Kẹt vì dịch Covid-19, FLC thỏa thuận gỡ khó cùng khách hàng

(khoahocdoisong.vn) - Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid – 19, các công ty quản lý vận hành hệ thống quần thể của Tập đoàn FLC FLC đã đề xuất phương án thanh toán tiền thuê căn hộ định kỳ các khách hàng. Phương án này bước đầu đã đạt được sự đồng thuận của nhiều khách hàng tại các dự án.

Thiệt hại nặng, 

Liên quan đến việc nhà đầu tư mua căn hộ khách sạn tại dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Hạ Long (Quảng Ninh), được biết khách hàng đã ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long quản lý vận hành, tổ chức hoạt động kinh doanh căn hộ và nhận tiền thuê một năm theo hai kỳ.

Đại diện FLC Hạ Long cho biết, kể từ thời điểm ký kết hợp đồng cho đến nay, công ty đã thanh toán tiền thuê cho khách hàng trong năm 2018 và một phần kỳ 1 năm 2019. Đối với phần tiền thuê còn lại đã đến hạn thanh toán, Công ty đã có kế hoạch để thanh toán cho khách hàng trong đầu năm 2020.

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, ngành du lịch trong nước và thế giới gần như “đóng băng” hoàn toàn, Quảng Ninh cũng trở thành một trong những tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Việt Nam. Tính chung trong quý 1/2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 64% so với cùng kỳ, còn tổng thu giảm 62%, vượt qua tất cả các dự báo ban đầu của chính quyền trong những kịch bản đầu năm. 

Theo đại diện FLC Hạ Long, vấn đề bất khả kháng không những làm suy giảm nặng nề về mặt doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn quỹ dự phòng của Công ty, khi vẫn buộc phải duy trì các hoạt động như tiền lương nhân công, chi phí bảo dưỡng, bảo trì, chi phí duy trì cảnh quan, thiết bị…

Vì vậy, dù đã cố gắng bố trí nguồn tài chính để chi trả, nhưng cũng như nhiều công ty du lịch, khách sạn khác, FLC Hạ Long không thể tránh khỏi rơi vào tình trạng bị động, gặp khó khăn trong kế hoạch thu xếp dòng tiền và kế hoạch chi trả tiền thuê cho khách hàng trong giai đoạn hiện nay. 

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với dự án quần thể của FLC tại Sầm Sơn. 

Phương án mới: gia tăng lợi ích thêm 10% 

Tại buổi làm việc ngày 26/5, trả lời những kiến nghị của các chủ đầu tư, bà Trần Thị Hương - Giám đốc FLC Homes - cho biết, hiện FLC đang trong quá trình tái cơ cấu lại các danh mục đầu tư, cân đối lại các khoản chi để có thể có tiền trả lãi cho các chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.

Đại diện FLC đề xuất thanh toán tiền thuê căn hộ condotel bằng các loại thẻ ưu đãi nghỉ dưỡng, hàng không... là một trong những biện pháp thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của FLC sau dịch. 

Hình thức này sẽ gia tăng thêm cho khách hàng 10% lợi ích, bởi bên cạnh việc được nhận số tiền tại thẻ có giá trị tương đương tiền thuê, doanh nghiệp sẽ tự động cộng thêm cho khách hàng 10% giá trị tiền thuê ngay tại thời điểm thanh toán. 

Với khả năng thanh khoản và chuyển nhượng linh hoạt, các loại thẻ nói trên cũng cho phép chủ thẻ có quyền chuyển nhượng, trao tặng hoặc bán lại để thu về tiền mặt nếu không sử dụng hết. 

Phương án xử lý này, vừa đảm bảo hài hòa về lợi ích các bên, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch từ chính khách hàng nội địa, từ đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong đó có FLC có cơ hội được phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng nghĩa với gia tăng khả năng chi trả cho các chủ đầu tư thứ cấp của tập đoàn.

Trong khi một số khách hàng bức xúc vì bị chậm trả tiền thuê nhà và lợi tức, thậm chí không ít người muốn bán lại căn hộ, thì cũng có không ít khách hàng chấp nhận phương án thanh toán mới để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp do ảnh hưởng từ vấn đề bất khả kháng là dịch Covid. 

Có thể thấy rằng, hợp đồng thuê căn hộ của FLC với các khách hàng là hợp đồng kinh tế, và trong giai đoạn rõ ràng khả năng thanh toán của FLC đang căng thẳng, chính các khách hàng cũng không mong muốn lựa chọn giải pháp khởi kiện để bị kéo dài thời gian thanh toán trong kiện tụng. 

Bên cạnh phương án thanh toán mới, FLC cần đóng vai trò "người nhà" của khách hàng trong đàm phán với ngân hàng để khoanh, hoãn, giãn tiến độ trả nợ gốc, lãi cho người mua nhà. Sau đó là sự công khai về lộ trình cụ thể đối với việc thanh toán tiền thuê và lợi tức cho khách hàng.

Rõ ràng là, ngân hàng cũng không mong muốn FLC lâm vào khủng hoảng, khiến các khoản tài trợ đối diện với nguy cơ nợ xấu. Sự kết nối giữa 3 bên trong giải quyết khủng hoảng là điều tốt nhất FLC có thể làm ở thời điểm này, trong khi nỗ lực khôi phục kinh doanh, chờ doanh thu hồi phục

Rõ ràng, khó khăn, rủi ro là điều doanh nghiệp nào cũng gặp phải trong quá trình hoạt động. Nhưng xử lý rủi ro thế nào mới làm nên danh tiếng của doanh nghiệp, và sau đó là lợi ích của doanh nghiệp. Uy tín và danh tiếng của FLC chỉ tốt khi tập đoàn này kết nối tốt với đối tác của mình, trong số đối tác ấy, khách hàng đóng vai trò quan trọng hơn ngân hàng. 

Theo Đời sống
back to top