Khó cổ phần hóa Vicem trong năm 2019 

(khoahocdoisong.vn) - Dự kiến 2019 Vicem sẽ hoàn tất cổ phần hóa và IPO. Nhưng đến nay, tổng công ty này vẫn chưa thể công bố định giá doanh nghiệp. Trong khi đó, tình hình hoạt động của các công ty con đang ngập trong thua lỗ, nợ nần cũng là gánh nặng đối với Vicem

Vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Trong đó, Tổng công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và phải hoàn thành trước năm 2019.

Doanh thu hơn 1 tỷ USD, ẩn số vay nợ

Năm 2018, Việt Nam đã trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, với tổng công suất thiết kế 148 triệu tấn/năm. Trong đó, tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 85 triệu tấn, xuất khẩu đạt mức kỷ lục 31,65 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt 1 tỷ USD. Công suất dư thừa, cùng với sự gia tăng chi phí sản xuất đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngành xi măng. 

Hiện Vicem cùng các công ty thành viên chiếm khoảng 1/3 sản lượng xi măng cả nước. Trong đó, sản lượng clinker vẫn liên tục tăng và lần đầu vượt mức 20 triệu tấn trong năm 2018. Doanh thu của Vicem cũng xoay quanh mức trên 25.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Kết thúc năm 2018, Vicem ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.390 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp là 42.675 tỷ đồng và vốn điều lệ 14.483 tỷ đồng.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, Vicem tiêu thụ gần 15 triệu tấn sản phẩm, tăng 5% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, sản phẩm xi măng tiêu thụ đạt hơn 13,1 triệu tấn, tăng 11,4% và clinker tiêu thụ giảm 25%, đạt hơn 1,87 triệu tấn. Với sản lượng tiêu thụ trên, Vicem báo doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 17.640 tỷ đồng và 1.657 tỷ đồng, tăng trưởng 4,3% và 62,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2019, Vicem đặt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 31 tấn sản phẩm (xi măng và clinker), tăng 6% so với năm 2018. Doanh thu thuần đạt mức 40.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế phấn đấu tăng trưởng ít nhất 13%, đạt trên 33.200 tỷ đồng.

Hiện hệ thống của Vicem gồm 10 doanh nghiệp thành viên sản xuất xi măng, với năng lực sản xuất trên 30 triệu tấn sản phẩm/năm. Tính đến cuối 2018, Vicem đang đầu tư 4.100 tỷ đồng vào công ty liên doanh liên kết, đầu tư vào các đơn vị khác 384 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng công ty còn có 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 1 đơn vị hành chính sự nghiệp, 3 công ty con 100% vốn và 19 công ty con sở hữu dưới 100%.

Trong hệ thống này, nhiều đơn vị thành viên của Vicem có vị thế khá trái ngược nhau, như Vicem Sông Thao và Vicem Hà Tiên. Vicem Sông Thao là doanh nghiệp thua lỗ nặng khi được chuyển về Vicem (từ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD vào tháng 6.2017). Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng công cuộc tái cơ cấu vẫn chưa thể dừng lại. Hiện Vicem Sông Thao lỗ lũy kế hơn 400 tỷ đồng, mất an toàn về tài chính và thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt.

Đối với Vicem Hà Tiên, đây là “con gà đẻ trứng vàng” của Vicem khi có doanh thu và lợi nhuận vượt trội so với các đơn vị còn lại. Với tỷ lệ sở hữu 79,7% vốn, mỗi năm Hà Tiên 1 đóng góp khoảng 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế về tổng công ty.

Tranh cãi định giá tài sản

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tiến hành kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi chính thức công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá tại Vicem do Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện.

Trong báo cáo, KTNN xác định, theo phương pháp định giá tài sản hay phương pháp chiết khấu dòng cổ tức thì giá trị tài sản của Vicem đều thiếu khoảng 1.747 tỉ đồng so với con số báo cáo của Vicem.

Nguyên nhân chênh lệch này là do Vicem và AASC đã... bỏ quên giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.

Theo đó, tại thời điểm 1.10.2018, các công ty TNHH MTV thuộc Vicem được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất ximăng với tổng trữ lượng khai thác hằng năm khoảng 9,56 triệu tấn đá vôi, 1,91 triệu tấn đá sét. Với giá mua bán đá được các doanh nghiệp cung cấp thì giá trị các giấy phép này khoảng 1.193 tỉ đồng.

Chưa kể, khi xác định phần vốn nhà nước tại Vicem, AASC chỉ căn cứ theo báo cáo tài chính - giá trị sổ sách của Vicem khi góp vốn đầu tư dài hạn vào các Công ty Ximăng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement VN, Công ty Ximăng Nghi Sơn nên chưa bảo đảm đúng giá thị trường của các khoản đầu tư.  KTNN xác định, giá trị các khoản đầu tư của Vicem vào các công ty con khoảng 3.660 tỉ đồng, tăng khoảng 1.239 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, một loạt thiếu sót khác cũng được KTNN chỉ ra trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa do Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Đó là việc tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.

Hiện Vicem và các công ty con đang sở hữu nhiều lô đất, tài sản trên đất có giá trị tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An. KTNN đã đề nghị Vicem và đơn vị kiểm toán xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Tuy nhiên, mới đây, Vicem đã có báo cáo giải trình các kết luận trên của KTNN. Nổi bật trong báo cáo trên là do các Nghị định, quy định, tiêu chuẩn để Vicem và ASCC định giá tài sản thiếu các thông tư hướng dẫn định giá những đầu mục như KTNN nêu, nên không thể nói Vicem “quên tính hay thiếu hàng nghìn tỷ đồng trước khi cổ phần hóa”.

Ví dụ như định giá tài sản doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính Phủ, thiếu hướng dẫn cụ thể việc xác định giá trị quyền khai thác mỏ khi cổ phần hóa doanh nghiệp.

Hay chiếu khấu dòng cổ tức hay tính giá góp vốn được xác định tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 ban hành kèm theo Thông tư 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính. Nhưng nhưng Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn cụ thể việc tính toán chỉ tiêu này căn cứ trên dữ liệu bình quân 5 năm gần nhất hay tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cũng như không có hướng dẫn chi tiết phương pháp áp dụng đối với các tài sản phi hoạt động….

Theo Đời sống
Xây dựng Hòa Bình rao bán 100% vốn Matec

Xây dựng Hòa Bình rao bán 100% vốn Matec

Việc mua đi bán lại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec (Matec) của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) bắt đầu từ ngày 17/06/2023 khi HĐQT HBC thông qua chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty con này.
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top