Không chỉ “khuyên nhủ”, cần phải có kỷ luật trong giáo dục

TS Trần Vân Anh cho rằng, cần thiết phải có kỷ luật trong giáo dục để trẻ nhận diện được ranh giới của việc được làm và không được làm.

Cần hiểu thống nhất về thuật ngữ “phạt”, “khuyên nhủ”

Trao đổi với KH&ĐS về quan điểm “Giáo dục bằng khuyên nhủ, không phạt đang dần hủy hoại giới trẻ” của TS Vũ Thu Hương, TS Trần Vân Anh, Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Hà Nội cho rằng, bất kì tuyên bố nào cũng có bối cảnh và ngữ cảnh. Khi bị tách ra khỏi ngữ cảnh, một câu nói có thể bị hiểu phiến diện, thậm chí hiểu sai hoàn toàn ý diễn đạt gốc của người nói.

ts-tran-van-anh.jpg
TS Trần Vân Anh, Trường THPT Phạm Ngũ Lão, Hà Nội cho rằng, cần phải có kỷ luật trong giáo dục.

Đọc các luồng quan điểm trái chiều về ý kiến trên, có thể thấy có sự không thống nhất cách hiểu về thuật ngữ giữa các ý kiến tranh luận, đặc biệt từ “phạt”.

Chính TS Vũ Thu Hương đã lưu ý về việc không nên “nhầm lẫn giữa hình phạt và bạo hành”. Trong khi đó, nhiều ý kiến kể cả ủng hộ và phản đối cho rằng phạt là sự trừng phạt cho lỗi lầm của trẻ và một phần nào đó gần với các hình thức bạo hành trẻ về thể xác hoặc tinh thần. Với sự hiểu không thống nhất về một thuật ngữ trong một cuộc tranh luận dễ gây ra những hiểu lầm.

Ngoài ra, khi đặt hai từ trong câu trên, dường như đang tạo ra sự đối lập giữa “khuyên nhủ” và “phạt”. Theo cách diễn ngôn này, khiến người đọc cho rằng, khuyên nhủ và phạt là hai cách thức hoàn toàn tách biệt và đối lập nhau. Trên thực tế, việc khuyên nhủ và phạt không loại trừ lẫn nhau.

Theo đó, việc khuyên nhủ nhằm giúp cho trẻ nhận ra việc được phép làm và không được phép làm cùng với ý nghĩa hoặc tác hại của việc tuân thủ quy tắc hay vi phạm quy tắc. Phạt là hệ quả của việc vi phạm điều không được phép, nói cách khác, hình phạt là một cách giúp trẻ nhận ra kết quả của việc vượt qua ranh giới được phép và không được phép.

“Vì vậy, tôi cho rằng, mỗi người tham gia tranh luận cần hiểu rõ ngữ cảnh và hiểu thống nhất về thuật ngữ trước khi đưa ra luận điểm của mình. Và vì tiếp cận khác nhau, như trên có đề cập, khó thể kết luận đơn giản rằng bên nào đúng hay bên nào sai trong cuộc tranh luận này mà không áp dụng vào tình huống hay trường hợp cụ thể”, TS Trần Vân Anh nói.

Kỷ luật giúp trẻ có trách nhiệm với việc mình làm

TS Trần Vân Anh cho biết, trong cuốn “Kỷ luật tích cực”, Jane Nelsen đã đưa ra 3 phương pháp tiếp cận chính giữa tương tác người lớn và trẻ, đồng thời cũng chỉ ra 4 hệ quả của việc trừng phạt trẻ.

3 phương pháp tiếp cận bao gồm: Nghiêm khắc (kiểm soát quá mức), nuông chiều (không có lựa chọn), tích cực (trao quyền, vừa mềm mỏng vừa kiên quyết).

4 hệ quả của việc trừng phạt là:

- Tức giận: trẻ thấy bất công, mất niềm tin vào người lớn.

- Trả thù: trẻ sẽ trả đũa khi có cơ hội.

- Nổi loạn: trẻ làm ngược lại những gì người lớn nói.

- Rút lui: trẻ sẽ lén lút lặp lại để không bị bắt gặp, hoặc cảm thấy tổn thương, thấy bản thân tồi tệ.

Bà không phản bác hoàn toàn lý thuyết về “kỷ luật tích cực” nhưng không tuyệt đối hóa nó theo cách phủ nhận sạch trơn cách giáo dục truyền thống mà muốn tập trung vào việc phân định “kỷ luật” và “hình phạt”.

Về ngôn ngữ tiếng Việt, kỷ luật là những quy định có tính chất bắt buộc đối với cá nhân và tổ chức phải tuân theo để đảm bảo tính chặt chẽ của tổ chức. Hình phạt là hình thức trừng phạt tương ứng với vi phạm.

Trong bình diện xã hội, kỷ luật là luật pháp, quy định bắt buộc con người trong xã hội, trong tổ chức phải tuân thủ để giữ trật tự của xã hội hay tổ chức, còn hình phạt là kết quả tất yếu khi cá nhân phạm luật hay vi phạm quy định.

“Nhìn từ phương diện giáo dục, cá nhân tôi thấy cần thiết phải có kỷ luật trong giáo dục để trẻ nhận diện được ranh giới của việc được làm/ không được làm và các cấp độ thực hiện cũng như kết quả của việc vi phạm theo mức độ. Trẻ cần được biết trước kết quả của hành động mình sẽ làm cũng như hệ quả của hành động đó. Điều này giúp trẻ có trách nhiệm với hành động của mình trước khi làm, và ngăn ngừa trẻ làm những điều không được phép làm”, TS Trần Vân Anh chia sẻ.

Theo TS Trần Vân Anh, trách nhiệm của người lớn nên tập trung vào việc giúp cho trẻ nhận thức kỷ luật và trách nhiệm với việc được làm và ngăn ngừa việc không được làm, hơn là để mặc trẻ vi phạm rồi thực thi hình phạt. Cách thực thi hình phạt mà trẻ không biết vì sao trẻ bị phạt, cũng như không hiểu ý nghĩa của hình phạt, hoặc sự vô nguyên tắc trong áp dụng hình phạt mới chính là nguyên nhân khiến trẻ có những cảm xúc tiêu cực kể trên, chứ không phải bản thân hình phạt là nguyên nhân gây ra hệ quả đó.

giao-duc-bang-khuyen-nhu(1).jpg
Ảnh minh họa.

Không nên ở nhà nuông chiều, đến trường nghiêm khắc

Theo TS Trần Vân Anh, một điều rất quan trọng khi áp dụng bất kỳ phương pháp giáo dục nào, đó là sự phù hợp với đối tượng giáo dục và môi trường thực thi phương pháp. Muốn áp dụng “kỷ luật tích cực”, trước hết người lớn phải có kỷ luật và làm gương cho trẻ, yêu thương và kiên nhẫn theo tiếp cận cá nhân hóa từng trẻ. Phương pháp giáo dục của người lớn phải nhất quán giữa gia đình, nhà trường và môi trường xã hội mới giúp cho trẻ không rơi vào trạng thái hoang mang, lẫn lộn và bất bình. Ví dụ, ở nhà áp dụng phương pháp nuông chiều, đến trường lại áp dụng phương pháp nghiêm khắc hoặc ngược lại sẽ gây xung đột, nếu trẻ nhỏ sẽ thấy lẫn lộn, lo lắng nhưng nếu trẻ đã lớn có thể biết lợi dụng sự xung đột đó có lợi cho mình để chống đối lại kỉ luật.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top