“Không công nghệ nào thay thế được người thầy”

(khoahocdoisong.vn) - ĐB Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ, cuộc sống hiện đại với nhiều công nghệ tốt hỗ trợ tốt cho việc học hành. Nhưng không công nghệ nào thay thế được người thầy. Vì công nghệ không có trái tim, không thể dìu dắt được học trò.

“Tôi hạnh phúc khi được làm học trò của GS Tôn Thất Tùng”

GS.NGND Đặng Hanh Đệ, một học trò xuất sắc của GS Tôn Thất Tùng, cùng với GS. Tôn Thất Tùng và các đồng nghiệp đã tạo nên nhiều thành công, chinh phục những đỉnh cao mới trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch ở Việt Nam.

GS.NGND Đặng Hanh Đệ (bìa trái) trong Lễ vinh danh các trí thức tiêu biểu 2019.

GS.NGND Đặng Hanh Đệ (bìa trái) trong Lễ vinh danh các trí thức tiêu biểu 2019.

Từ khi ra trường, 27 tuổi, GS Đặng Hanh Đệ đã là phụ mổ cho GS Tôn Thất Tùng. Từ đó, ông đã luôn sát cánh bên người thầy của mình cho đến tận lúc GS Tôn Thất Tùng mất.

Khi chia sẻ với PV KH&ĐS kỷ niệm về “thầy Tùng”, người thầy đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc đời mình, GS Đặng Hanh Đệ đã có lúc bật khóc.

“Đó là một kỷ niệm tôi không bao giờ quên được. Và bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn có cảm giác nghe được tiếng máu réo, sủi bọt trong ngực bệnh nhân”.

Ca bệnh đó, là của một bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh, GS Tùng mổ chính, còn ông Đệ phụ mổ. Lẽ ra, bệnh nhân phải mổ trước 5 tuổi. Nhưng phải đến năm 18 tuổi, sau khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, bệnh nhân mới đến viện.

Vì đến viện muộn, nên ống động mạch của bệnh nhân bị dính. Khi phẫu tích, đã bị bục.

“Khi cái ống đó bục, máu từ động mạch chủ phun vào, từ động mạch phổi phun ra. Trong chớp mắt, ngực bệnh nhân đầy máu. Lúc đó trong phòng mổ có bao nhiêu máy hút đều vặn hết công suất mà hút không kịp. Máu dâng lên đầy phổi, không nhìn thấy gì nữa. Cái cảm giác bệnh nhân nằm ngay dưới tay mình mà mình bất lực, nó kinh khủng lắm.

Người gây mê nói đồng tử bệnh nhân giãn rồi. Thầy Tùng lặng lẽ đi ra. Tôi ở lại đóng ngực cho bệnh nhân.

Trong phòng mổ im phăng phắc, không ai nói với ai một lời, chỉ nghe tiếng lạch cạch của bà hộ lý lau quét máu tràn ra phòng mổ.

Phòng mổ trên tầng 2, khi đi xuống, thì GS Đệ nhìn thấy ở bậc thang cuối cùng, thầy Tùng ngồi bệt ở đó, vẫn mặc quần áo mổ.

Tôi đến gần, thầy ngước lên nhìn tôi và nói: “Thôi, từ nay tôi không mổ nữa đâu, anh mổ đi”. Một người từng ấy tuổi, cả đời đi mổ bệnh nhân mà giờ nói sẽ thôi, thì nỗi đau khổ là như thế nào? Tôi nhìn thầy, tôi thương thầy quá, mà không biết phải làm sao. Tôi chỉ nhìn vào mắt thầy, nói “vâng”. Đúng là từ bấy giờ, thầy không bao giờ mổ tim nữa”, GS Đệ bật khóc.

GS Đệ chia sẻ, cũng chính xuất phát từ một người làm nghề, làm chuyên môn, trải qua những thất bại như thế, mà thầy Tùng đã có sự thông cảm sâu sắc và có những ứng xử khiến học trò và cấp dưới nể phục, kính trọng.

“Thầy Tùng là người rất nghiêm khắc và khó tính. Thế nhưng, mỗi khi học trò thất bại, thầy không bao giờ mắng chửi.

Bởi là một lãnh đạo, nhưng đồng thời cũng là người làm chuyên môn, hơn ai hết, thầy Tùng hiểu, đối với bác sĩ, không cứu được bệnh nhân là nỗi đau khổ lớn nhất rồi. Lúc đó, nếu người thầy, lãnh đạo không hiểu được tâm lý ấy, mà mắng mỏ, hoặc đưa ra phê phán, chỉ trích, thì sẽ rất suy sụp, thậm chí bỏ nghề.

Thầy Tùng luôn động viên, ca này thất bại, nhưng cố gắng vượt qua, để làm ca khác. Trừ khi nào sai sót quá đáng lắm thì thầy mới phê bình. Mà nếu có nói thì cũng nói riêng chứ không nói ở chỗ đông người.

Điều đó quý lắm, không phải tập thể nào cũng có được người đứng đầu như thế. Tôi rất hạnh phúc khi được làm học trò, có một người thầy lớn như GS Tôn Thất Tùng”, ông Đệ xúc động.

GS Nguyễn Anh Trí: Làm thầy rất khó

Là một bác sĩ, đồng thời cũng là một người thầy có 30 năm đứng trên bục giảng, Đại biểu Quốc hội. NGND. GS Nguyễn Anh Trí xúc động khi chia sẻ về nghề thầy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

“Hơn 30 năm giảng dạy đại học rồi, nhưng cứ mỗi lần đứng trên bục giảng, cảm xúc cũng tuôn trào và đầy hứng thú. Cho đến tận giờ giảng cuối cùng, trước khi tôi rời nhiệm sở, cảm xúc của tôi vẫn giống y như ngày đầu tiên được giảng bài đầu tiên với tư cách là giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội.

Vì sao lại vậy? Vì với tôi, thứ nhất, nghề thầy là nghề thiêng liêng. Thứ hai, làm thầy được rất khó. Bởi đầu tiên phải có trình độ, kiến thức. Đặc biệt là phải có đạo đức, nhân cách, là tấm gương cho học trò”, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Cũng theo GS Nguyễn Anh Trí, dù bất cứ xã hội nào thì vai trò của người thầy vẫn hết sức quan trọng, không gì thay thế được. Xã hội hiện đại, sách, máy móc, công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho người học, tuy nhiên, vẫn không thể thay thế được một người thầy bằng xương bằng thịt, một người thầy có tấm lòng, có tâm hồn.

Bởi công nghệ không có tâm hồn, trái tim như người thầy, không thể dìu dắt, nâng đỡ học trò trong những bước đường đời khó khăn. Đặc biệt, với ngành y, công nghệ không truyền cảm hứng, không thể dạy được cho học trò về y đức.

“Tôi rất may mắn được học ở Trường ĐH Y Hà Nội, từ 1976. Ấn tượng trong tôi về các thầy cô giáo ngày đó là thầy ra thầy, trò ra trò. Thầy không những rất giỏi về chuyên môn mà còn mẫu mực về đạo đức. Chúng tôi học về y đức sớm nhất cũng từ những bài giảng của các thầy.

Và tôi có thể tự hào nói rằng, nhờ đó mà một thế hệ vàng đã ra trường trong thập kỷ đó, ví dụ: Giám đốc BV Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện K, Bệnh viện Thanh Nhàn, Nội tiết Trung ương, Huyết học và truyền máu trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế…. đều học cùng khóa tôi”, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Ông Trí cho biết, ông rất buồn khi gần đây nghe những thông tin không vui về sự xuống cấp về đạo đức người thầy, từ gian lận thi cử, cho tới bạo hành học sinh, lạm dụng tình dục trẻ em… Đặc biệt là vụ việc ở trường Gateway quá đau lòng.

“Khi tôi bắt đầu học lớp 1 phổ thông thì chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ bắt đầu ở miền Bắc. Lệ Thủy, Quảng Bình – quê tôi bom đạn cày xới đất. Trong ký ức của tôi, những người thầy, người cô khi đó vừa là người truyền đạt về mặt kiến thức, vừa là người bảo mẫu, che chở, cho học trò.

Chính thầy cô là người đã kéo tay, ôm chúng tôi vào hầm khi máy bay tới ném bom. Thầy cô bao giờ cũng là người vào cuối cùng và ngồi ngoài che chở cho các học sinh ở bên trong.

Nhớ lại tôi vẫn xúc động vô cùng. Cho nên, tôi vẫn không tưởng tượng được, trong vụ việc để quên trẻ trên xe ô tô ở trường Gateway, có chỉ hơn 10 em học sinh, lại đưa đón bằng ô tô, vậy mà học sinh vẫn bị bỏ quên.

Thời của chúng tôi, cảnh chiến tranh hỗn loạn, vậy mà không một học sinh nào bị bỏ quên ngoài hầm. Nếu bị bỏ quên, chúng tôi chỉ có chết”, GS Nguyễn Anh Trí nói.

Tuy nhiên, ông Trí chia sẻ, ông biết, vẫn còn nhà giáo tận tâm với nghề, đồng nghiệp, học trò ông… những người như vậy không phải hiếm. Có điều, xã hội chưa biết đến nhiều, có lẽ một phần do lỗi của truyền thông. Những tấm gương ấy cần phải được nêu lên, để mọi người biết mà còn niềm tin, mà học tập.

“Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT mà để còn để cho các thầy cô giáo dạy học ở vùng vùng sâu, vùng xa mà sống và làm việc trong điều kiện cực khổ, thiếu thốn là rất có lỗi. Cần phải xem lại chế độ chính sách cho hợp lý. Và cần tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ làm việc.
Cần phải quan tâm đến từng thầy/ cô giáo cụ thể và giải quyết những khó khăn cụ thể với từng người. Ví dụ họ là người chồng trụ cột gia đình hoặc cô giáo có con nhỏ, thì có để cho họ ở quá lâu trên đó không?
Tức là các nhà lãnh đạo cần phải sát sao hơn nữa, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để giải quyết, chứ không phải chỉ có lời động viên tinh thần, hay tôn vinh.
Xưa ở cương vị Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tôi cũng rất chú ý, giải quyết cho những trường hợp nhân viên khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để họ làm việc”, GS Nguyễn Anh Trí.
Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top