KH&CN Việt Nam 2019: Những nỗ lực bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0

(khoahocdoisong.vn) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cách mạng công nghiệp 4.0 là thử thách, song cũng là cơ hội. Chúng ta phải làm thế nào để hạt mầm tri thức luôn có điều kiện nảy nở. Phát triển cũng đồng nghĩa không ai bị bỏ lại phía sau.

Tri thức phục vụ cộng đồng

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong các hoạt động cụ thể nhằm triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, tại Hà Nội, Đề án đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với thông điệp “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam”.

Đề án đã ra mắt phiên bản đầu tiên tại địa chỉ iTrithuc.vn với mục tiêu xây dựng một nền tảng hạ tầng dữ liệu và tri thức trong các lĩnh vực, trước hết là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, văn hóa… nhằm tạo điều kiện cho học tập, làm chủ tri thức, nghiên cứu và phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng AI và BigData phục vụ cho cộng đồng và xã hội.

Các dữ liệu và tri thức được kết nối và chia sẻ với cấp số nhân, được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi sẽ xoá bỏ khoảng cách số, tạo cơ hội để mọi người tiếp cận sử dụng, tạo ra giá trị gia tăng cho cả cộng đồng. Đây là cốt lõi để triển khai phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành, lĩnh vực, khơi dậy niềm đam mê và khát vọng sáng tạo, nhất là thế hệ trẻ.

 Đề án mang tính kết nối tri thức trên cơ sở ứng dụng các công nghệ thông tin hiện đại như BigData và AI. Đề án không có ngân sách riêng biệt, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hoá.

Hầu hết kinh phí triển khai Đề án cho đến nay do các doanh nghiệp đóng góp và công sức tình nguyện của các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và tình nguyện viên. Tạo cơ chế phối hợp tham gia của các bộ, ngành, địa phương, và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và đông đảo các bạn thanh niên, sinh viên và người dân nói chung.

Chia sẻ dữ liệu với cộng đồng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói, ông mong muốn cộng đồng tiếp tục chung tay chăm sóc cho bản đồ Vmap, cho iNhandao và hệ tri thức Việt số hóa nói chung tiếp tục phát triển ở những giai đoạn tiếp theo. Ví dụ, hiện nay bước đầu tiên, iNhandao mới chỉ đưa vào được các địa chỉ cần tiếp nhận với các tấm lòng muốn chia sẻ đến với nhau. Còn ở bước 2, iNhandao phải kết nối được tất cả cộng đồng trong xã hội có nhu cầu trợ giúp về vật chất, chia sẻ trợ giúp đến được với nhau.

“Ví dụ, có một cháu bé muốn tặng đi một đôi dép thì cháu có thể tìm được người để tặng qua iNhandao. Kênh iNhandao giúp đỡ chia sẻ không chỉ về vật chất, mà còn trợ giúp về thời gian, về kiến thức, tư vấn, tất cả đều cần được kết nối. iNhandao sẽ là kênh kết nối trợ giúp từ người có tấm lòng muốn được giúp đỡ tới người nhận, sự trợ giúp này được công khai minh bạch hoàn toàn. Điều quan trọng hơn là kết nối người nhận hỗ trợ và người cần hỗ trợ để lan tỏa điều tốt đẹp trong xã hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cho rằng, trong khi thực hiện cuộc cách mạng 4.0 thì phải quan tâm đến giáo dục cho người dân ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số vì bản chất của cuộc cách mạng là không để ai bị bỏ lại phía sau. Ông cũng nhấn mạnh cần chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng lần này.

Còn theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” là đề án quan trọng, mang tính dài hạn của Chính phủ. Trong đó giao cho Bộ KH&CN với tư cách là thường trực, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức thực hiện. Đề án mang tính kết nối tri thức dựa trên nền tảng những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (BigData).

Kết quả của nhiều đề án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được Bộ KHCN tài trợ trước đây đã được mang ra ứng dụng và kết hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các startup để từng bước tạo ra các ứng dụng kết nối, chia sẻ dữ liệu, tri thức với cộng đồng.

Tận dụng 4.0 để thành nước phát triển

GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phòng Thí nghiệm mục tiêu Trí tuệ nhân tạo, ĐHQG Hà Nội cho rằng, Việt Nam có thể trở thành nước phát triển nếu tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tất nhiên khi bắt nhịp vào cuộc cách mạng này, Việt Nam với trình độ phát triển còn thấp nên cũng gặp không ít khó khăn thách thức.

Do đó, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nội dung quan trọng, giúp Việt Nam định hướng chiến lược và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp. Để làm được, phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để sẵn sàng tận dụng thời cơ, tránh được rủi ro, có các giải pháp linh hoạt thích ứng với những thay đổi mà ngày hôm nay chưa dự báo được.

Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này.

Phát biểu tại một diễn đàn về cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Trong đó, bước một là đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, mà tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo. Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

Theo Đời sống
back to top