KH&CN 2019: Bước chuyển mình của cách mạng công nghiệp 4.0

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2019 được coi là năm thành công của KH&CN Việt Nam với nhiều thành tựu rực rỡ. Sự vào cuộc của cả hệ thống, sự chuyển mình của cả xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra đà đột phá mới về KH&CN trong tương lai.

Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về Cách mạng Công nghiệp 4.0

Ngày 27/9/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân. Cụ thể đến năm 2025, Việt Nam phải xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.

Đến năm 2030 sẽ có mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

5 đặt hàng của Thủ tướng với Bộ Khoa học và Công nghệ

Tại Hội nghị "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" (15/5/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp làm thế nào để phát triển chất xám và sự sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn, gồm: Một là đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Hai là phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.  Ba là thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước, các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Bốn là xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Năm là tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin,...

Phóng thành công vệ tinh 'made in Việt Nam' vào quỹ đạo

7 giờ 50 phút ngày 18/1 (giờ Hà Nội), vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên quỹ đạo, cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản). Sau khi phóng 2 ngày, vệ tinh MicroDragon đã thu nhận được những tín hiệu đầu tiên. Hiện nay, vệ tinh đang được phối hợp điều khiển bằng hệ thống trạm mặt đất của Đại học Tokyo, ISAS/JAXA và Đại học Tokyo Denki.

Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ

Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ

Đây là sản phẩm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Việt Nam tăng tiếp 3 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2019

Trong Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (năm 2018 là 45/126). Với thứ hạng này Việt Nam vươn lên thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia. So với năm 2018, hai chỉ số liên quan khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng mạnh. Trong đó tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc (đầu vào); sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc (đầu ra). 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại buổi công bố chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại buổi công bố chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu


Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia, được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell (Mỹ) thực hiện. 

Gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức gặp mặt trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019. Buổi gặp mặt có sự tham dự của 100 đại biểu là các nhà trí thức, khoa học đã đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước, quốc tế, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Kovalevskaia; các nhà giáo, nhà khoa học có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu và đưa vào các văn kiện với tinh thần quyết liệt nói đi đôi với làm để khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, không để những mục tiêu ngắn hạn lấn át mục tiêu dài hạn.

Động thổ nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Hòa Lạc

Ngày 10/6, Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ động thổ dự án nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội).  Theo đại diện tập đoàn, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thiện ngày 15/8 với công suất 23 triệu máy. Tháng 10/2019, giai đoạn 2 sẽ hoàn thành với công suất 34 triệu máy. Nhà máy đạt công suất tối đa 120 triệu máy vào đầu năm 2020.

Các trang thiết bị, máy móc của VinSmart ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như dây chuyền hàn dán linh kiện SMT, dây chuyền kiểm tra bo mạch tự động dùng công nghệ của Mỹ, Đức, Nhật Bản. Phần mềm kiểm tra, hiệu chỉnh của Qualcomm (Mỹ). 

Loài cheo cheo biến mất gần 30 năm được tìm thấy ở Việt Nam

Một loài sinh vật nhỏ đầu trông giống một con hươu, phần thân giống chuột, đã mất tích gần 30 năm, vừa được bẫy ảnh chụp trong một khu rừng Việt Nam. Bản ghi chép khoa học cuối cùng được biết về loài vật có tên khoa học là chevrotain lưng bạc là từ năm 1990, khi một thợ săn giết một con và tặng mẫu vật cho các nhà khoa học. Phát hiện này được mô tả trong một bài báo xuất bản ngày 11/11 trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.  

Gạo Việt Nam lần đầu nhận giải gạo ngon nhất thế giới

Giống gạo ST25 của Việt Nam được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức ngày 12/11 tại Philippines. Gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua gạo của các nước như Thái Lan, Campuchia để lần đầu tiên nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

KS Hồ Quang Cua là tác giả giống lúa ST25

KS Hồ Quang Cua là tác giả giống lúa ST25

Giống lúa ST25 đạt giải năm nay nằm trong dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau chủ yếu lấy từ Sóc Trăng được kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến.

Tô Hội

Theo Đời sống
back to top