Khó ngăn được Trái Đất nóng lên 1,5 độ

Lượng khí thải carbon toàn cầu đã tăng trở lại gần mức trước đại dịch, Với mức tăng này, khó ngăn được Trái Đất nóng lên 1,5 độ trong 11 năm tới.

Theo báo cáo do Dự án Carbon Toàn cầu (GCP) thực hiện và công bố hôm 4/11, lượng khí thải carbon đã tăng trở lại gần mức trước đại dịch, do lượng khí thải từ than và khí đốt tự nhiên trong lĩnh vực điện và công nghiệp tăng cao, dù lượng khí thải giao thông vận tải vẫn ở mức thấp.

khi-thai-tang-tro-lai.jpg
Khí thải từ hoạt động công nghiệp của con người. Ảnh: New Atlas.

Theo báo cáo, năm 2020, lượng khí thải CO2 đã giảm kỷ lục 1,9 tỷ tấn, tức giảm 5,4%, khi các quốc gia và các nền kinh tế ngừng hoạt động. Báo cáo mới do Dự án Carbon toàn cầu thực hiện đã đưa ra dự báo lượng khí thải sẽ tăng 4,9% trong năm nay.

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến ​​sẽ phát thải cao hơn vào năm 2021 so với năm 2019, trong khi Mỹ và các nước châu Âu dự kiến ​​sẽ có lượng phát thải chậm hơn một chút.

Nghiên cứu dự báo tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm nay lên tới 36,4 tỷ tấn CO2.

Báo cáo được đưa ra khi các nhà lãnh đạo toàn cầu đang tham dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Anh, nhằm cố gắng hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C và tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Để làm được như vậy, lượng khí thải CO2 phải giảm bằng 0 vào năm 2050.

Các nhà khoa học cảnh báo, với mức phát thải hiện tại, chúng ta sẽ không thể ngăn nhiệt độ toàn cầu nóng lên quá 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận chung Paris 2015.

Theo Đời sống
back to top