Khẩn thiết đề nghị giảm thời gian học online: "Bọn con chẳng khác gì con trâu mẹ ạ"

Nhiều phụ huynh đồng tình, khẩn thiết đề nghị các trường giảm thời gian học online cho học sinh sau ý kiến của thầy Hồ Đắc Phương, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.

"Hỏng" mắt khi "cắm" mặt vào điện thoại cả ngày

Mới đây, KH&ĐS đã đăng tải bài viết nêu ý kiến của thầy giáo Hồ Đắc Phương, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và cô giáo Lê Thị Thanh Loan (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) về việc không thể “bê” thời khóa biểu từ dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến, gây quá nhiều hệ lụy tới sức khỏe các con.

Trong một số diễn đàn chia sẻ bài viết này, hàng trăm bình luận của phụ huynh đã bày tỏ sự đồng tình. Nhiều chia sẻ cho biết, lịch học online cả sáng lẫn chiều ở một số trường, tối lại còn làm thêm bài tập trên máy đã khiến sức khỏe các con bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, với những con phải học trên điện thoại, thì việc phải ngồi học online nhiều giờ lại càng nhiều những tác hại tới sức khỏe, đặc biệt là đối với thị lực.

giam-thoi-gian-hoc-online(1).jpg
Nhiều học sinh học online bằng điện thoại. Ảnh: Mai Loan.

Phụ huynh N.T.L chia sẻ: Nhà mình hai máy tính bố mẹ phải dùng. Hai con cắm mặt vào điện thoại cả ngày. Lúc nào bố mẹ rời máy tính con mới được sử dụng. Hỏng cả mắt lẫn tai mà không biết phải làm sao.

Phụ huynh N.A.P cho biết, mắt của con chị đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải học online cả sáng lẫn chiều rồi tối lại còn phải làm bài tập. Mắt con vốn to tròn là thế mà giờ nhìn mắt cứ dại đi, nhìn mẹ cứ phải nheo nheo mắt. “Nản lắm ạ. Chẳng lẽ lại chuyển sang trường nào học nhàn nhàn”, phụ huynh viết.

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều phụ huynh còn lo lắng về sự thiếu an toàn đối với thiết bị điện khi sử dụng nhiều giờ.

Phụ huynh N,N.L chia sẻ, thật sự thấy các con quá vất vả. Từ thứ 2 đến thứ 7, từ 7h30 đến 12h, mỗi tiết nghỉ 10 phút. “Thử hỏi có cái laptop hay điện thoại nào không phải vừa cắm vừa dùng không ạ? Mình dám khẳng định không phải nhà nào cũng có máy tính cây dùng cho con dùng đâu ạ”, phụ huynh này cho hay.

Nhiều phụ huynh khác đồng cảm cho biết, việc mua máy tính cho con là cả một vấn đề kinh tế trong mùa dịch khó khăn. Biết con học điện thoại không tốt cho sức khỏe mà không biết phải làm sao.

giam-thoi-gian-hoc-online-4.jpg
Chia sẻ của giáo viên sau một ngày dạy online.

Trong bình luận của mình, một giáo viên cho biết, khi phải giảng cả ngày chị mới thấm nỗi mệt mỏi của các con khi học cả ngày. “Ngày hôm qua, mình ngồi giảng online từ 8h30 sáng đến 5h chiều và hệ quả là đau rát họng và hoa hết cả mắt, bỏ cơm nước nằm bẹp luôn, đến giờ vẫn nằm và không hình dung nổi online nó mệt đến thế, mới thấm cảnh của các con. Đấy là mới chỉ có 1 ngày, còn các con mấy tháng như thế rồi”, giáo viên này chia sẻ.

Khẩn thiết đề nghị thay đổi

Từ thực tế đó, nhiều phụ huynh kiến nghị, các trường cần xem xét làm sao để giảm thời gian học online của học sinh mỗi ngày.

Theo đó, các con chỉ học nửa ngày, còn nửa ngày còn lại tự học và dành cho những hoạt động khác.

Với những môn như nhạc, họa, mỹ thuật, thể dục… thì liệu có cần thiết phải bắt các con ngồi học online như khi học trực tiếp hay không? Hay cần có một hình thức khác.

“Kể cả có đủ máy tính thì vẫn hại mắt vô cùng khi từ sáng đến chiều học online, học cả ngày, nghỉ chút vội vàng, trưa, tối vừa nghỉ ăn cơm thì cô lại báo kiểm tra rồi các kiểu gửi bài, làm bài trên ấy, thế là lại đến 11, 12 giờ đêm mới làm bài xong. Con em lớp 6 mà em choáng, mắt thì hỏng hẳn. Mà sắp hết học kỳ 1 rồi vẫn không thay đổi”, phụ huynh K.T.T chia sẻ.

Phụ huynh K.N.L thì cho biết, con chị học lớp 9, chuẩn bị cho thi giữa kỳ lại càng oải, cô giao bài buổi sáng, bắt nộp lúc 9h tối. “Mà có phải một ngày học một môn đâu. Nhìn bọn nó học mà thấy thương lắm. Mắt dán vào màn hình rồi chép, chưa kể có môn cô dạy cố thế là vào luôn tiết sau chẳng có giải lao”.

giam-thoi-gian-hoc-online-2.jpg
Phụ huynh chia sẻ, con bảo "bọn con chẳng khác gì con trâu, cày suốt ngày".

Một phụ huynh cũng có con học lớp 9 chia sẻ, con chị đã nói với mẹ: "Bọn con chẳng khác gì con trâu mẹ ạ, cày suốt ngày", nhìn con học mà thấy thương con quá.

Hàng trăm bình luận của phụ huynh cho rằng, cần sự lên tiếng của các thầy cô mạnh mẽ để các trường có sự điều chỉnh kịp thời. Bởi việc học trực tuyến chưa biết còn kéo dài đến bao giờ, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của các con.

giam-thoi-gian-hoc-online-3(1).jpg
Phụ huynh bày tỏ lời cảm ơn tới ý kiến của thầy Hồ Đắc Phương và mong các thầy cô cùng lên tiếng, điều chỉnh để cho các con đỡ khổ.

Bắt đầu từ 1/11, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên điều chỉnh một tiết học online chỉ còn 30 phút. Theo Hiệu trưởng nhà trường, việc điều chỉnh này dựa trên cơ sở quan sát thực tế và lắng nghe những góp ý của giáo viên và phụ huynh. Còn Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ thì ngay từ khi bước vào đợt học trực tuyến giữa tháng 10, nhà trường đã lựa chọn phương án chỉ 30 phút học online cho một tiết học. Một trong những lý do là để đảm bảo sức khỏe cho các em học sinh.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top