Khoa thi võ đầu tiên – kỳ 2: Những Tiến sĩ võ

Những Tiến sĩ võ có từ thời Lê.

•  Khoa thi võ đầu tiên

Võ miếu Huế.

Dòng họ có nhiều Tạo sĩ nhất

Theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, khoa thi năm Bảo Thái thứ 5 (1724) đặt trường thi Bác cử ở sở Thịnh Quang. Kỳ đệ nhất hỏi 10 câu về ý nghĩa trong 7 bộ sách Kinh thư.

Kỳ đệ nhị thi hai tao võ nghệ: Trước hết thi cưỡi ngựa múa đâu mâu; sau thi đến siêu đao, làm lá chắn và múa gươm giáo, căn cứ vào sự so đo được hay thua để định người hơn người kém. Tiếp theo là xét xem người nào có khí sắc hùng dũng được thăng lên một bậc, người nào kém phải tụt xuống một bậc.

Kỳ đệ tam, thi văn sách hỏi về cách thao luyện và phương lược về phép bày trận để đánh địch, giữ thành trì. Lấy 11 người đỗ Tạo sĩ xuất thân, trong số ấy có Văn Đình Dậu và Hoàng Nghĩa Bá sau này đều trở thành những viên tướng nổi tiếng.

Khoa thi này định thứ tự cho Tạo sĩ mới được trao quan chức lần đầu như sau: Người đỗ vào hạng ưu được chánh lục phẩm, người đỗ trung hạng và thứ trung được tùng lục phẩm, người thứ thủ được chánh thất phẩm. Về điển lệ ban ân cho Tạo sĩ cũng giống như Tiến sĩ văn học.

Kể từ khoa thi này về sau, cứ theo lệ đã định 3 năm mở một khoa thi, nhưng qua thời gian có sự thay đổi chút ít về quy chế thi, môn thi.

Do việc khai thác thống kê các kho thi Tạo sĩ chưa được đầy đủ, nhưng chúng tôi qua khảo cứu thấy chi họ Võ ở xã Hà Hoàng, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh thấy có sự độc đáo vì đây là dòng họ có nhiều Tạo sĩ nhất.

Tại khoa thi Bác cử vào năm Nhâm Thìn, Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đời vua Lê Hiến Tông, chúa Trịnh Sâm, khoa thi này có 23 vị đậu Tạo sĩ. Riêng họ Võ Tá ở Hà Hoàng chiếm 3 vị: Võ Tá Kiên, Võ Tá Dao và Võ Tá Dự.

Số Tạo sĩ dòng họ Võ Tá ở xã Hà Hoàng, tổng Phượng Thất, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh gồm 17 vị.

Võ đạt tam phẩm vẫn mang gươm hầu

Khi Võ học sở (trường học võ) đi vào ổn định, chúa Trịnh Cương sai các quan làm bài ký ca ngợi: Kết quả bài của Binh bộ Thượng thư Nguyễn Công Cơ được xếp hạng nhất và được Chúa thưởng 5 quan tiền, bài của Võ úy Điền trung hầu Văn Đình Trai xếp hạng nhì, được thưởng 4 quan tiền.

Bài của Nguyễn Công Cơ có đoạn: “… Quy chế về việc võ ít thấy từ xưa tới nay sắp xếp ra sao. Võ miếu tuy lập từ thời Tống nhưng rút cuộc chỉ ham chuộng hư danh. Than ôi! Chỗ đất xây dựng nhân tài ngày một hoang vu, mà tạo tác thành Tạo sĩ hãy còn thiếu sót. Vì vậy, người chăm việc lược thao chỉ truyền riêng cho gia đình dòng tộc, thành thử việc giáo dục ở quốc đô chưa được rộng khắp; kẻ biểu diễn võ nghệ thì tụ tập ở trường ốc, còn sự lập ra nhà giảng võ thì chưa thấy nói đến bao giờ. Đó là điều mà các triều đại đã đi theo gót nhau, gây thành thói quen và lại là việc mà những người võ biền bấy lâu nay vẫn đem lòng nuốt hận…”.

Đến nay, mặc dù đã bị tàn phá khá nhiều nhưng về văn còn có Văn Miếu Hà Nội, Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), Văn Miếu Hưng Yên, Văn Miếu Huế, Văn Miếu Trấn Biên, Văn Miếu Long Thành và một số văn miếu khác đang có kế hoạch trùng tu tôn tạo lại. Về võ miếu có rất ít như tại Hà Nội, nhưng đang xuống cấp trầm trọng, còn lại chỉ còn trên sách:

 “Văn thì ngũ phẩm đã sang

  Võ đạt tam phẩm vẫn mang gươm hầu”

Trịnh Dương

Theo Đời sống
back to top