Khoa học giúp nông dân “cất cánh”

(khoahocdoisong.vn) - “Nhờ ứng dụng, chuyển giao những thành tựu của KH&CN, đời sống người dân đã từng bước được nâng lên, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất”, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng chia sẻ.

“Nhờ ứng dụng, chuyển giao những thành tựu của KH&CN, đời sống người dân đã từng bước được nâng lên, tăng năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất”, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng chia sẻ.

Hàng loạt dự án được ứng dụng thành công

Là một trong những địa phương thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (Chương trình Nông thôn miền núi), bà đánh giá thế nào về việc ứng dụng KHCN trong đời sống?

Nhìn chung, các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi có hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Các đối tượng trong các dự án Nông thôn miền núi như các loại nấm ăn, nấm dược liệu ,các loại hoa lan, hoa cúc, hoa ly, cây ăn quả, bò lai Sind, dê, thỏ trắng... được nhân rộng và góp phần đa dạng hóa các giống cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Kết quả thực hiện các dự án tại TP Đà Nẵng đã giúp thành phố đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp.

Qua việc ứng dụng đó, trình độ của cán bộ được nâng lên như thế nào thưa bà?        

Thông qua các dự án đã tạo cơ sở hình thành và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH&CN, đặc biệt là công nghệ sinh học của thành phố. Qua đó, năng lực cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, các cán bộ kỹ thuật các quận, huyện cũng đã được nâng cao thông qua các lớp đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Việc ứng dụng công nghệ có gặp khó khăn không ạ?

Bên cạnh các kết quả tích cực như trên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như việc tiếp tục triển khai nhân rộng kết quả dự án vẫn chưa được thực hiện ở quy mô lớn. Việc nhân rộng dự án chủ yếu được thực hiện thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo và hướng dẫn từ các cán bộ kỹ thuật và cán bộ địa phương cũng như lồng ghép với các chương trình tại địa phương. Đại đa số đơn vị chuyển giao thường ở xa đơn vị chủ trì thực hiện dự án nên nhiều khi cũng gặp khó khăn trong công tác phối hợp.

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng

Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh, Hòa Vang, Đà Nẵng

80 quy trình kỹ thuật được chuyển giao

Bà có thể điểm qua những công trình được ứng dụng thành công ở địa phương?

Trong 15 năm qua đã có tổng cộng 16 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi được thực hiện với khoảng 80 quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Trong số này có 13 dự án đã nghiệm thu và 3 dự án đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hiện nay có thêm 2 dự án về sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao và dự án về ứng  dụng công nghệ tưới tiết kiệm được phê duyệt thực hiện, mới hoàn tất các thủ tục ký kết hợp đồng thực hiện bắt đầu từ năm 2019…

Ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến để sản xuất hoa các loại, các loại nấm ăn và nấm dược liệu, cây ăn quả (bưởi da xanh), cây dược liệu và vật nuôi (bò Lai Sind, dê, thỏ,…). Những mô hình góp phần cải thiện các giống cây trồng vật nuôi tại địa phương. Bên cạnh đó hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh phục vụ nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn thành phố bảo vệ môi trường thông qua việc chuyển giao các quy trình công nghệ xử lý môi trường như ứng dụng dung dịch điện hoạt hóa anolit giúp tăng cường vệ sinh thú y, sản xuất chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý phế thải trong nuôi trồng nấm.

Sức lan tỏa của chương trình như thế nào thưa bà?

Để thực hiện có hiệu quả thì chúng tôi đã lồng ghép với Chương trình khuyến nông của Trung tâm Khuyến Ngư Nông lâm, Chương trình truyền thông, tập huấn của Trung tâm thông tin KH&CN, Chương trình ứng dụng KH&CN của Trung tâm Công nghệ sinh học, Chương trình xây dựng Nông thôn mới của thành phố và các chương trình về phát triển nông nghiệp nông thôn của UBND huyện Hòa Vang… Qua việc lồng ghép với các chương trình khác nhau đã huy động được các nguồn lực và nâng cao hơn hiệu quả cũng như khả năng nhân rộng của các dự án nông thôn miền núi.

Vai trò của doanh nghiệp thế nào trong việc ứng dụng công nghệ?

Trong số các dự án đang triển khai thực hiện thì có 2 dự án cho doanh nghiệp chủ trì thực hiện và cam kết bao tiêu các sản phẩm (Công ty CP Dược Danapha đối với dự án phát triển dược liệu Nghệ vàng và Đinh lăng; Công ty Hapras Việt Nam đối với dự án về sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao), 2 dự án có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm (dự án về phát triển cây bưởi da xanh và dự án sản xuất rau hữu cơ).Tuy nhiên việc phối kết hợp với các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án mới ở bước đầu.  

Mô hình sản xuất hoa treo của ông Nguyễn Ngọc Chương tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Mô hình sản xuất hoa treo của ông Nguyễn Ngọc Chương tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Ứng dụng bền vững

Khi kết thúc Chương trình, làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ?

Thông qua kênh hỗ trợ thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật của Sở KH&CN và thông qua các Chương trình phối hợp với Hội Nông dân đã tiếp tục hỗ trợ người dân và các hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật ngay cả khi dự án kết thúc. Ví dụ trong thời gian qua đã hỗ trợ các HTX trồng hoa Vân Dương (Hòa Liên), Dương Sơn (Hòa Châu) và Nhơn Thọ (Hòa Phước) các ngọn cúc thương phẩm phục vụ công tác sản xuất; Hỗ trợ các HTX sản xuất các giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất thương phẩm cho các HTX như HTX Kim Thanh, HTX Song Phước, các HTX, tổ hợp tác thuộc quận Liên Chiểu, các HTX sản xuất nấm thuộc địa bàn huyện Hòa Vang phục vụ sản xuất thương phẩm, Tổ hợp tác sản xuất nấm An Trạch (Hòa Tiến), Tổ hợp tác sản xuất nấm Linh chi Hòa Phong ...

Chương trình Nông thôn miền núi thời gian tới nên làm thế nào để đạt hiệu quả cao hơn nữa?

Để Chương trình đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới cần có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí nhân rộng dự án sau khi kết thúc để UBND các tỉnh/thànhtổ chức tuyên truyền, nhân rộng kết quả của các dự án,nhất là các mô hình sản xuất tiên tiến có hiệu quả cao. Đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, các công nghệ sản xuất hiện đại trong khu vực nông nghiệp và nông thôn đặc biệt là nhân rộng các mô hình tiên tiến của các dự án nông thôn miền núi đã được đánh giá hiệu quả trong thực tiễn sản xuất để tự phát triển kinh tế cũng như góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
back to top