Khó quan sát mưa sao băng lớn nhất năm

(khoahocdoisong.vn) - Mưa sao băng Geminids - mưa sao băng Song Tử được gọi là “vua của các trận mưa sao băng” nhờ mật độ lớn với nhiều dải băng sáng đẹp.

Đẹp nhưng khó quan sát

Đêm thứ sáu rạng sáng ngày thứ bảy tuần tới (13-14/12), người yêu thiên văn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Geminids. Cùng với mưa sao băng Perseids diễn ra vào tháng 8 hàng năm, mưa sao băng Geminids là một trong hai trận mưa sao băng lớn và đẹp nhất năm. Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ tàn dư bụi để lại bởi tiểu hành tinh 3200 Phaethon, được phát hiện năm 1982. Trận mưa sao băng này diễn ra hằng năm từ ngày 7-17/12, đạt cực đại vào đêm ngày 13 rạng sáng ngày 14 với tần suất có thể lên tới 120 vệt sao băng một giờ.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, năm nay, thời điểm đạt cực đại của mưa sao băng Geminids trùng với thời điểm trăng tròn, ánh sáng từ Mặt Trăng ảnh hưởng nhất định đến việc quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Người quan sát có thể hướng về phía trời đông, nơi có chòm sao Song Tử.

Thời điểm mưa sao băng rời vào đúng dịp trăng sáng nên sẽ chặn mất một số vệt sao băng mờ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tại Hà Nội thời gian gần đây nên những người yêu thiên văn học ở Hà Nội rất khó có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Mặt Trăng sẽ làm giảm phần nào lượng sao băng có thể quan sát. Tuy nhiên, ở những nơi có điều kiện thời tiết tốt, Germinids là một hiện tượng đáng chú ý vào cuối năm. Sau đó vào ngày 21 và 22/12 sẽ tiếp tục có mưa sao băng Urdis. Đây là mưa sao băng nhỏ diễn ra trong khu vực chòm sao Ursa Minor. Tuy nhiên, do ít bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng, ở điều kiện quan sát thuận lợi, vẫn có thể nhìn thấy một số sao băng của hiện tượng này. Đến trưa ngày 26/12 sẽ diễn ra nhật thực một phần, nhật thực hình khuyên. Đây là một hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng đang ở cách xa Trái Đất đủ để khiến nó không che được hết Mặt Trời. Tuy nhiên, do góc nhìn từ Việt Nam, chúng ta sẽ chỉ thấy nhật thực một phần.

Giữ sức khỏe khi chờ xem sao băng

Người xem cũng không cần sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn, mà mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất. Người xem cần kiên nhẫn vì mưa sao băng cũng không liên tục như pháo hoa. Trước thời điểm mưa sao băng diễn ra, người xem nên nhìn lên bầu trời phía Đông, Đông Bắc từ 2-3 phút để mắt quen với bóng tối. Chọn một không gian quang đãng và vắng lặng, ít bị cây cối hay các tòa nhà cao tầng che khuất. Trong đô thị, ánh đèn hay khói bụi sẽ cản trở đối với việc quan sát.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn chia sẻ một số lưu ý khi quan sát mưa sao băng: Quan trọng nhất là điều kiện thời tiết, trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường thì mới có thể thấy được sao băng. Nếu thời điểm hiện tại có nhiều mây, đừng vội thất vọng vì bầu trời mùa mưa rất thất thường. Ánh sáng của Trăng hay ánh sáng đèn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc chiêm ngưỡng các sao băng. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng bạn có thể thấy được số lượng các sao băng hơn rất nhiều lần nếu quan sát ở thành phố.

Không nên chăm chú vào chòm sao mà dường như trận mưa sao băng sẽ xuất phát từ đấy. Ví dụ, trận mưa sao băng Geminids – các sao băng dường như xuất phát từ chòm sao này nhưng nếu cứ chăm chú vào chòm sao này thì thấy rất ít sao băng, phải nhìn về bao quát về phần bầu trời xung quanh chòm sao đấy thì sẽ thấy được nhiều sao băng hơn. Nếu được, mang nệm, chiếu, túi ngủ hoặc thứ gì có thể được để trải xuống nằm không để bị lạnh lưng và đặc biệt luôn mang theo mũ, áo ấm khi thức cả đêm quan sát để tránh nhiễm sương.

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top