Khiếm khuyết của thuyết ngũ hành kéo theo nhiều sai sót?

Theo TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp UIA), với sự tiến bộ của khoa học, trong thời đại cách mạng 4.0 những quan niệm của người xưa có thể sẽ không còn phù hợp.

Ngũ hành cổ điển có phi logic?

Trên thực tế, quan niệm về tính “tương sinh - tương khắc" trong thuyết Ngũ hành đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bởi nhận thức về thế giới thiên nhiên của người xưa không còn phù hợp với trình độ về khoa học vũ trụ trong thời đại hiện nay. Để mọi người dễ phân biệt về tầm ảnh hưởng và bản chất của “thuyết Ngũ hành cổ điển”, xin giới thiệu khái quát:

Mặt tích cực của Thuyết Ngũ hành cổ điển của người xưa đã dũng cảm vượt qua được quan niệm thần quyền, coi vũ trụ tồn tại là do “các vị thần cai quản và nắm giữ”. Sự chuyển hóa của vũ trụ là do sự điều hành và quyết định bởi quyền năng của thế giới “Thần linh” (như thần mặt trời, thần đất, thần biển, thần sông suối, thần rừng núi, thần chiến tranh, thần sấm sét, thần mưa, thần gió…) .

Thuyết Ngũ hành cổ điển đã đưa ra quan niệm, vũ trụ có 5 yếu tố (Ngũ hành) rồi từ đó đưa ra phạm trù “Tương sinh Tương khắc” giữa chúng với nhau để mô tả sự chuyển vần của thế giới tự nhiên.

Tuy đã thoát khỏi tư duy huyền bí mang tính thần quyền, bằng việc đưa ra luận đề “Tương sinh Tương khắc” trong Ngũ hành đã thể hiện được phần nào sự biện chứng khách quan, nhưng do nhận thức về Vũ trụ còn thô sơ, nặng về cảm tính chủ quan, chỉ dựa vào hiện tượng trực giác nên chưa thể tiếp cận được bản chất hóa - lý của các đại lượng tự nhiên (cũng bởi người xưa chưa phát minh ra khoa học phân tử, nguyên tử, lượng tử, Platma…với kích thước siêu lớn hoặc siêu nhỏ (siêu vĩ mô và siêu vi mô ), nên lý giải về “tương sinh tương khắc” bị sa đà vào vòng luẩn quẩn, bế tắc và phi logic.

Thiếu yếu tố và thiếu logic kéo theo sự sai sót

Thuyết Ngũ hành cổ điển không phân biệt được tính độc lập hay tính phụ thuộc của các phạm trù khoa học (giống như chưa phân biệt được vai trò của “Khoa” với vai trò của “Trường” trong ngành giáo dục vậy). Cụ thể, hành Kim và hành Mộc là tập hợp con (là hàm phụ thuộc của đại lượng ĐẤT) thế mà lại đưa vị thế Kim và Mộc ngang hàng, bình đẳng độc lập với vị thế của Đất.

Như vậy, tuy gọi là Ngũ hành, nhưng thực chất thuyết này chỉ có Tam hành độc lập, đó là Đất, Nước và Lửa. Chính sự khiếm khuyết này nên mới sinh ra sự luẩn quẩn thiếu khách quan trong luận giải về các hiện tượng “tương sinh tương khắc” trong vũ trụ.

Hơn nữa, người xưa không nhìn thấy “khí” bằng trực giác nên không đưa vào thành phần cơ bản trong “Ngũ hành”. Nhưng ngày nay, sự hiện hữu của “khí“ có thể đo được phương, chiều, cường độ, trường độ của nó một cách dễ dàng, tường minh.

Khi thiếu khí thì sinh vật (thực vật và động vật) không thể tồn tại, tức là thiếu hẳn sự sống, do vậy các luận giải trở thành mơ hồ, khiên cưỡng.

Chính những khiếm khuyết và thiếu logic của Thuyết Ngũ hành mà kéo theo sự thiếu chuẩn xác của một số môn khoa học “ăn theo” (vì các môn này đã lấy thuyết ngũ hành làm nền tảng để luận giải).

Vì cách lý giải của thuyết Ngũ hành không thể hợp nữa, nên các môn “ăn theo” thuyết Ngũ hành (như Tử vi, Kinh dịch, phong thủy, Y học cổ truyền, Tứ Trụ, …) phải cắt bỏ những phần lý giải liên quan do trước đây đã vận dụng hệ quả “tương sinh tương khắc” trong Ngũ hành.

Từ đó, những nghi thức đầu năm (như hướng xuất hành, tuổi xông đất, khai trương cửa hàng, an vị tượng, an vị bát hương, dâng sao giải hạn, hôn nhân, cưới hỏi, nhậm chức…) mà phải dựa vào “Tương sinh Tương khắc” của thuyết Ngũ hành cổ điển thì hoàn toàn không hiệu dụng và không chuẩn xác, nó chỉ mang tính tâm lý mà thôi.

Nhận thấy bất cập nhưng không dám từ bỏ

Hiển nhiên, ngày nay chúng ta dễ thấy rằng, không có chuyện “đại lượng này sinh ra đại lượng kia”như trong thuyết Ngũ hành. Do vậy, việc đưa ra cái quy luật "Tương sinh Tương khắc” chỉ là do quan sát hiện tượng tự nhiên một cách thô sơ trong không gian giới hạn của vũ trụ, mà không xác định được định lượng, định tính, hóa tính và điều kiện xúc tác mang tính khách quan của quy luật vũ trụ.

Có thể nói, suốt chiều dài phát triển hàng ngàn hàng vạn năm của khoa học, không có một lý thuyết nào bảo thủ, mang nhiều khiếm khuyết, mà lại ảnh hưởng đến nhiều người, và quá lâu như vậy bằng thuyết “Ngũ hành”.

Đã có nhiều học giả thấy rõ những khiếm khuyết trong luận thuyết của Ngũ hành. Nhưng vì sức ảnh hưởng của nó đã bám quá chặt, ăn quá sâu vào nền tảng văn hóa cổ điển đến mức nó được tôn thờ và được coi như là bảo bối hành nghề, là truyền thừa của bản môn.

Những kiến thức, phát minh khoa học của người xưa chúng ta phải nâng niu, kế thừa và phát huy nếu phát minh đó còn hiệu dụng. Nhưng nếu nó không còn phù hợp nữa thì nên đưa vào “bảo tàng” để gìn giữ và trân trọng, chứ không nên quá lạm dụng.

Vậy chúng ta cũng nên mạnh dạn khảo cứu, để tìm ra những điều chưa hoàn chỉnh trong thuyết “Ngũ hành cổ điển” để thay thế bằng những phát minh khoa học hơn, hoàn chỉnh hơn, hợp lý hơn và hữu ích hơn cho văn minh nhân loại.

Bổ sung vào sự khiếm khuyết của thuyết Ngũ hành, Đạo Phật - ( với tư duy khoa học và logic) - đã chỉ ra các đại lượng cơ bản trong vũ trụ, đó là ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA, (bổ sung đại lượng “Gió” còn thiếu trong “Tam hành”)

Đạo Phật cũng chỉ ra rằng cơ thể sinh học của con người cũng chính là sự tổ hợp của Tứ đại, (tức là thân tứ đại Đất, Nước, Gió, Lửa) .

Trong 4 đại lượng cơ bản này, không có việc đại lượng này sinh ra đại lượng kia. Do vậy khái niệm “tương sinh tương khắc” không được sử dụng trong tương quan Tứ Đại. Trong giáo lý nhà Phật sự tương quan của Tứ đại chỉ là tương tác của Lý Nhân - Duyên - Quả.

Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, và nhờ có Duyên thì Nhân mới thành Quả. Cho nên khi xuất hành mở cửa hàng, hoặc xông đất đầu năm tùy theo chữ Duyên mà có phương thức ứng xử cho phù hợp. Trong khoa học biện chứng, người ta gọi đó là “Thời cơ”

TS Vũ Thế Khanh (Tổng giám đốc Liên hiệp UIA)

Theo Đời sống
back to top