Khi con trai không chịu cưới vợ, đổ lỗi cho cha mẹ

Vợ chồng cô T.H vốn tự hào về cậu con trai duy nhất. Thế nhưng, cậu trai đã 33 tuổi, vẫn chưa chịu lấy vợ khiến gia đình không khỏi lo lắng.

Vợ chồng cô T.H (ở Thái Bình) đều là công chức nhà nước. Sau khi nghỉ hưu, cô T.H ở nhà nội trợ, chồng cô vẫn đang đi làm. Cả gia đình sống tại một thị trấn nhỏ, cuộc sống không thiếu thốn nhưng cũng không phải giàu có, sung túc.

Con trai 33 tuổi vẫn độc thân

Cô T.H có một cậu con trai duy nhất, anh đã trưởng thành, có công việc tương đối ổn định ở tỉnh lỵ sau khi tốt nghiệp cao học khiến bố mẹ rất tự hào.

Tuy nhiên, dạo gần đây, vợ chồng cô T.H vô cùng phiền não khi con trai mãi không chịu lấy vợ, có giục đến mấy cũng vô dụng, thậm chí khi giới thiệu con cái người quen, con trai cô luôn kiếm cớ để không gặp.

"Khi con trai mới vào đại học và đi làm, chúng tôi luôn cảm thấy con trai là niềm tự hào của mình. Nhưng thời gian trôi qua, khi con trai tôi đã 33 tuổi mà vẫn còn độc thân, vợ chồng tôi không cảm thấy hãnh diện nữa. Con cái của rất nhiều người cùng trang lứa với chúng tôi đều đã kết hôn, yên bề gia thất. Trong hoàn cảnh như vậy, vợ chồng tôi không khỏi lo lắng cho chuyện cả đời của con trai và liên tục giục con phải yêu đương, cưới vợ”, cô T.H tâm sự.

Thế nhưng, khi cô T.H và chồng thúc giục con trai kết hôn, anh sẽ viện đủ mọi cớ để từ chối. Bây giờ, nếu vợ chồng cô tiếp tục giục con lấy vợ, sẽ xảy ra 3 trường hợp.

“Thứ nhất, khi nói chuyện điện thoại với chúng tôi, hễ nói đến chủ đề kết hôn, con sẽ cúp điện thoại. Thứ hai, con liên lạc với chúng tôi ngày càng ít. Thứ ba, số lần con trai chịu về nhà ngày càng ít (trước đây cứ nghỉ lễ là con sẽ về, hiện tại chỉ có Tết Nguyên đán là con mới về quê)", cô T.H buồn rầu.

Lỗi của bố mẹ?

Hơn nữa, cách đây một tuần, khi cô T.H nói chuyện với con trai về chủ đề hôn nhân qua điện thoại, con của cô thậm chí trách móc cha mẹ, khiến cô T.H nghẹn lời, không biết nói gì hơn.

"Tất cả là lỗi của con sao? Bố mẹ có nhìn lại gia đình chúng ta không? Nếu như bố mẹ có thể giúp con mua một căn nhà ở thành phố nơi con làm việc, vấn đề hôn nhân của con lẽ ra đã được giải quyết từ lâu! Con đang cố gắng từng ngày đây, tại sao không ai hiểu vậy?!", con trai cô T.H vừa khóc vừa nói.

Trước sự đổ lỗi, trách móc của con, vợ chồng cô T.H tự ngẫm lại và thấy rằng, con thực sự phải chịu rất nhiều áp lực ở thành phố. Trong thời đại ngày nay, hôn nhân bị vật chất hóa nghiêm trọng, không nhà không xe ở thành phố thực sự sẽ trở thành một trở ngại trong quá trình tìm bạn đời.

Cô T.H cũng cảm thấy buồn và tự trách vì không thể giúp con trai mua nhà, mua xe, chỉ biết giục con lấy vợ, sinh con, không nghĩ đến cảm nhận của con. Qua lần nói chuyện vừa rồi, cô T.H và chồng thống nhất, họ sẽ cố gắng hết sức để giúp con trai mình tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt. Đồng thời, cả hai sẽ không có bất kỳ hình thức thúc giục nào nữa, để con trai có thể thoải mái phấn đấu.

"Vợ chồng tôi từng ngây thơ nghĩ rằng chỉ cần con trai chúng tôi học hành chăm chỉ ở trường, có một công việc ổn định thì có thể sống một cuộc sống tương đối tốt. Bây giờ nhìn lại, vợ chồng tôi đã nghĩ quá đơn giản, hiện tại cạnh tranh khốc liệt, giá nhà ở thành phố quá cao, người trẻ áp lực rất nhiều, yêu đương, kết hôn, sinh con, nuôi con không hề đơn giản chút nào. Vợ chồng tôi đã không giúp được gì nhiều lại tạo thêm áp lực cho con. Chúng tôi thực sự đã sai rồi", cô T.H thở dài chia sẻ.

Theo Đời sống
back to top