KH&ĐS: Cầu nối giữa mạnh thường quân với mảnh đời bất hạnh

Là cơ quan báo chí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngoài chức năng thông tin phổ biến kiến thức và tư vấn phản biện…, Báo còn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân với những mảnh đời bất hạnh.

Tòa soạn nỗ lực triển khai nhiều chương trình thiết thực, đặc biệt là từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Báo không ngần ngại, chủ động đi vào tâm dịch, tới các bệnh viện dã chiến… Tại các khu vực người dân gặp khó khăn vì bị cách ly, phong tỏa, Báo tiếp cận thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp, các bệnh viện… Riêng tại khu vực phía Nam, các chương trình thiện nguyện có tổng giá trị lên tới gần 4 tỷ đồng đã được Văn phòng Đại diện tại TPHCM - Báo Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Ông Tạ Công Lâm cùng con trai Tạ Công Hậu tại buổi thăm khám và đo ni chuẩn bị cho việc lắp tay chân giả. Ảnh: Hữu Thông

Ông Tạ Công Lâm cùng con trai Tạ Công Hậu tại buổi thăm khám và đo ni chuẩn bị cho việc lắp tay chân giả. Ảnh: Hữu Thông

Trong những hoạt động chung tay vì cộng đồng đó, ấn tượng nhất đối với cán bộ, phóng viên Văn phòng Đại diện tại TPHCM là trường hợp của của bệnh nhân Tạ Công Hậu, người phải cắt bỏ 2 tay, 1 chân, nhờ sự trợ giúp của Báo đã được lắp tay, chân giả, trở lại với cuộc sống bình thường.

Nghẹn lòng từ lá thư bạn đọc

Đầu tháng 10/2020, Báo Khoa học và Đời sống (nay là ấn phẩm in KH&ĐS thuộc Báo Tri thức và Cuộc sống) nhận được thư của bà Vũ Thị Loan (ngụ tỉnh Phú Thọ) với nội dung: “Con trai tôi là Tạ Công Hậu, sinh năm 1987 đang tạm trú tại số 415 B1 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngày 18/5/2020, khi đang gắn biển quảng cáo cho một doanh nghiệp tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì bảng quảng cáo chạm vào dây điện trung thế khiến con tôi bị bỏng điện 90% cơ thể, tứ chi bị bỏng và hoại tử, phải cắt bỏ 3 chi hiện còn 1 chân.

Hiện con tôi đang còn nằm viện mà vợ thì yếu, con còn nhỏ, chúng tôi thì đang ở quê nhưng nghèo quá không giúp gì được cho con. Kính mong Ban Biên tập Báo KH&ĐS và cộng đồng giúp đỡ để chữa trị cho cháu lành lặn vết thương…”.

Ngày 11/10, đại diện Báo KH&ĐS đã đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân Tạ Công Hậu.

Anh Hậu cho biết: “Bữa đó, bạn em bảo lên lắp bảng quảng cáo cho công trình. Em vác cây sắt, không để ý đường dây điện phía sau. Thế là em chỉ nghe nổ một tiếng rồi cả người co quắt, hôn mê bất tỉnh. Em tưởng chết rồi, nhưng nhớ đến người vợ trẻ và nhất là con gái mới 2 tuổi còn nhỏ quá, nên em bừng tỉnh dậy. Giờ con gái khóc, bố cũng khóc vì không thể ôm con vào lòng, dỗ dành như những ngày xưa. Vệ sinh mọi thứ đều dựa vào vợ và em trai mới từ quê vào”.

Trái ngọt của tình thương

Sau chuyến thăm đó, một bài báo với tiêu đề: “Xót cảnh bố bất lực vì không thể ôm con!” đăng trên Báo KH&ĐS nhằm kêu gọi sự chung tay, giúp đỡ của bạn đọc, các mạnh thường quân cho bệnh nhân Tạ Công Hậu đã nhận được nhiều sự quan tâm.

Đồng lòng chung tay hỗ trợ người bệnh, TS.BSCKII Phạm Minh Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM cho biết: “Đây là một ca bệnh cần có một kế hoạch điều trị, tập vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu… dài hạn, có thể kéo dài khoảng 6 tháng đến 1 năm, phối hợp giữa bệnh viện và nghị lực của bệnh nhân. Bên cạnh đó, do các mỏm cụt phải được chăm sóc, nên bệnh nhân có thể phải trải qua các đợt điều trị, thậm chí là phẫu thuật tạo hình để có thể tiếp nhận các chi giả, sau đó là tập vật lý để làm quen với các chi mới…”.

Các bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM đều hy vọng sau 6 tháng bệnh nhân sẽ đi lại được và song song đó là tập và lắp tay trái để giúp bệnh nhân quay lại cuộc sống bình thường, tự chăm sóc bản thân, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Các bác sĩ đang kiểm tra các mỏm cụt để đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Ảnh: An Quý

Các bác sĩ đang kiểm tra các mỏm cụt để đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Ảnh: An Quý

BSCKII Võ Ngọc Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM cũng khẳng định, Bệnh viện sẽ hỗ trợ tối đa viện phí trong quá trình điều trị. Nếu được hỗ trợ và lắp chi giả cùng với sự bền bỉ của bệnh nhân cùng gia đình, bệnh nhân sẽ hồi phục đến 70 - 80%.

Ngoài Bệnh viện Phục hồi Chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM hỗ trợ điều trị, nhiều tấm lòng hảo tâm như: Công ty TNHH Kỹ thuật Minh Huy, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Công ty TNHH Y Dược Sài Gòn, anh Hà Ngọc Sơn- Chủ tịch Tập đoàn Aikya, anh Trần Chí Khôi và bạn hữu (quận 11), phóng viên Quốc Ngọc (Báo Phụ nữ TPHCM), chị Nguyễn Thị Lan Phương (Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM), chị Trần Thị Ngọc Hương (quận 4, TPHCM), cô Lý Thị Lan Phương (Nha Trang), anh Ngô Thuận Lăng và chị Nguyễn Thị Hoàng Mai (lớp C7 BNTW 2019), chị Trang (quận 1, TPHCM), chị Trần Thụy Quế Hương (quận 9, TPHCM), Quỹ Từ Tâm và nhiều tấm lòng thơm thảo khác cũng đã giúp bệnh nhân Tạ Công Hậu lắp tay chân giả.

Bệnh nhân Tạ Công Hậu tập tự đứng trên đôi chân của tình thương và nghị lực. Ảnh: Hữu Thông

Bệnh nhân Tạ Công Hậu tập tự đứng trên đôi chân của tình thương và nghị lực.

Ảnh: Hữu Thông

Đúng vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022), anh Tạ Công Hậu đã thật sự trở lại với cuộc sống bình thường, tự đứng trên đôi chân của mình, đôi tay có thể ôm con vào lòng như anh hằng ước mơ.

Theo Đời sống
back to top