KH&ĐS – mái nhà chung kết nối các thế hệ

(khoahocdoisong.vn) - Tiến tới kỷ niệm 60 năm ngày KH&ĐS ra số báo đầu tiên, tôi liên hệ với những người đã từng công tác ở Báo. Có những người cả đời gắn bó với tờ báo từ lúc ra trường tới lúc nghỉ hưu, có người chỉ làm một thời gian ngắn, nhưng có một điểm chung là ai cũng hào hứng được trở về mái nhà chung, gặp lại nhau, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời làm báo sôi nổi, một thời chúng tôi đã sống với nhau thật chân tình.

Nơi đây thực sự là một gia đình

Tôi về báo năm 1995 cùng với 5 anh chị em khác. Đây là lần đầu tiên Báo tuyển phóng viên, vì trước đó, các bác, các cô chú đều là những người làm khoa học cơ bản chuyển sang làm báo, phổ biến kiến thức. Thế nên, lứa chúng tôi rất được quan tâm. Tuần đầu tiên được dành cho việc đọc báo cũ, tìm hiểu về tờ báo. Còn nhớ cái phòng kho để báo lưu, từng tập được đóng bìa cẩn thận, xếp chồng trên các giá, kê sát nhau, có những tập từ những năm 1959-1960, giấy đã ngả màu nâu sẫm, mỗi khi giở phải rón rén. Một phần vì sợ hỏng báo, một phần vì kính cẩn, những tên tuổi tác giả trên báo, toàn những nhà khoa học cây đa cây đề.

Sau đó bắt đầu được giao biên tập bước một cho các bản thảo của cộng tác viên. Cũng lại run, bởi biên tập bài của các chuyên gia, bác sĩ đâu có đơn giản, nhiều người viết chuyên sâu, muốn cho bạn đọc hiểu được thì trước hết mình phải hiểu đã. Nhưng rất may, chúng tôi được các cô chú biên tập chỉ bảo tận tình. Cứ học dần, vỡ ra dần dần. Rồi đi đặt bài chuyên gia. Ngày đó cứ nói đến tên Báo KH&ĐS, đến người cử mình đến liên hệ, là rất được tin tưởng. Thế nên, tự hào lắm!

Mặc dù trước đó mọi người đều bảo, đi làm thì ai cũng phải gọi bằng anh, bằng chị, không có cô, chú, bác cháu gì ở đây vì cơ quan chứ không phải gia đình. Nhưng chẳng hiểu sao ngay từ đầu tôi đã không thể nào gọi theo cách công vụ ấy được. Giờ ngẫm lại, có lẽ ngay từ ngày mới chập chững bước chân vào KH&ĐS tôi đã muốn coi đây là gia đình, là mái ấm thực sự của mình. Đến giờ, bác Cư, bác Đạt, chú Phùng, chú Phụng, chú Khang, cô Đinh Anh, cô Hiên, cô Vụ, cô Thành, chị Uyên, chị Bích Hà… vẫn luôn gần gũi, gắn bó, thân thương như người trong nhà.

Và 24 năm qua, KH&ĐS thực sự là gia đình của tôi. Người cũ nay đã về hưu hết cả, nhiều người đã ra đi. Những bạn trẻ đã về, đã đi, nhưng chúng tôi luôn giữ liên lạc với nhau, vẫn coi KH&ĐS là mái nhà chung, nơi mọi người đã từng cùng làm việc, cùng gắn bó. Dù trong lúc công tác, không thiếu khi căng thẳng với nhau, nhưng giờ nhớ lại, chỉ còn những kỷ niệm đẹp. Giở lại những trang báo cũ, tìm lại những tên người xưa, lại thấy nhớ. Chẳng có gì bị lãng quên.

Những người thầy thực sự

KH&ĐS đã cho tôi không chỉ một công việc, một mái ấm mà đây còn là một trường học thực sự. Còn nhớ trong buổi phỏng vấn thi tuyển, nhà báo Bích Hà có hỏi tôi, trước khi đến phỏng vấn một nhà khoa học lớn thì phải chuẩn bị những gì. Tôi rất ngây ngô và thật thà trả lời rằng, tôi sẽ như một cô học trò nhỏ, đến để được học hỏi, tìm hiểu về các vấn đề khoa học. Chị Hà đã cười và bảo rằng, nếu không hiểu gì về lĩnh vực của họ thì rất khó nói chuyện. Chị nói đúng quá, và tôi nghĩ chắc mình trượt rồi. Vậy mà, không hiểu sao vẫn được nhận. 

Sau này, những lần đến phỏng vấn các nhà khoa học, tôi luôn cố gắng chuẩn bị thật tốt, tìm hiểu trước càng nhiều càng tốt về nhân vật mình sắp làm, cố gắng hiểu những nét cơ bản nhất về lĩnh vực của họ. Và mỗi lần như thế tôi được học hỏi thêm rất nhiều. Khi tới phỏng vấn PGS Trần Tuấn Thanh về thế giới phẳng, ông đã giải thích cho tôi rất cặn kẽ về công nghệ, ngành cơ khí, về công nghiệp 4.0, về thế giới có thực sự phẳng không... Bài viết chỉ khoảng 1500 từ, nhưng hai bác cháu làm việc đến tận 3 buổi. Tôi luôn biết ơn ông vì những kiến thức ông đã truyền cho tôi, cả sự chính xác và thận trọng, cả niềm say mê với công việc.

Cuộc đời làm báo, đã mang lại cho tôi những người thầy thực sự tuyệt vời. Người mà tôi luôn kính trọng là giáo sư nông nghiệp Nguyễn Vy, nhà khoa học về đất, một cộng tác viên lâu năm của Báo. Ông không chỉ dạy tôi về đất, về nước, về cây lúa, về người nông dân, ông còn dạy tôi sống làm người phải trung thực: Người ta có thể ghét mình, nhưng tuyệt đối không được để ai khinh mình. Bao nhiêu năm qua, cứ có việc gì lấn cấn, tôi đều tìm đến ông để chia sẻ, để được nghe ông kể chuyện mình.

KH&ĐS đã cho tôi thật nhiều: Được làm công việc mà mình yêu thích, có nhiều cơ hội để gặp gỡ, quen biết, để học hỏi từ những nhà khoa học lớn đến những con người bình thường nhưng vô cùng thú vị và nhất là có được những người bạn, người đồng nghiệp thật đáng yêu. Giờ đến lượt chúng tôi là những người làm việc lâu năm nhất ở Báo, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình là gìn giữ truyền thống của tờ báo, là sợi dây gắn kết các thế hệ những người làm Báo KH&ĐS, để nơi đây mãi mãi là mái ấm, là nơi để trở về. 

Theo Đời sống
Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

Đáng tự hào vị thế một tờ báo khoa học

(khoahocdoisong.vn) - Mùa thu năm nay Báo KH&ĐS mà tiền thân là Báo Khoa học thường thức ra đời vừa tròn sáu chục năm (30/9/1959-30/9/2019). Ôn lại những kỷ niệm làm báo, tôi nhớ đến những bậc tiền bối đã có công xây dựng và phát triển tờ báo từ những ngày đầu tiên, đó là những nhà khoa học kiệt xuất của đất nước tâm huyết với sự nghiệp mở mang dân trí. Vì thế tờ báo được mọi người tin yêu và lưu giữ, coi đó là một cẩm nang khoa học trong những năm mà internet chưa xuất hiện.
Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

Những sự kiện đáng nhớ trong đời làm báo của tôi

(khoahocdoisong.vn) - Nhà báo Tuyết Phương, phụ trách mảng y tế - sức khỏe trên Báo KH&ĐS. Những năm tháng chiến tranh, bà đã từng là phóng viên chiến trường. Những chia sẻ của bà cho thấy sự năng động, nhiệt huyết của người làm báo KH&ĐS.
Nghĩa lớn        

Nghĩa lớn        

(khoahocdoisong.vn) - GS.VS Trần Đại Nghĩa, nhà khoa học lớn, người đặt nền móng cho ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội KH&KTVN, Chủ nhiệm Báo KH&ĐS. Dưới đây là những chia sẻ của nhà báo Hữu Hưng, nguyên Trưởng ban Biên tập Báo KH&ĐS về những kỷ niệm với GS Trần Đại Nghĩa.
Làm sách Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp

Làm sách Lịch sử Việt Nam - Hỏi và đáp

(khoahocdoisong.vn) - Theo kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2019 được Bộ GD-ĐT thống kê, môn lịch sử có điểm trung bình là 4,3. 70% số bài thi có điểm dưới 5. Tình trạng học sinh học kém môn Lịch sử đã diễn ra trong thời gian dài. Việc Báo KH&ĐS manh nha làm phổ biến kiến thức về Lịch sử từ cách nay 15 năm phải chăng là sự nhạy cảm với thời cuộc?
back to top