Khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch Covid-19?

(khoahocdoisong.vn) - Điều kiện để ban bố là khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc. Về tính chất, mức độ nguy hiểm, đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Quyết định được công bố một ngày sau khi Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ thị yêu cầu thực hiện một số nội dung đáng chú ý, như: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc; mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng...

Khi nao can ban bo tinh trang khan cap do dich Covid-19? hinh anh 1 tram.jpg

Hà Nội dựng hàng loạt trạm test nhanh Covid-19 phục vụ người dân. Ảnh: Việt Linh.

Chưa phải tình trạng khẩn cấp

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp), các văn bản trên không đồng nghĩa với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, cũng không phải văn bản công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chỉ rõ Chỉ thị của Thủ tướng có tính chất khuyến cáo, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh.

Chỉ thị số 16 là một biện pháp cần thiết, kịp thời và rất mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chặn đứng tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng

Luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư đánh giá Chỉ thị số 16 là một biện pháp cần thiết, kịp thời và rất mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm chặn đứng tình trạng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Điều 42 Luật phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm nêu điều kiện để ban bố là khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế, xã hội của đất nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền ra nghị quyết về việc này theo đề nghị của Thủ tướng. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

"Thực hiện tốt Chỉ thị số 16 của Chính phủ thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn những ổ dịch đang có nguy cơ lây lan trong cộng đồng", luật sư đánh giá.

Ngoài ra, kể từ thời điểm có hiệu lực thì mọi vi phạm các quy định trong dịch Covid-19 đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ của hành vi, căn cứ hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi nao can ban bo tinh trang khan cap do dich Covid-19? hinh anh 2 ho_guom.jpg

Sáng 1/4, khu vực trung tâm Hà Nội vắng vẻ trong ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội. Ảnh: Việt Hùng.

Cùng quan điểm, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết từ thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành 7 chỉ thị về việc chỉ đạo các biện pháp nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Điều đó cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ và bộ, ban, ngành trong việc đẩy lùi đại dịch.

Luật sư cho rằng việc đưa ra quyết định công bố dịch trên toàn quốc trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội và sức khỏe con người, là nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 16.

Theo luật sư Tuấn Anh, nếu trong tình huống dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu, tốc độ lây lan nhanh giữa các địa phương thì Thủ tướng có thể đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, giống như những nước chịu ảnh hưởng nặng đã thực hiện.

Khi tình trạng khẩn cấp đã ban bố, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Các luật sư khuyến cáo trong giai đoạn cao điểm toàn quốc chống dịch, người dân vi phạm quy định về phòng, chống dịch mà không thực hiện đúng chỉ đạo gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị xử lý hình sự.

Mệnh lệnh để ứng phó diễn biến cấp bách

Theo đại biểu, tiến sĩ luật Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội), hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật đang tồn tại một số khái niệm như “giới nghiêm”, “thiết quân luật”, “tình trạng khẩn cấp”. Tuy nhiên, việc ban bố các tình huống này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và thủ tục cần thiết, không thể triển khai ngay lập tức để ứng phó kịp với biến thiên của một tình huống nảy sinh cụ thể trong thực tiễn.

Cách ly xã hội để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Vì vậy, ông Vân tin rằng Chính phủ đã lường định tình hình và đã chuẩn bị kịch bản khi có các tình huống thay đổi trong đại dịch Covid-19.

Những ngày qua, tình huống dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân ở hầu hết khu vực trong cả nước. Tình hình ấy chưa đến mức phải ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng lại cần có phản ứng nhanh bằng một loạt giải pháp phù hợp.

“Đó chính là lý do xuất hiện thuật ngữ 'cách ly xã hội' để diễn đạt tình huống mới phát sinh, rất khẩn trương, phải duy trì khoảng cách nhất định giữa các cá nhân, cộng đồng trong một không gian cụ thể, với sự hạn chế tạm thời một số hành vi của các chủ thể có liên quan”, ông Vân phân tích.

Theo ông, việc này nhằm bảo toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nếu không ngăn chặn kịp thời, thì hậu quả xấu sẽ xảy ra. Ông nhấn mạnh đây thực chất là các giải pháp điều hành linh hoạt của Thủ tướng trong áp dụng pháp luật, hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các đạo luật chuyên ngành.

"Áp dụng pháp luật cũng là một hoạt động sáng tạo, phù hợp với sự biến đổi của các quan hệ xã hội, các tình huống pháp lý diễn ra trong thực tiễn, mà các quy phạm pháp luật không thể quy định một cách máy móc", đại biểu Lê Thanh Vân nói và khẳng định việc ban hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng là đúng thẩm quyền quy định tại khoản 2, Điều 30 Luật tổ chức Chính phủ.

Khi nao can ban bo tinh trang khan cap do dich Covid-19? hinh anh 3 BM_VL2_zing.jpg

Quân đội khử trùng Bệnh viện Bạch Mai sau khi nơi đây trở thành ổ dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Theo ông Vân, Chỉ thị của Thủ tướng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà là văn bản áp dụng pháp luật vào một hoặc một số tình huống pháp lý cụ thể, nhằm điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước, bảo đảm thống nhất và thông suốt. Trong hoạt động chấp hành và điều hành thì chỉ thị của người đứng đầu cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước có tính mệnh lệnh.

Theo quy định của các văn bản pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm, tình trạng an ninh trật tự, an toàn xã hội trong các tình huống cụ thể, Thủ tướng phải có các "mệnh lệnh" để đáp ứng ngay với diễn biến cấp bách thực tiễn đặt ra.

Nội dung của Chỉ thị 16 vừa được Thủ tướng ban hành là các giải pháp cụ thể, yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tập thể, cá nhân trên phạm vi cả nước phải tuân thủ triệt để, nhằm thực hiện đúng đắn những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

“Đây là một tình huống có diễn biến nhanh chóng, nếu không phản ứng ngay lập tức, thì hậu quả sẽ khôn lường”, ông Vân nói.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải thích rõ hơn yêu cầu "cách ly xã hội". Theo Thủ tướng, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh. Đây không phải là phong tỏa, ngăn cấm giao thông mà chỉ hạn chế.

Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng - tình thế một số nước đã vấp phải.

“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ và khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top