Không cho trẻ em chơi kèn Vuvuzela

(khoahocdoisong.vn) - Sau đêm cổ vũ chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhiều chiếc kèn Vuvuzela được tận dụng trở thành đồ chơi của trẻ em. Theo các chuyên gia, loại kèn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ nhỏ.

Âm thanh vượt quá khả năng nghe của tai

Nhóm nghiên cứu, do Tiến sĩ Ruth McNerney ở Trường Vệ sinh và Y tế Nhiệt đới Luân Đôn (Anh) dẫn đầu, yêu cầu 8 nam nữ tình nguyện viên khỏe mạnh thổi kèn, sau đó dùng thiết bị laser để đo lượng bọt nước do họ thải ra. Các chuyên gia phát hiện trung bình kèn vuvuzela tống ra đến 658.000 phân tử aerosol (khí dung)/lít khí và các hạt này bắn vào không khí với tốc độ 4 triệu đơn vị/giây.

Trong khi đó, khi được yêu cầu hò hét, các tình nguyện viên chỉ cho ra 3.700 phân tử aerosol/lít khí với tốc độ 7.000 bọt khí/giây. Tiến sĩ Ruth cảnh báo khi tham gia sự kiện thể thao có đông người sử dụng kèn vuvuzela, một khán giả có thể hít vào lượng lớn vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp.

Theo thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, ngay sau bàn thắng đầu tiên trong trận lượt về Việt Nam - Philippines, tiếng ồn kỷ lục đạt 121,7 Decibel đã được ghi nhận. Đó là hợp âm của tiếng vỗ tay, sự cuồng nhiệt với đóng góp không nhỏ của kèn vuvuzela. Theo Tạp chí Live Science, kèn vuvuzela là một loại nhạc cụ thuộc dòng kèn thổi hơi, dài khoảng 65 cm, xuất xứ từ Nam Phi. Nhờ âm thanh lớn đặc biệt, kèn vuvuzela được nhiều cổ động viên bóng đá sử dụng. Kèn vuvuzela phát ra âm thanh lên tới 127 Decibel. Mức ồn này lớn cả máy cắt cỏ, máy cưa, còi hơi và vô cùng nguy hiểm đối với thính lực.

TS vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết, âm thanh thông thường để tai nghe được có tần số khoảng 10 Decibel. Ở mức từ 60-90 Decibel, tai sẽ bị đau do tác động trực tiếp vào hệ thống dây thần kinh tiếp nhận âm thanh. Với âm thanh của chiếc kèn Vuvuzela phát ra lên đến 127 Decibel thì khả năng bị hỏng tai, điếc tai, thủng màng nhĩ, nghễnh ngãng, suy giảm khả năng nghe là cực kỳ lớn. Đây chính là hậu quả của tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, khi nghe âm thanh to quá mức hoặc sống ở những nơi có quá nhiều tiếng ồn.

“Điều tai hại là rất ít cha mẹ biết điều này, cứ nghĩ chiếc kèn đồ chơi thì có vấn đề gì đâu, cứ để con thổi. Giống như cho trẻ xem điện thoại, cha mẹ cứ mặc kệ trẻ dí điện thoại sát vào mắt. Thói quen ấy không chết người ngay, nhưng sự nguy hại của nó thì khó mà lường hết”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Nghe vài lần cũng có thể điếc

Theo TS Nguyễn Văn Khải, nếu chỉ chơi một hai lần, nghe âm thanh văng vẳng ra từ các đám đông ồn ào cổ vũ, thì có thể chưa sao. Nhưng trẻ em mà dùng kèn vuvuzela làm đồ chơi hàng ngày thì rất nguy hiểm. Một trong những hậu quả của việc tiếp xúc với quá nhiều âm thanh kèn vuvuzela là chứng ù tai. Tình trạng này khiến người bệnh luôn nghe thấy âm thanh trong tai. Nặng hơn, kèn vuvuzela có thể dẫn đến mất thính lực.

Đã từng có nghiên cứu chỉ ra rằng, tiếp xúc với âm thanh kèn vuvuzela khoảng 7-22 giây là đủ để gây mất thính lực tạm thời đối với cả người nghe lẫn người thổi. Trải qua ba đến năm lần nghe, thính giác có nguy cơ bị hỏng lâu dài, không thể đảo ngược do tế bào trong tai bị phá hủy. Liên quan tới loại kèn này, tổ chức Hear The World cũng cảnh báo nghe âm thanh từ 100 db trở lên trong 15 phút có thể khiến con người mất hẳn thính lực.

“Tai trẻ nhỏ rất mỏng, nhạy cảm, hệ thống màng nhĩ, các dây thần kinh còn yếu, chưa phát triển hoàn thiện. Việc nghe những âm thanh có tần số quá cao sẽ hủy hoại khả năng nghe sau này của trẻ. Ở nhiều nước người ta đã cấm sử dụng kèn vuvuzela, còn ở ta thì vẫn cứ thản nhiên cho trẻ chơi, nghịch, thậm chí chiều con, có nhà còn mua mấy chiếc về cho trẻ chơi đùa. Đừng hại con mình bằng sự thiếu hiểu biết của chính mình”, TS Nguyễn Văn Khải khuyên.

Với những gia đình đã “trót” cho trẻ chơi quá nhiều loại kèn này, hãy dừng ngay và cho trẻ đi khám thính lực, nếu có vấn đề phải điều trị ngay. Tránh để lâu ngày, dần dẫn trẻ bị điếc lúc nào không hay.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, cha mẹ có thể thử khả năng nghe của trẻ bằng cách chú ý quan sát khi nói chuyện bình thường với trẻ. Nếu trẻ có biểu hiện nghễnh ngãng phải đi khám ngay.

Theo Đời sống
back to top