Không có đèn chống cận thị

Theo TS Nguyễn Văn Khải, không có loại đèn bàn nào chống được cận thị, thậm chí còn làm lóa mắt, mỏi mắt vì ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt.

Ảnh minh họa

Đừng tin vào đèn chống cận

Loại đèn chống cận được bán mấy năm gần đây thu hút sự quan tâm của đông đảo các bậc phụ huynh. Theo đó, với những học sinh đã bị cận hoặc có nguy cơ bị cận thị, chỉ cần thay đèn học thông thường bằng đèn chống cận là có thể khắc phục được về căn bản tật cận thị. Trước tình trạng các tật về mắt của trẻ gia tăng, loại đèn này nắm bắt được khá sát nhu cầu.

Tuy nhiên, nó có thực sự hữu ích với việc chống cận thị không? TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa điện hóa và Đèn tiết kiệm năng lượng khẳng định, không có loại đèn nào có thể chống được cận thị. Đồng nghĩa là không có đèn chống cận. Các chiêu trò quảng cáo chỉ mang tính chất câu khách để bán hàng

Tật cận thị, viễn thị, loạn thị… do rất nhiều nguyên nhân, có thể do ngồi không đúng tư thế, ánh sáng không đủ, xem ti vi, chơi điện tử nhiều cũng có thể dẫn đến các tật về khúc xạ chứ không hẳn là do đèn học. Do đó các bậc phụ huynh không nên “giao phó” việc chữa cận cho chiếc đèn mà phải có giải pháp tổng thể khắc phục tình trạng ngồi sai tư thế, xem tivi, điện thoại quá nhiều….

Nếu muốn chọn đèn học cho con em mình, các bậc phụ huynh cần lựa chọn đèn có ánh sáng gần giống với ánh sáng ở cửa sổ khi trời không mây, cần đèn đủ độ cao để ánh sáng có thể tỏa đều bàn học. Nhưng hiện nay, trên thị trường không phải đèn nào cũng có độ sáng như vậy.

“Nguy hại là nhiều người cho rằng ánh sáng đèn sợi đốt có màu vàng mới tốt nên vẫn mua bóng đèn dây tóc cho con học bài. Vì đây là loại đèn có ánh sáng vàng, nên trong quá trình học con trẻ không bị mỏi mắt và tránh mắc phải các bệnh về mắt. Nhưng thực chất không phải như vậy, mắt người không thích ứng với ánh sáng vàng mà phải sử dụng ánh sáng có dải phổ nhiều màu thì mới không bị ảnh hưởng đến thị lực”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

25cm là khoảng cách chuẩn

Theo TS Nguyễn Văn Khải, rất nhiều người đến nhà ông tư vấn về sử dụng ánh sáng, các tật về mặt… đều ngồi học, đọc sai. Người thì ngồi nghiêng người, người thì dí sát mắt vào sách, người thì gù lưng… Thậm chí các bậc phụ huynh cũng không ngồi đúng tư thế.

Khi ngồi học cũng như làm việc, một điều rất quan trọng là ngồi thẳng lưng, đúng tư thế; nếu ngồi dưới ánh đèn trong khoảng 30-45 phút không thấy hiện tượng nhức, mỏi mắt thì ánh sáng đó mới đạt chuẩn. Khoảng cách chuẩn của mắt đến trang sách là 25cm.

Mắt có thể điều tiết tốt nhất trong khoảng cách này. Việc tin vào đèn chống cận để rồi ngồi sai tư thế, mắt dán vào sách… thì cận thị còn nặng thêm chứ không thể khắc phục được.

Khi chọn đèn bàn, phụ huynh cần lưu ý đèn bàn đạt đủ 4 tiêu chí sau: Độ rọi sáng của đèn trên mặt bàn học đạt 500 lux, ánh sáng của đèn không nhấp nháy, không gây mỏi mắt; chao đèn hợp lý, tập trung ánh sáng xuống mặt bàn học, không gây chói mắt.

Loại đèn cho ánh sáng có màu sắc giống như ánh sáng lúc trời có mây là chuẩn nhất. Đối với học sinh, một đèn bàn chiếu sáng tốt nhất khi người học không bao giờ nhìn thấy nguồn sáng đang phát sáng, ánh sáng bức xạ của đèn giống màu ánh nắng trời không mây.

Các bậc phụ huynh cần kiểm tra kỹ các thông số của đèn được ghi trên bao bì và lựa chọn sản phẩm chất lượng đã được thẩm định của các nhà sản xuất uy tín để bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho trẻ. Tuyệt đối không nghe theo tin đồn hay những lời quảng cáo mùi mẫn để chọn đèn.

Đối với trẻ bị cận, cần phải đeo kính thường xuyên để mắt không phải điều tiết, tránh tăng số. Ngoài ra phải mua mắt kính đúng chuẩn, đồng trục quang học phải đạt tỉ lệ tuyệt đối, sẽ không tạo áp lực lên mắt.

“Nếu trẻ xem tivi, điện thoại, máy tính quá nhiều, mắt luôn luôn phải điều tiết sẽ sinh ra mỏi, đau. Cùng với đó mà sử dụng đèn sai cách, ánh sáng rọi thẳng vào mắt thì rất dễ làm hỏng mắt trẻ”, TS Nguyễn Văn Khải.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top