Khổ sở vì “súng giương” suốt ngày

(khoahocdoisong.vn) - Mắc bệnh “súng giương” suốt ngày không phải do thực thể mà do chăm bổ dương để sinh quý tử. Ông chồng quá “sung” vợ không đáp ứng được phải bỏ nhà đi trốn.

Bồi bổ quá hóa cường dương

Dù đã lâu nhưng TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, Nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam vẫn không quên được câu chuyện của một vị lãnh đạo cao cấp đến cầu cứu vì “Súng” luôn giương khiến ông rất khổ sở trong khi giải quyết công việc, nhất là khi nhu cầu đó thôi thúc mạnh mẽ.

Nỗi khổ này ảnh hưởng tới cả hạnh phúc gia đình, người vợ nhiều khi không thể chịu đựng được sự đòi hỏi quá lớn của chồng, thường xuyên phải bỏ trốn…Anh chồng không được giải quyết nên càng bức bách, tính tình cáu bẩn...

Qua thăm khám, TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng nhận thấy, thận của bệnh nhân quá dương, khí vượng, người nóng… nên dẫn tới hậu quả trên. Tìm hiểu nguyên nhân anh cho biết, trước đây anh vốn dĩ bình thường nhưng vì mong muốn có cậu quý tử anh nghe mách bảo, bồi bổ dương khí, tăng cường sinh mạnh, giúp tinh binh khỏe sẽ sinh quý tử nên anh không tiếc công, tiếc của nhớ người mua đủ các đồ quý hiểm để dùng.

Thậm chí nghe nói pín hải cẩu tốt anh đã nhờ bạn bè tận Canada mua giúp. Lúc mới dùng anh thấy mình rất khỏe, “phong độ kéo dài” và càng ngày càng “ham muốn”, tưởng tốt anh dùng tăng cường và liên tục, kết quả cương kéo dài.

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc bổ âm, bổ huyết, bổ thận âm… kết hợp với châm cứu các huyệt thuộc kinh thận, kinh can, kinh tỳ, kinh bàng quang…hơn 5 tháng ”kiếm” mới hạ được nhưng để trở về bình thường, sinh con thì phải mất gần 2 năm.

Khoa học đã nghiên cứu và thấy rằng, cuồng dâm được coi là hiện tượng giải phóng bản năng khi thần kinh cấp cao không còn đủ khả năng kiểm soát bản năng tình dục. Nguyên nhân của chứng cuồng dâm đến nay tuy chưa rõ ràng, nhưng thường gắn với các tổn thương ở não gây ra mất trí hoặc do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh và cả tâm lý ham muốn quá mức gần gũi cá nhân khác.

Đó là bệnh lý

BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng cho biết, đây chính là bệnh cường dương trong tây y, dân gian gọi là cuồng dâm. Cuồng dâm đang ngày càng phổ biến, tuổi từ thanh niên đến trung niên, không phân biệt giới tính nam hay nữ và chiếm tỷ lệ khoảng từ 3-6% dân số. Nguyên nhân có khi do thực thể nhưng nhiều khi lại do bồi bổ quá, không biết cách dùng thuốc gây nên. Thực tế, ông đã điều trị cho rất nhiều người bị chứng bệnh này.

Khi mắc chứng bệnh này, người bệnh không chỉ khổ sở với việc “giương kiếm” mà đi kèm đó là sự đòi hỏi của nhu cầu, giống như người nghiện sex. Sự nghiện ngập có tính chất bức bách, không thể cưỡng lại và phần lớn lại không vì một liên hệ cảm xúc nào, mà chỉ vì tìm kiếm khoái cảm và thường dẫn đến những hậu quả tiêu cực, ví dụ miệt mài theo đuổi lối sống thác loạn và từ chối thực hành tình dục an toàn (không dùng bao cao su). Nếu không thực hiện được sẽ dẫn đến một trạng thái bực bội về cả thể chất và tâm trí.

Hoạt động tình dục ở người bình thường được chia làm bốn giai đoạn: kích thích ham muốn, hưng phấn, cực khoái và giai đoạn thoái trào. Hoạt động tình dục là một quá trình liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa cơ thể và tâm lý. Nghĩa là, liên quan đến phản xạ vòng lớn (vỏ não) và phản xạ vòng ngắn (tủy sống-cùng). Rối loạn chức năng tình dục thường liên quan đến tâm lý hoặc sinh lý hoặc cả hai cùng kết hợp được coi là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến đáp ứng tình dục.

Xu hướng quan hệ tình dục quá mức là kết quả của tình trạng tăng đáp ứng cảm giác tình dục, nghĩa là tri giác đáp ứng rất nhanh nhạy với những cảm giác tình dục. Trong các biểu hiện của rối loạn chức năng tâm thần có một trạng thái bệnh lý, đó là xu hướng thích quan hệ tình dục quá mức. Chứng cuồng dâm còn gặp trong một số bệnh có tổn thương thực thể ở não như bệnh Alzheimer, liệt tiến triển (giang mai thần kinh), lạm dụng thuốc chữa bệnh Parkinson, ma túy nhóm kích thần nhóm amphetamin (ecstasy, ma túy đá)....

Testosteron tác động lên tính cách của nam giới làm cho nam giới trở lên phấn khích, hung hăng và đôi khi thái quá đến bạo lực. Nhưng không phải nam giới nào cũng như vậy, phần lớn nam giới vẫn kiểm soát được hành vi của mình để cư xử đúng với thuần phong mỹ tục, chỉ có một số thuộc bệnh thực sự, điều này chúng ta thấy không chỉ có các bạn nam thanh niên mới lớn có hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm mà có cả những cụ già bảy tám mươi tuổi vẫn hãm hiếp các cháu nhỏ.

Bắt buộc phải điều trị

Theo TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, đây là bệnh lý cần đi khám và điều trị. Tùy theo bệnh lý của mỗi người mà có cách điều trị khác nhau. Việc điều trị ngoài việc dùng thuốc bác sĩ cũng cần tìm hiểu sâu về vấn đề tâm lý mà người bệnh đang gặp phải.

Khi đã tìm ra những vấn đề tâm lý đằng sau hiện tượng ham muốn tình dục thái quá, liệu pháp tâm lý sẽ giúp người bệnh nhìn nhận vấn đề và vượt qua tình trạng này theo hướng tích cực, giúp bản thân tự chủ, tự kiểm soát được mỗi khi có dấu hiệu bệnh. Họ cũng cần có sự gần gũi giúp đỡ của các thành viên khác trong gia đình.

Đối với những người thường xuyên quấy rối tình dục một cách thô bạo với người xung quanh, dù quen biết hay không quen biết và không mang dấu ấn của tình yêu, sau chiến tranh thế giới thứ hai, có nơi ở châu Âu đã dùng cách cắt bỏ tinh hoàn (thiến) để chữa các bệnh quá hung hăng xâm lại tình dục (giống như thiến gà).

Tuy nhiên, con người có những đặc điểm rất đặc biệt, 31% trong số 39 người đã cắt bỏ tinh hoàn ở tuổi trung bình 49,3 vẫn có khả năng giao hợp. Nếu tinh hoàn được cắt bỏ ở tuổi lớn hơn (từ 46 - 59) thì tỷ lệ khả năng giao hợp được vẫn tồn tại cao (69%).

TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng khuyên, quý ông cần cẩn trọng khi muốn bố thận dương. Việc dùng thực phẩm, dược phẩm, rượu... cần phải được tư vấn của thầy thuốc đông y tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Theo nghiên cứu, mức độ ham muốn khoái cực ở người bị bệnh cuồng dâm có thể thực hiện 12 - 15 lần quan hệ mỗi ngày và thường kèm với hội chứng đặc trưng thường thấy ở nhiều người nghiện: đau ngực, đau bụng, mất ngủ… Hơn nữa, nhu cầu khoái cảm đỉnh điểm này thường kèm với hội chứng lo hãi - trầm cảm và khi đó khoái cực đóng vai trò như thuốc chống lo hãi tự nhiên. 

Theo Đời sống
back to top