Không có đam mê mới đáng lo

Không có đam mê mới đáng lo, vì học đến lớp 12 rồi mà vẫn chưa biết mình thích gì, muốn làm nghề gì. Đến thi đại học trường nào cũng do bố mẹ quyết định.

Hình minh họa.

Cậu con trai học lớp 12, cao lớn lộc ngộc, hỏi sắp tới thi trường nào, cậu bảo, chưa biết. Mẹ bảo thi trường nào thì thi trường đấy!

Có lẽ với cậu bé ấy, vào đại học cũng giống như học hết lớp 12 thì học tiếp một cấp học nữa mà thôi. Giống như vào lớp 1 hay lớp 6, mẹ xin cho vào đâu thì học ở đấy, lại toàn là trường tốt, thậm chí vào lớp 10 thiếu điểm mẹ vẫn xin được cho vào trường tốt.

Thế nên cùng với sự tin tưởng tuyệt đối vào lựa chọn, quyết định của mẹ, cậu cũng quen với việc chẳng bao giờ phải bận tâm đến thi cử, trường lớp, cả nghề nghiệp, tương lai và ngay cả cuộc đời mình cũng do bố mẹ quyết định.

Trong khi ngày càng có nhiều bạn trẻ sớm định hướng rất tốt cho nghề nghiệp tương lai của mình. Biết mình thích làm gì, chủ động đăng ký tham gia các hội thảo, xin tư vấn từ những người đi trước, tự thi lấy học bổng…

Có những bạn rất dũng cảm từ bỏ con đường rải hoa hồng mà gia đình đã vạch ra, nhất định không theo nghề truyền thống của cả dòng họ mà chọn nghề mình thích, làm việc mình đam mê, đi con đường riêng dù nhiều chông gai nhưng đầy hứng thú… Thì đáng tiếc là vẫn còn những bạn trẻ sống thiếu đam mê, chẳng biết mình muốn gì.

Cha mẹ lắm khi cứ thích con cái dễ bảo, dễ nghe lời. Họ tự cho mình cái quyền làm cha mẹ thì có thể quyết định mọi việc thay cho con, từ chọn trường, chọn lớp, định hướng học gì, làm nghề gì… những sở thích cá nhân nhiều khi bị đè nén, dẹp bỏ một cách không thương tiếc.

Thích vẽ, thích nhảy múa, ca hát, thích nấu ăn, đan lát, thêu thùa, may vá… thường bị coi là những thứ vớ vẩn, chỉ ảnh hưởng đến học tập.

Ở nhà đã thế, đến trường cũng gò bó vào ti tỉ những quy định, những tiêu chuẩn thi đua để trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn nhưng thiếu cá tính, quay cuồng với bài vở học chính, học thêm chẳng có mấy thời gian để thể hiện mình.

Trong khi chính từ những sở thích rất riêng đó có thể nhìn ra những tố chất, những đam mê để định hướng nghề nghiệp cho mỗi người.

Thế nên, điều cha mẹ cần phải lo lắng không phải vì con có những sở thích trái với mong muốn của mình, mà là con chẳng có đam mê, chẳng biết nó thích gì, thờ ơ với mọi thứ.

                                                                                                   Minh Anh

Theo Đời sống
back to top