Khô khát miền Trung

(khoahocdoisong.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hạn hán nghiêm trọng và kéo dài ở miền Trung là do lượng mưa thấp kỷ lục dẫn đến nguồn nước tại các hồ chứa cạn kiệt, không đủ cấp cho sinh hoạt.

Lượng mưa thấp hơn đến 90%

Lý giải về nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng ở miền Trung, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đó là cộng hưởng của nhiều yếu tố. Từ tháng 4 đến tháng 7 đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng; gay gắt nhất là đợt từ ngày 18-22/4 và kéo dài nhất là đợt từ ngày 3/6-1/7 (đây là một trong những đợt kéo dài nhất trong 30 năm qua). Nhiệt độ trung bình các tháng phổ biến cao hơn từ 2-3 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Cùng với nắng nóng, gió phơn Tây Nam hoạt động mạnh khiến độ ẩm không khí ở mức thấp, phổ biến từ 40-60%; lượng bốc hơi trong 3 tháng 4, 5, 6 cao hơn TBNN từ 20-30%, tương đương năm 2015 (năm nắng nóng kỷ lục). Các đợt mưa ở Trung Bộ ngắn, tổng lượng mưa không lớn. Tổng lượng mưa từ tháng 1-6/2019 ở Trung Bộ thấp hơn so TBNN khoảng từ 20-90%. Dự báo, hiện tượng El Nino yếu duy trì từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12/2019.

Kết quả tính toán chỉ số khô hạn khí tượng, chỉ số cạn thủy văn đều đang ở mức rất cao và đều ở ngưỡng hạn nặng đến rất nặng từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn nhiều so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

Nước không còn là tài nguyên vô tận

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, tình hình khô hạn thiếu nước đã xảy ra tại các tỉnh Trung Bộ ở mức cao hơn TBNN, nhưng vẫn thấp hơn năm 2015-2016. Từ nay đến nửa đầu tháng 9, tình trạng khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn vùng cửa sông tiếp tục diễn ra các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa (đặc biệt các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên).

Biến đổi khí hậu đang khiến nguồn nước ngày càng cạn kiệt, xâm nhập mặn tiến sâu vào đất liền gây ra hạn hán đẩy hàng chục nghìn hộ gia đình ở các tỉnh miền Trung vào tình cảnh thiếu nước ăn uống, sinh hoạt. Thống kê mới nhất, hạn hán đang làm 110.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt và trên 20.000 ha lúa, hoa màu bị hạn hán. Dự báo đến cuối mùa khô, toàn miền Trung có trên 138.000 hộ gia đình không có đủ nước sinh hoạt và 65.000 ha lúa, hoa màu khô khát, hạn hán.

GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban Quốc gia về BĐKH, Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam, cho rằng hạn hán, thiếu nước ở miền Trung, xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL là thực tế minh chứng: Nước không còn là tài nguyên vô tận theo như quan điểm trước đây. Dự báo những năm tới, tần suất hạn hán, thiếu nước diễn ra ở miền Trung, Tây nguyên dự báo xuất hiện ngày càng nhiều và mức độ nguy hiểm còn hơn cả bão lũ nên cần tính toán giải pháp ứng phó chiến lược, lâu dài.

Để thực sự bắt tay hành động ứng phó hạn hán, thiếu nước được cảnh báo xuất hiện tần suất nhiều hơn, mức độ nguy hiểm hơn trong những năm tới, ngay từ bây giờ các tỉnh miền Trung cần thiết phải có điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá khả năng tích trữ nước ở từng khu vực để xây dựng thêm các công trình trữ nước chia theo từng cấp độ, lớn nhất là cấp tỉnh, trung bình là cấp huyện, quận và nhỏ nhất là trong các hộ gia đình cũng cần được khuyến khích, hỗ trợ chủ động đầu tư xây dựng các công trình dự trữ nước sinh hoạt sử dụng; tuyên truyền, tư vấn và học cách sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Còn trong sản xuất, đã đến lúc những cây trồng tiêu tốn quá nhiều nước cần được thay thế bởi những loại cây mới dùng ít nước hơn; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm để thích ứng với nguồn tài nguyên nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm.

Tô Hội

Theo Đời sống
back to top