Khan hiếm vaccine, Chính phủ cần ưu tiên cho đối tượng rủi ro nhất

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng điều khẩn thiết lúc này là trong bối cảnh khan hiếm vaccine, Chính phủ nên kiên định ưu tiên phân bổ vaccine cho những khu vực và đối tượng rủi ro nhất.
phan bo vaccine tai Viet Nam anh 1

Hạn chế tỷ lệ tử vong là mục tiêu chống dịch hàng đầu được TP.HCM theo đuổi hơn 2 tháng qua. Sau nhiều nỗ lực, số ca tử vong đã có dấu hiệu giảm sâu trong khoảng 1 tuần trở lại đây.

Dù xu hướng giảm này là dấu hiệu đáng mừng, thực tế số ca tử vong tại TP.HCM vẫn ở ngưỡng cao. Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, tỷ lệ tử vong ở TP.HCM hiện khoảng 4,2%.

Nhìn lại chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam, TS Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng nếu ngay từ đầu, chính quyền ưu tiên tiêm cho nhóm người cao tuổi, rủi ro cao thì có lẽ tỷ lệ tử vong đã thấp hơn. Ông nhấn mạnh quan điểm trong bối cảnh vaccine khan hiếm, Chính phủ cần kiên định ưu tiên phân bổ vaccine cho đối tượng rủi ro nhất, ở khu vực "đỏ" nhất.

Zing trích đăng bài viết của TS Vũ Thành Tự Anh để giải thích rõ quan điểm của ông về vấn đề này.

Cần thay đổi nội hàm về người cao tuổi

Ta vẫn nói với nhau rằng nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ sinh mạng, vậy nhưng số ca tử vong trong dịch Covid-19 vẫn cao.

Nhân sự y tế suốt thời gian qua đã phải làm việc gấp nhiều lần cũng vì muốn cứu từng mạng sống, nhất là ở TP.HCM, nơi tỷ lệ tử vong trong đợt dịch thứ tư đã lên trên 4%. Vì sao vậy?

Số liệu tử vong theo ngày tại TP.HCM
Nguồn: Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19
Nhãn 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9 5/9 6/9
Tỷ lệ tử vong
340 292 266 242 287 271 256 245 335 303 217 250 256 222 233 253

Nhớ lại đầu năm 2020, khi dịch bệnh khởi phát, hiểu biết về virus SARS-CoV-2 còn hạn chế, thuốc men và phác đồ điều trị cũng chưa rõ ràng, còn vaccine chưa hề có. Các nước Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bỉ ghi nhận tỷ lệ tử vong lên tới 13%-14% ở thời điểm dịch bùng phát nặng nề.

Số liệu thống kê đều đưa đến chung một kết luận: Người cao tuổi và người mang bệnh nền có rủi ro tử vong cao nhất nếu bị nhiễm virus. Vậy nên trọng tâm của mọi chiến lược chống dịch - cứu người, xét cho cùng, chính là bảo vệ nhóm này.

Ngay khi có vaccine, chiến lược chung của đa số các nước là tiêm phủ từ trên xuống theo độ tuổi.

Ở Anh, đến 11/3/2021 đã có tới 90% người trên 70 tuổi được tiêm mũi một, trong khi tỷ lệ tiêm mũi một cả nước lúc đó mới khoảng 33%. Hai tháng sau, 96% người trên 70 tuổi đã hoàn thành mũi hai trong khi tỷ lệ này của cả nước Anh mới là 26%.

Tỷ lệ tử vong năm 2020 và tỷ lệ tiêm 2 mũi vaccine năm 2021 theo nhóm tuổi của Anh
Tỷ lệ tiêm vaccine cập nhật đến 5/9/2021
Nhãn 25-29 30-34 35-39 40-44 45-49 50-54 55-59 60-64 65-69 70-74 75-79 80-84 85-89 90+
Tỷ lệ tử vong % 0.12 0.21 0.36 0.56 1.07 1.86 3.04 3.52 7.3 9.85 13.63 18.06 19.59 20.71
Tỷ lệ tiêm vaccine
49.1 55.7 62.8 70.7 77.6 83.3 86 88.2 91 93.5 94.5 94 93.8 91.9

Tại Việt Nam, lãnh đạo và chuyên gia từ đầu dịch thường dùng cụm từ “người cao tuổi” để chỉ nhóm từ 65 tuổi trở lên. Nhưng đến lúc cần thay đổi nội hàm này.

Trên dữ liệu thực tế, nhóm từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao, không thua kém mấy so với nhóm từ 65 trở lên. Hơn nữa, vì nhóm từ 50 tuổi vẫn đi làm, tương tác xã hội nhiều hơn nên nguy cơ lây nhiễm cũng cao hơn hẳn so với nhóm trên 65 tuổi. Vì vậy, ở nhiều quốc gia, nhóm từ 50 tuổi trở nên cũng được ưu tiên vaccine.

Đến giữa tháng 4/2021, có tới 93,3% số người thuộc nhóm trên 50 tuổi ở Anh đã được tiêm mũi một, gấp hai lần mức bình quân của cả nước, lúc đó chỉ là 47,5%.

Nhóm từ 50 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao, không thua kém mấy so với nhóm từ 65 trở lên.

Và vaccine đã chứng tỏ tác dụng bảo vệ sinh mạng con người.

Giai đoạn đỉnh dịch tháng 1/2021, nước Anh từng ghi nhận 68.192 ca nhiễm mới trong ngày 8/1/2021 và 1.824 ca tử vong trong ngày 20/1/2021. Thế nhưng, đợt dịch bùng phát gần đây, mặc dù vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới rất cao với đỉnh 54.183 ca mới trong ngày 17/7 và quanh mức 37.000-38.000 ca/ngày trong tuần trước, song số ca tử vong ở Anh ghi nhận cao nhất giai đoạn này là 207 ca ngày 1/9 - khoảng 11% so với đỉnh điểm của tháng 1/2021.

Kinh nghiệm từ Anh và nhiều nước có độ phủ vaccine rộng là bài học quý giá đối với các nước đang phát triển. Trong bối cảnh khan hiếm và chưa chủ động được nguồn cung vaccine, để giảm thiểu tử vong, các chính phủ phải lựa chọn ưu tiên phân bổ và tiêm chủng một cách sáng suốt.

phan bo vaccine tai Viet Nam anh 2
TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm người cao tuổi. Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam.

Indonesia và Thái Lan đã ưu tiên phân bổ vaccine cho các điểm nóng Covid-19 và cũng là những thành phố trọng điểm kinh tế. Indonesia đã tập trung vaccine cho Jakarta, trong đó ưu tiên nhóm người cao tuổi từ khá sớm.

Đến cuối tháng 4, khoảng 60% người cao tuổi ở Jakarta đã được tiêm mũi một. Đến nay, trong nhóm từ 60 tuổi ở Jakarta, tỷ lệ đã tiêm mũi một là 87,2% và mũi hai là 75,2%. Đây là nguyên nhân chính lý giải tại sao số ca nhiễm tại Jakarta trong đợt dịch tháng 7/2021 rất cao nhưng tỷ lệ tử vong chỉ ở mức 1,6%.

Tương tự, Thái Lan cũng dồn nguồn vaccine khan hiếm cho tâm dịch Bangkok, đồng thời ưu tiên nhóm cao tuổi. Đến nay, tại Bangkok, có tới 97,1% người cao tuổi đã được tiêm mũi một, trong khi tỷ lệ bình quân của Thái Lan là 42% cho nhóm 60-80 tuổi và 21% với nhóm trên 80 tuổi.

Không nên trải quá nhiều đối tượng ưu tiên

Nhìn lại Việt Nam, lẽ ra khi có những liều vaccine đầu tiên, hoặc muộn nhất là khi những liều Moderna viện trợ đầu tiên đến Hà Nội ngày 10/7 thì từ cả góc độ lý thuyết và thực tiễn, biện pháp cứu người quan trọng nhất là tiêm càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt cho nhóm rủi ro tử vong cao nhất. Đó là người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những vùng dịch đang “đỏ” nhất.

Giá như thay cho chính sách trải rộng vaccine trên toàn quốc và cho mọi lứa tuổi trong những đợt tiêm chủng đầu tiên, lượng vaccine quý báu này được tiêm thật nhanh cho người cao tuổi và bệnh nền, đặc biệt ở các vùng dịch bùng phát, chắc hẳn con số tử vong ở Việt Nam từ đầu tháng 8 đã được kiểm soát tốt hơn.

phan bo vaccine tai Viet Nam anh 3
Bệnh nhân Covid-19 cao tuổi được bảo vệ tốt hơn nhờ tiêm vaccine. Ảnh: Việt Linh.

Diễn biến dịch ở TP.HCM cho thấy số ca chuyển nặng và tử vong đang trên đà suy giảm. Đó là nhờ những tiến bộ về y tế cơ sở, tổ chức lại các tầng và phác đồ điều trị trong mấy tuần trở lại đây. Bên cạnh đó, một nguyên nhân chủ chốt là nhờ nhiều người trên 65 tuổi đã được tiêm chủng trong đợt 5, từ cuối tháng 7 đến trung tuần tháng 8. Nhờ đó họ được bảo vệ tốt hơn.

Dồn toàn lực vaccine hiện có cho nhóm rủi ro cao chứ không nên trải quá nhiều đối tượng ưu tiên.

Cũng cần nói thêm, vaccine không chỉ giúp giảm tử vong ở nhóm người cao tuổi và bệnh nền. Quan trọng không kém, khi nhóm này được phủ vaccine, tỷ lệ trở nặng cũng giảm. Hệ thống y tế bớt quá tải sẽ chăm lo tốt hơn cho nhiều bệnh nhân không mắc Covid-19, qua đó, giảm số ca tử vong nói chung.

Quá khứ không quay lại được. Nhưng vẫn còn hiện tại và tương lai.

Điều khẩn thiết lúc này là Chính phủ nên kiên định ưu tiên phân bổ vaccine cho những khu vực và đối tượng rủi ro nhất.

Về đối tượng, dồn toàn lực vaccine hiện có cho nhóm rủi ro cao (người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai) chứ không nên trải quá nhiều đối tượng ưu tiên. Chỉ bằng cách tiếp cận đó mới có thể hiện thực hóa sứ mệnh bảo vệ sinh mạng người dân trong điều kiện vaccine còn khan hiếm hiện nay.

Theo zingnews.vn
back to top