Không ai cứu mình bằng chính bản thân mình

Nhìn ông Trương Thập (81 tuổi, số nhà 17/279/64 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) trong lớp dạy yoga, mái tóc trắng như cước, nước da hồng hào khỏe mạnh, phong thái an nhiên, tĩnh tại, không ai có thể nghĩ có lúc ông đã từng ốm yếu đến mức đi không vững.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/truong-thap-300x223.jpg

Ông Trương Thập (hàng trên) trong lớp yoga.

Khí công, yoga mang đến một cuộc đời mới

Khi 40 tuổi bị bệnh tim, tiền đình, xương khớp,… ông Thập đi không vững, đi 40m-50m cũng khó khăn. 42 tuổi khi phải xin nghỉ hưu vì sức yếu thì ông nghĩ mình đã là phế phẩm rồi. Bạn bè đến thăm nghĩ chắc cũng gần đất xa trời. Nhờ cơ duyên, ông được người bạn rủ đi học lớp khí công.

Lúc đầu ông cũng không tin sẽ khỏi được bệnh tật. Nhưng nhờ kiên trì tập luyện khí công kết hợp với yoga, lại gặp thầy giỏi… ông đã đắc khí ngay và khỏe lên nhiều. Giờ ở tuổi 81 ông khỏe mạnh, nhanh nhẹn như chưa hề có bệnh.

Tôi rất thích câu nói của ông: Không ai cứu giúp mình ngoài chính bản thân mình. Điều đó như một triết lý được rút ra từ chính thực tế cuộc đời ông. Từ chỗ ốm đau bệnh tật, nhờ tập luyện hằng ngày, xoa bóp và tập thở cùng với việc điều chỉnh lối sống đã mang đến cho ông một cuộc đời mới.

Giờ đây, ngoài việc hướng dẫn các lớp yoga, hàng ngày sáng, chiều, tối ông đều thiền. Quan trọng nhất là tập thở. Người bình thường thở 16- 18 lần/ phút, còn người tập luyện có thể thở 120 lần/ phút. Thở đúng cách kết hợp với xoa bóp giúp khí huyết lưu thông, đẩy hết khí độc ra, nạp khí sạch vào khiến da dẻ hồng hào mà ông gọi là ăn khí trời.

Trò chuyện với ông, tôi mới hiểu khái niệm uống cơm nhai nước. Tức là ăn cơm thì nhai kĩ nghiền thành nước rồi mới nuốt. Còn uống nước thì không uống ừng ực mà chia nhỏ ra từng ngụm.

Có cảm tưởng, mỗi hành động, cử chỉ, từng việc làm đơn giản hàng ngày đều được ông thấu hiểu một cách sâu sắc và đều mang một triết lí sống mà bình thường ta có thể bỏ qua. Ví dụ như việc hít thở, ăn uống, nhai nuốt, đi đứng,… chúng ta vẫn làm hàng ngày nhưng chẳng mấy khi để ý và không biết rằng nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mình.

Hiền thì khỏe

Hơn 20 năm trời tập luyện và hướng dẫn các lớp yoga không chỉ cho ông sức khỏe mà còn mang lại cho ông một phong cách sống thanh thản, hiền hòa. Ông bảo “Chính sự hiền hòa làm cho tôi khỏe”. Khi Thiền, người hiền lành bao giờ cũng dễ đắc khí hơn.

Trong đối nhân xử thế, nếu biết cách sống, biết cách ăn ở với nhau thì ta khỏe. Ví như, ra ngoài đường có người va phải ta, chưa cần biết ai đúng ai sai, mình cứ xin lỗi người ta trước đi, người ta nghĩ ra rồi cũng xin lỗi mình. Còn nếu người ta không biết xin lỗi thì cũng không đến mức phải gây gổ với mình. Chứ cứ đòi phân biệt đúng sai, dẫn đến gân cổ lên với nhau, chỉ có mình là thiệt.

Tập khí công, yoga nói nhiều là mất khí nên phải tập tịnh khẩu. Tịnh khẩu thì tránh được họa.

Trong gia đình cũng vậy, ông không bao giờ xưng hô mày tao hay to tiếng với con cháu. Bởi bản thân mình cũng không thích nghe những điều thô lỗ như thế sao lại nói với con cái, với người xung quanh. Muốn người khác nhẹ nhàng với mình trước hết phải đối xử với họ như vậy.

Mỗi gia đình cần giữ những thói quen, những tập quán, nền nếp tốt đẹp của dân tộc. Có thế gia đình mới yên vui hạnh phúc.

               Tuệ Minh

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top