Khoán xe công, không nên thí điểm nữa

PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội nhận định, khoán xe công là vấn đề đặt ra đã vài chục năm rồi, nhưng đến giờ vẫn cứ mới chỉ là làm thí điểm. Có chủ trương mà khó thực hiện là bởi tâm lý xài tiền chùa, chuộng hình thức, quan cách của nhiều cán bộ.

PGS. TS Hoa Hữu Lân.

Giảm chi phí ăn theo

Bộ Tài chính vừa tiên phong khoán xe công đối với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính, chứ danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương). Theo đó, kinh phí hằng tháng để đưa đón các chức danh này từ nơi ở đến nơi làm việc được tính theo số km khoán và đơn giá theo các hãng taxi phổ biến trên thị trường. Mỗi cá nhân được khoán kinh phí cho hai lượt đi và về trong ngày làm việc. Số ngày làm việc của tháng theo quy định của Bộ luật Lao động. Ông tính toán thế nào về giải pháp khoán xe công này?

Khoán xe công là việc cần phải làm, dựa vào tính minh bạch, cân đối thu chi và năng lực, năng suất lao động. Lấy hiệu quả chia cho năng lực, nói đơn giản là làm nhiều hưởng nhiều.

Khoán xe cũng giống như các loại khoán khác, trong quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, xiết chặt sử dụng ngân sách hiện nay, gắn liền với việc sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả trên cơ sở tiết kiệm chi, chi đúng mục đích, đối tượng và đúng giá trị.

Vấn đề khoán xe công cũng nằm trong lộ trình tiết kiệm chi, tạo cho đối tượng hưởng khoán ấy có thể chủ động được. Tôi nghĩ là nhiều cái được trong khoán xe công.

Với người được khoán, ông nói là họ có thể chủ động công việc hơn, nhưng liệu họ có thấy thích hơn so với sử dụng xe công không?

Trước tiên là họ có thể chủ động với mức tiền khoán ấy, bằng cách tự do lựa chọn phương tiện đi lại, có thể là xe taxi, xe ôm hay xe riêng với khoản tiền ấy.

Nếu vượt mức khoán thì phải bỏ tiền túi ra. Trước đây có vị đại biểu Quốc hội đã thực hiện khoán xe công, sử dụng xe ôm hoặc taxi và thấy rất thoải mái.

Làm được như vậy thì mới giảm chi được ngân sách. Còn trước đây cứ đi vô tội vạ, rồi hiện tượng xe biển xanh đi ăn nhậu, đi lễ chùa, đi chơi… mà không phục vụ cho mục đích công vụ, thì phải được ngăn chặn.

Khoán xe công có phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn lãng phí ấy?

Không thể duy trì mãi “trăm dâu đổ đầu… ngân sách” được. Khoán như thế thì người sử dụng xe chủ động, Nhà nước cũng căn cứ vào đó để lập được khoản chi thường xuyên hàng năm cho xe công. Tôi nghĩ là rất hợp lý.

Để nuôi một cái xe, kèm theo biên chế 1 lái xe, tiền mua xe, xăng xe, phí cầu đường.. là rất tốn kém. Một cơ quan có khi có cả một đội xe. Giờ khoán được thì sẽ giảm được những chi phí ăn theo không cần thiết, phục vụ chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay.

Khoán xe công cho tất cả các vị trí

Việc khoán xe công liệu có làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, vì nhiều khi gọi taxi hay xe ôm cũng mất thời gian?

Giờ các phương tiện dịch vụ khá phát triển, luôn sẵn sàng phục vụ. Ngân sách của chúng ta hiện nay đang ở mức “báo động đỏ” rồi nên buộc lòng phải giảm, tiết kiệm chi tối đa. Ngay cả Hà Nội sau khi rà soát lại chi phí cắt cỏ thì đã giảm được đến hơn 700 tỉ đồng mỗi năm đấy.

Nó là những thứ lãng phí mà cần phải xiết lại để duy trì an ninh ngân sách. Chủ trương tiết kiệm chi và tinh giảm biên chế là việc phải làm ngay.

Có ý kiến cho rằng nên mở rộng đối tượng khoán xe công?

Hiện nay, tôi nghĩ là không nên làm thí điểm mà bắt tay vào làm ngay đi, ngân sách đã hạn hẹp lắm rồi. Tất cả các vị trí có chế độ xe công đều phải khoán hết, chứ không chỉ là một vài vị trí hay là làm thí điểm ở bộ ngành nào.

Trừ trường hợp một số cấp cực kỳ quan trọng như Bộ Chính trị, các bộ trưởng, người đứng đầu các địa phương… thì có chế độ ưu tiên đặc biệt. Còn nếu chỉ khoán một vài vị trí, ở một vài bộ ngành để làm thí điểm thì việc tiết kiệm này không mang nhiều ý nghĩa lắm.

Đối tượng thuộc diện được sử dụng xe công hiện nay chắc hẳn là nhiều lắm?

Đông lắm chứ, rất nhiều bộ ngành, địa phương, vụ viện, ban bệ… Nếu khoán xe công một cách quyết liệt thì chắc chắn sẽ tiết kiệm được nhiều ngân sách. Phải xóa bỏ tâm lý chỉ đi xe công thì mới “oai”, đi xe ôm, đi xe taxi thì xộc xệch, bụi bặm.

Tất nhiên khi khoán xe công cũng tính đến những khó khăn mà người được khoán xe gặp phải, nhất là trong tình trạng các loại phương tiện khớp nối chưa hoàn chỉnh, phương tiện công cộng chưa phát triển, chưa chuyên nghiệp. Tránh tình trạng đi làm muộn, đi họp muộn vì không bắt được xe.

Tâm lý xài tiền chùa

Khoán xe công đã được nói đến mấy chục năm rồi, nhưng vì sao đến giờ vẫn cứ ì ạch?

Ta nói nhiều rồi nhưng không làm. Do điều kiện khách quan là hệ thống giao thông phát triển, nhưng do chủ quan là lớn hơn. Người ta không muốn làm bởi con người luôn gắn với lợi ích, vị trí càng cao thì lợi ích càng lớn. Cho nên không dễ mà một sớm một chiều người ta có thể từ bỏ ngay lợi ích ấy được.

Một “ông quan” chỉ cần nhấc máy gọi là văn phòng tất bật chuẩn bị xe cho ông đi, thích hơn nhiều đưa ông ấy một cục tiền. Bởi vấn đề nhiều khi không phải là tiền, mà là đẳng cấp. Không có xe công để đi thì nghĩa là đẳng cấp đã bị hạ. Tâm lý làm quan có đặc điểm thế.

Tâm lý này có phổ biến không ạ?

Phổ biến lắm chứ. Chức vụ càng cao thì người ta càng ngại về hưu, càng không muốn về nghỉ. Không phải vì tiền đâu, nói thật là tiền của một số người tiêu vài đời không hết. Tâm lý chung là đã quen sống trong thói quen trên bảo dưới phải nghe, trên bẩm dưới thưa, thái độ quan liêu quen rồi. Lãnh đạo phải khác người thường.

Thành ra là để trở về cuộc sống làm một người dân bình thường là họ ngại. Rồi tâm lý xài tiền chùa rất phổ biến rồi, nên chậm thay đổi, khó thay đổi.

Nghĩa là khó thay đổi vì tâm lý chứ không phải vì chưa có quy định?

Nó là tâm lý ăn sâu rất khó thay đổi, và cả quyền lợi của họ nữa. Cả hai thứ đó đều rất khó thay đổi. Đã đến lúc thay đổi, nếu hệ thống giao thông, dịch vụ xe chưa tốt thì có thể khuyến khích các hãng xe tư nhân cung cấp dịch vụ công. Ví dụ bộ ngành có thể thuê xe của hãng nào đó thay vì ngân sách phải bỏ tiền để mua xe, rồi trả lương, trả tiền xăng…

Nếu làm được việc này thì không ai phải đi giám sát việc sử dụng xe công vào việc tư nữa. Rất nhiều cái lợi xung quanh việc khoán xe công này. Trong xu thế đổi mới, tiết kiệm chi tiêu ngân sách thì nên áp dụng triệt để, sẽ là một đòn bẩy rất lớn cho “sức khỏe” của ngân sách trong bối cảnh hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tô Hội (thực hiện)

Theo cách tính khoán xe công, Bộ Tài chính có 3 Thứ trưởng nhận mức khoán 9,9 triệu đồng/tháng (nhà cách công sở khoảng 15km), 2 Thứ trưởng nhận mức khoán 5,28 triệu đồng/tháng (nhà cách công sở khoảng 8km) và Thứ trưởng ở gần công sở nhất nhận mức khoán 3,96 triệu đồng/tháng. Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ôtô được điều chỉnh 12 tháng một lần, tính từ khi Bộ phê duyệt đơn giá khoán. Số tiền khoán kinh phí sử dụng xe được chi trả cùng với kỳ trả lương cho từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán còn khoảng cách thực tế từ nơi ở đến nơi làm việc của từng chức danh Thứ trưởng thực hiện khoán sẽ do đoàn xe của Văn phòng Bộ Tài chính xác định.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top