Khoảng 10% người bệnh Covid-19 mất mùi vị kéo dài

Mất mùi và mất vị là những triệu chứng thường gặp ở người bệnh Covid-19. Khoảng 90% người bệnh có thể tự hồi phục sau 4 tuần. Ở một số người bệnh, mất mùi vị kéo dài ngay cả đã khỏi bệnh.

Mất mùi vị sau 2 tháng khỏi bệnh Covid-19

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), điều trị cho người bệnh N.M.T. (20 tuổi, ngụ tại TPHCM). Hơn 2 tháng nay, anh T. bị mất mùi sau nhiễm Covid-19, thỉnh thoảng mới ngửi được.

ths-bs.-tran-thanh-tai-kham-cho-nguoi-benh-thay-doi-khuu-giac-hau-covid-19-2-.jpg
ThS.BS Trần Thanh Tài khám cho người bệnh thay đổi khứu giác hậu Covid-19. 

Anh T. là một nhân viên pha chế nước hoa, tình trạng mất mùi ảnh hưởng rất lớn đến công việc của anh.

Sau khi thực hiện đánh giá mức độ mất mùi của anh T. ở mức độ nặng, bác sĩ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc corticoid tại chỗ (mũi) và toàn thân, kết hợp với một số thuốc hỗ trợ khác.

Bên cạnh đó, người bệnh được hướng dẫn bài tập ngửi mùi tại nhà (3 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 20 giây). Sau gần 4 tuần, khứu giác dần cải thiện.

Sau 2 tháng điều trị, anh T. đã hồi phục khứu giác hoàn toàn và có thể trở lại với công việc của mình.

Theo ThS.BS Trần Thanh Tài, Khoa Tai mũi họng, BV ĐHYD TPHCM, mỗi tháng phòng khám của Bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 150 trường hợp người bệnh hậu Covid-19 có các vấn đề về khứu giác, vị giác.

Theo một nghiên cứu tổng hợp tại châu Âu năm 2020, khoảng 53% người nhiễm Covid-19 có thay đổi (mất hoặc giảm) mùi vị.

Một báo cáo bước đầu về thay đổi khứu giác và vị giác ở người nhiễm Covid-19 tại BV ĐHYD TPHCM chiếm khoảng 70%.

Triệu chứng giảm hoặc mất mùi vị có thể xuất hiện sớm và thường là triệu chứng ban đầu của Covid-19.

Về mặt nguyên nhân, các nghiên cứu cho thấy, SARS-CoV-2 liên kết với một protein gọi là ACE2 được tìm thấy trên tế bào chủ thể. ACE2 tập trung ở các tế bào trong mũi và miệng.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ACE2 trên các tế bào nâng đỡ bao quanh tế bào thần kinh khứu giác ở mũi và các tế bào trong nụ vị giác ở lưỡi.

Sự tổn thương của các tế bào này dẫn đến phản ứng viêm và tổn thương thần kinh dẫn đến rối loạn mùi vị.

Mất mùi vị ảnh hưởng đến công việc, gây rối loạn lo âu

Mất mùi vị có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là một số công việc của người bệnh như đầu bếp, nước hoa, thử rượu… Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới các vấn đề về dinh dưỡng, trầm cảm, lo âu…

ThS.BS Trần Thanh Tài cho biết: “Triệu chứng mất mùi vị do Covid-19 thường là tạm thời, khứu giác và vị giác sẽ tự cải thiện trong vòng 4 tuần.

Tuy nhiên, nếu tình trạng mất mùi vị kéo dài, người bệnh nên khám tại các phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng, hậu Covid-19 để được tư vấn chẩn đoán xác định và điều trị phù hợp”.

Dù chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu về thay đổi mùi vị ở người bệnh Covid-19, nhưng các bài tập khứu giác (tập ngửi), sử dụng thuốc corticoid, thuốc tái tạo thần kinh… được chứng minh có hiệu quả và đang tiếp tục được giới chuyên môn y khoa nghiên cứu, bàn luận.

Trường hợp bị mất mùi vị đột ngột nhưng chưa được chẩn đoán xác định mắc Covid-19, người bệnh nên tự cách ly, thực hiện xét nghiệm nhanh và thông báo cho y tế địa phương để được hướng dẫn kịp thời.

“Thay đổi khứu giác - vị giác ở người bệnh Covid-19” là một trong những phiên đào tạo thuộc chuyên đề “Những thông tin về Covid-19 trong thực hành lâm sàng tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ”.

Phiên đào tạo này được cập nhật trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học và Đào tạo thường niên trực tuyến BV ĐHYD TPHCM năm 2021. Tuần lễ này gồm 36 phiên báo cáo.

Tuần lễ Đào tạo Y khoa liên tục thường niên là sự kiện được tổ chức hằng năm nhằm công bố những công trình nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng cũng như cập nhật các tiến bộ mới nhất trong y khoa từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top