Khế thanh nhiệt, sinh tân dịch

(khoahocdoisong.vn) - Quả khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magiê… và vị chua của axit tartric, oxalic nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân dịch rõ rệt trong mùa hè.

Về thành phần hóa học, trong 100g khế tươi có 93,5g nước, 0,6g protid, 3,1g glucid, 2,6g xenluloza, 10mg canxi, 8mg photpho, 30mg vitamin C... Ngoài ra, quả khế khá giàu các vitamin và muối khoáng như kali, photpho, magie… Vị chua của khế không phải do vitamin C mà do axit tartric. 

Trong Đông y, khế là vị thuốc tính bình, vị chua chát, không độc, có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt lại sinh tân, được dùng để chữa nhiều bệnh sau đây.

Chữa cảm nắng, cảm nóng: Lá khế bánh tẻ tươi 100g, lá chanh tươi 40g, rửa sạch, giã vắt lấy nước uống. Bã đắp vào thái dương và gan bàn chân. Hoặc lấy một quả khế già chưa chín, nướng qua, sắc nước uống.

Chữa lở loét, mụn nhọt: Nấu nước lá khế kết hợp với lá thanh hao, lá long não... làm nước tắm, hoặc nấu nước quả khế rửa chỗ đau hằng ngày.

Tiểu tiện không thông: Lấy một quả khế giã nát với một củ tỏi, đắp vào rốn. Phụ nữ sau khi sinh dùng nước sắc quả khế 20g với vỏ cây hồng bì 30g, rễ sử quân 20g, uống rất tốt.

Sốt cao co giật: Lấy quả khế 10g, lá dây đòn gánh 10g, lá ngải cứu 8g, lá nhọ nồi 8g, rễ táo rừng 6g phơi khô, sao vàng sắc uống.

Sỏi bàng quang: Khế tươi 5 quả, mật ong lượng vừa đủ. Khế rửa sạch, thái miếng rồi cho vào nồi sắc với 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, hoà mật ong chia uống 2 lần trong ngày. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, đặc biệt tốt với sỏi bàng quang, viêm bàng quang.

Chống ho, trị viêm: Mướp tươi 500g, khế 200g, đường trắng lượng vừa đủ. Mướp gọt vỏ, khế rửa sạch, thái vụn, ép lấy nước, hòa đường trắng, chia uống vài lần trong ngày. Công dụng: Hóa đàm, tiêu viêm, chỉ khái, là loại đồ uống rất giàu sinh tố và các nguyên tố vi lượng, dùng làm nước giải khát mùa hè rất tốt và trị các bệnh ho, viêm và nhất là viêm đường tiết niệu.

Ngộ độc + viêm loét chân răng: Dùng  nước ép quả khế uống hằng ngày. Hoặc  lấy 7 quả khế, cắt mỗi quả lấy một miếng khoảng 1/3 phía gần cuống, đổ vào một bát nước, sắc còn nửa bát, uống lúc nóng.

BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top