Khi những "pháo đài" bị xuyên thủng

(khoahocdoisong.vn) - Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… 9 bệnh viện là 9 "pháo đài" bị tấn công và phải phong tỏa do trở thành ổ dịch Covid-19. Nhiều địa phương, tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội.

Nắm tay nhau đứng dậy 

Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 11/5) Việt Nam đã xác định có 4 nguồn dịch bao gồm: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào. Từ 4 nguồn dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành phố. 9 bệnh viện là 9 "pháo đài" bị tấn công và phải phong tỏa do trở thành ổ dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn có những ổ dịch ẩn nấp chưa rõ nguồn lây. Không chỉ địa phương của các tỉnh, thành có bệnh nhân Covid-19 thực hiện giãn cách xã hội mà tỉnh Thái Bình và TP Hòa Bình cũng đã thực hiện.

Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TƯ.

Xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TƯ.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang ở trong tình trạng nguy cơ rất cao, khả năng lây nhiễm mạnh. Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần, nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt là khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2, F3 nhanh chóng trở thành ca F0; Các trường hợp tiếp xúc trong môi trường kín gần như đều bị lây nhiễm… 

Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay trong tuần này, Bộ Y tế phải hoàn thiện phương án chuẩn bị ứng phó tình huống 30.000 người nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phải giao chỉ tiêu cụ thể (giường bệnh, sinh phẩm, máy xét nghiệm, thuốc điều trị, oxy…) để các địa phương chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” (theo kịch bản trước đây, Bộ Y tế mới chuẩn bị phương án 10.000 người nhiễm).

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cảnh báo, chúng ta cần phải cảnh giác với chủng biến đổi Covid-19 B.1.617 ở Ấn Độ. Chủng virus này lẻn vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 không ai biết và đã lây lan rất rộng. 

BS Trần Văn Phúc cũng chia sẻ, trong đại dịch, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, y bác sĩ cũng phải ngã xuống, hàng trăm nhân viên y tế đã hy sinh ngoài trận tuyến chống Covid. BS Vivek Rai đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân Covid nguy kịch, nhưng khi phải chứng kiến quá nhiều ca bệnh tử vong ở Ấn Độ, người bác sĩ ấy đã không chịu nổi những nỗi đau, anh đã phải chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình.

GS Rajendra Kapila, chuyên gia Covid đặc biệt của Mỹ đã tình nguyện xông thẳng vào tâm dịch Ấn Độ, ngày 3/5 GS Rajendra Kapila đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83.

Rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới đã bị virus bắn hạ.

Chúng tôi bị thương, đồng nghiệp đã có người gục ngã xuống, nhưng tất cả chúng tôi sẽ nắm tay nhau đứng dậy, bước tiếp cuộc trường chinh để làm nên chiến thắng thần kỳ như chúng tôi đã từng chiến thắng, để bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn cho tất cả người dân.

Lãnh đạo Bộ Y tế xuống chỉ đạo chống dịch tại Bắc Ninh.

Lãnh đạo Bộ Y tế xuống chỉ đạo chống dịch tại Bắc Ninh.

Ở Việt Nam hai chùm ca bệnh đầu tiên, chùm thứ nhất liên quan đến bệnh nhân từ Nhật Bản về Hà Nam, chùm thứ hai liên quan đến bệnh nhân chuyên gia Trung Quốc, đều xét nghiệm đến lần thứ 4 sau khi ra khỏi khu cách ly, lúc đó mới dương tính. Ở hai chùm ca bệnh tại Việt Nam cũng vậy, chưa có số liệu công bố cụ thể, nhưng qua phản ánh, nhiều bệnh nhân không triệu chứng, hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Riêng với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, các bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua xét nghiệm bác sĩ đi công tác nước ngoài, sau đó tiến hành xét nghiệm đồng loạt phát hiện 22/827 trường hợp mắc Covid và con số vẫn gia tăng hằng ngày.

Vì vậy, theo BS Trần Văn Phúc, đối phó với những chủng virus biến thể, sẽ gặp phải khó khăn nhất định, như đặc tính lẩn trốn xét nghiệm, các triệu chứng âm thầm lặng lẽ nên dễ lây lan không biết. Có lẽ, cách đối phó hiệu quả nhất là nhanh chóng triển khai tiêm phòng.

Xét nghiệm sàng lọc nhiều rẻ hơn cách ly xã hội

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, muốn chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công” phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh.

Khu cách ly giãn cách xã hội tại Bắc Ninh.

Khu cách ly giãn cách xã hội tại Bắc Ninh.

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có 1 phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh, việc xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt, ví dụ, Hà Nội tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và tiếp tục xét nghiệm nhiều nơi khác trong thời gian tới. Xét nghiệm sàng lọc nhiều vẫn rẻ hơn phải giãn cách xã hội.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, còn đánh giá được nguy cơ thì chưa phải dùng từ giãn cách để tránh gây ảnh hưởng tới tâm lý người dân. Quyết định giãn cách được thực hiện khi các địa phương không kiểm soát được yếu tố nguy cơ, không truy được vết và dịch lây lan trong cộng đồng lớn. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên…

Cũng theo ông Phu, trong bối cảnh hiện nay có thể có những ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh. Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng.

Xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ nhân viên y tế

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 vừa có công điện đến các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, yêu cầu khẩn trương giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối.

Tổ chức xét nghiệm Covid-19 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời, chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời. 

Theo Đời sống
back to top