc mắc của nhiều người còn thiếu quá. Cứ mặc nhiên công nhận, không biết cũng chả sao. Đúng là cũng chả chết ai, nhưng mà chán chết. Họ tự làm cho cuộc sống của mình chán và khiến người khác phát chán vì họ.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top