Khó di dời người dân vùng lõi khu bảo tồn tại Hậu Giang

(khoahocdoisong.vn) - Tuy có chủ trương từ năm 2011, nhưng đến nay việc di dời người dân sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng ( Phụng Hiệp, Hậu Giang) đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

 Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Lung Ngọc Hoàng, tiền thân là Nông trường Phương Ninh, được thành lập theo quyết định số 13/2002/QĐ-TTg năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện khu bảo tồn được phân thành 3 phân khu chức năng, gồm phân khu phục hồi sinh thái, phân khu hành chính-dịch vụ và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 1.015,94ha, hiện có 120 hộ dân với 564 khẩu, nhận khoán diện tích 78,19ha. Những năm trước, điều kiện sinh hoạt của người dân trong khu vực này gặp rất nhiều khó khăn với tình trạng “5 không”: Không có điện, không có đường giao thông, không có nước sạch sinh hoạt, không có trạm xá, tổ y tế và không có trường học. Đến nay, điện lưới đã kéo về đến các hộ dân nhưng các điều kiện về đường, trường, trạm và nước sạch vẫn chưa thể đảm bảo.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng Lư Xuân Hội cho biết, hiện tại một số hộ tại khu bảo vệ nhiêm ngặt vẫn sản xuất lúa xen kẽ trong rừng dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, cùng với đó là nguy cơ lấn chiếm đất rừng, khai thác các loại tài nguyên trong khu bảo tồn. 

Năm 2011, tỉnh Hậu Giang có chủ trương di dời, tái định cư cho người dân sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sang phân khu hành chính-dịch vụ và đã được Chính phủ đồng ý bằng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 26/6/2018.

Tuy nhiên, đến nay khu tái định cư 5,4ha đã cơ bản hoàn chỉnh hạ tầng điện, nước, đường giao thông. Nhưng, do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chưa thể phân bổ kinh phí hỗ trợ người dân di dời, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã khảo sát và đưa ra khái toán ban đầu kinh phí hỗ trợ gần 40 tỷ đồng.

Để sớm hoàn thành di dời, tái định cư cho người dân, Khu bảo tồn đề xuất có xin nguồn vốn Trung ương bố trí từ nguồn Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, hoặc tỉnh đưa nguồn vốn này vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo.

Hồng Nhung

Theo Đời sống
back to top