Không có công thức tính nước uống chuẩn

Theo các chuyên gia, uống bao nhiêu nước mỗi ngày tùy thuộc vào nhu cầu cơ thể, không có công thức tính nước uống chuẩn. Quá nhiều có thể bị ngộ độc nước, uống quá ít khiến cơ thể khó đào thải chất thải, ảnh hưởng đến các chức năng khác.

Quy tắc ngón tay cái

Uống nước mỗi ngày như thế nào là vừa đủ, liệu có thể áp dụng quy tắc ngón tay cái để định lượng số nước cần uống không là thắc mắc của một số bạn đọc gửi đến KH&ĐS. Theo chị Lê Hương Ly (Ba Đình, Hà Nội), chị đọc một số tài liệu nói về lượng nước cần uống mỗi ngày thì có đề cập đến quy tắc ngón tay cái được nhiều người áp dụng.

Đó là để biết lượng nước chung ta uống mỗi ngày, trên một số trang tin quốc tế đã đưa ra một công thức áp dụng theo quy tắc ngón tay cái là cân nặng (ibs) x 0,5 = lượng nước (oz). Ví dụ một người nặng 50kg, theo công thức này, lượng nước cần cho cơ thể sẽ được tính như sau: 50kg x 2 = 100 lbs => Lượng nước = 100 (lbs) x 0.5 = 50 oz = 1,5lít/ngày.

“Loại nước nên uống là nước đun sôi để nguội. Không uống nước tinh khiết trong một thời gian dài. Không thay thế nước đun sôi để nguội bằng các loại nước uống có đường. Nước uống bổ sung chất điện giải, muối khoáng… dành cho những người có hoạt động thể lực”, PGS.TS Trần Hồng Côn.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, trung bình, cơ thể người chứa hầu hết là nước, khoảng 55-75%. Uống nước giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ, đào thải chất thải ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa táo bón và một loạt chức năng quan trọng khác. Tuy nhiên, quá mức hydrat hóa, còn gọi là ngộ độc nước hay nhiễm độc nước là khi có quá nhiều nước trong cơ thể, làm mất cân bằng chất điện giải trong hệ thống.

Uống quá ít nước thì cơ thể khó đào thải chất thải, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan khác nhau. Uống nước như thế nào là đủ? Không có một công thức cố định cho mọi người. Quy tắc ngón tay cái không đúng cho mọi người và cũng không có cơ sở khoa học.

Khuyến cáo đưa ra là hãy uống nước theo nhu cầu của cơ thể, không quá nhiều nhưng cũng không quá ít. Không phải cứ càng uống nhiều thì càng tốt bởi uống quá nhiều sẽ tạo áp lực lên thận phải làm việc, dẫn đến quá tải, người uống có thể bị ngộ độc nước. Tốt nhất là hãy uống nước khi cơ thể cảm thấy khát.

“Nhiễm độc nước xảy ra khi bạn uống nhiều nước trong một khoảng thời gian ngắn, thận không thể đào thải hết lượng chất lỏng đó ra khỏi cơ thể thông qua đường tiểu. Thận có thể lọc 20-28 lít nước mỗi ngày, nhưng trung bình mỗi ngày nên uống từ 2 đến 2,5 lít nước là đủ cho nhu cầu của cơ thể”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Mỗi người có một công thức riêng

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, cơ thể con người là một hệ thống chặt chẽ. Khi thiếu nước, não sẽ tự động phát tín hiệu cần phải uống nước. Do đó, khi uống nước quá nhiều mà cơ thể không có nhu cầu thì việc uống này sẽ khiến các cơ quan bị quá tải.

Nên định lượng nước uống dựa trên cơ địa mỗi người và tùy thuộc vào tính chất công việc, nhu cầu của cơ thể. Không nên áp dụng bất cứ một công thức cứng nhắc nào. Khi đã xác định được mình thuộc cơ địa nào, rèn thói quen chỉ uống nước khi cơ thể có nhu cầu, thì lâu dần sẽ tự khắc hình thành các thời điểm uống nước một cách vô thức.

Khi uống nước nên uống từ từ, không uống quá nhiều cùng một lúc, không uống nước quá lạnh hoặc quá nóng.

“Về công thức, lượng nước cần cho 1 kg cơ thể trong điều kiện bình thường là 40ml. Một người nặng 50kg cần 2 lít nước mỗi ngày là đủ. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải áp dụng quá chính xác cho công thức này. Mỗi người có một công thức uống nước riêng cho mình, sao cho phù hợp và thỏa mãn nhu cầu của cơ thể. Chỉ có một công thức chung có thể áp dụng cho tất cả là hãy uống khi khát”, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết.

Tuy nhiên, có một số thời điểm trong ngày nên rèn thành thói quen uống nước đều đặn như khi vừa ngủ dậy, sau các bữa ăn, trước khi đi ngủ. Những thời điểm này, cơ thể cần bù đắp nước để làm sạch ruột, giúp bộ phận tiêu hóa hoạt động tốt hơn và mang lại hiệu quả hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top