Kén bao hoạt dịch có đáng lo không?

Kén bao hoạt dịch là tổn thương lành tính, kích thước nhỏ, thường không gây triệu chứng. Có vài trường hợp là khối u bao hoạt dịch thực sự, hoặc ung thư; nhưng khối to nhanh, bùng nhùng, ranh giới không rõ, có biến đổi màu sắc da tại chỗ…

Hỏi: Cổ tay em nổi lên một khối u, có lúc nhỏ đi rồi lại to lên, sờ cứng chắc, không di động, không hề đau. Em sợ bị chết vì ung thư nên chưa đi khám ở đâu. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Lan Hương (Hà Nội)

Kén bao hoạt dịch là tổn thương lành tính, kích thước nhỏ thường không gây triệu chứng. 

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội trả lời:

Nhìn vào bức ảnh và thông tin bạn cung cấp, bác sĩ Phúc có thể chẩn đoán ngay bạn bị kén bao hoạt dịch khớp cổ tay, tên tiếng Anh là “Synovial Cyst” hoặc “Ganglion Cyst”.

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản là, khớp cổ tay của bạn có một cái màng mỏng bao quanh. Tự dưng màng này xuất hiện một cái nang chứa dịch nhầy bên trong.

Nguyên nhân tại sao thì y học cũng chưa giải thích được, mặc dù tổn thương thì đã được mô tả từ thời ông tổ nghề y Hippocrates cách đây hơn 2500 năm.

Giả thuyết đưa ra là, vì lí do nào đó như chấn thương chẳng hạn, làm cho cái màng ấy bị yếu một chỗ, rồi nó phình ra như chiếc săm xe, dịch cứ thế tiết ra và tích tụ lại thành kén.

Ở bất cứ khớp nào trên cơ thể có màng hoạt dịch, đều có thể xuất hiện những kén chứa dịch như vậy. Khớp hay bị nhất là kheo chân, sau đó đến cổ tay, bàn ngón tay và bàn ngón chân ít gặp hơn, các vị trí khác rất hiểm.

Kén bao hoạt dịch là tổn thương lành tính, kích thước nhỏ thường không gây triệu chứng. Nếu kén to, dịch tiết ra nhiều có thể gây đau hoặc tức, nhất là khi cử động khớp hoặc làm việc.

Kén có thể tự biến mất nếu chỉ nhỏ vài milimet, có thể tồn tại mãi mãi nếu kích thước to.

Khi phát hiện ra kén bao hoạt dịch, dù không có triệu chứng nhưng chắc chắn bạn sẽ thấy vừa lo lắng vừa tò mò, nên hay sờ tay xem thử.

Qua giai đoạn tò mò, nhiều người do không thấy biểu hiện gì đặc biệt, công việc lại bận rộn, nên đã mặc kệ.

Một số người tự giải quyết bằng cách ngâm chân vào nước muối, ngâm chân trong nước nóng, xoa bóp hoặc đắp lá, thậm chí là chữa mẹo. Tất cả những biện pháp tự chữa như thế đều không có tác dụng gì cả, có khi làm cho tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.

Dù có triệu chứng hay không, thì bạn vẫn nên tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán xác định, tư vấn, điều trị trong những trường hợp cần thiết.

Để chẩn đoán, ngoài thăm khám lâm sàng thì bác sĩ cần phải làm thêm siêu âm, trường hợp nghi ngờ có thể phải chụp cả X quang hoặc cộng hưởng từ.

Nếu bác sĩ xác định đúng là kén bao hoạt dịch, mà bạn không có triệu chứng gì đặc biệt, thì chỉ cần bác sĩ tư vấn cho bạn yên tâm hết lo lắng, lên kế hoạch theo dõi định kì cho bạn trong một thời gian, như thế là đủ.

Trường hợp có triệu chứng, bác sĩ có thể chọc kim vào nang hút hết dịch rồi băng ép lại; cũng có thể làm tiểu phẫu cắt bỏ nang. Phương pháp điều trị hút dịch hay cắt bỏ, thì vẫn có khả năng tái phát lại.

Hằng ngày khám bệnh, bác sĩ Phúc vẫn gặp nhiều những ca kén bao hoạt dịch như của bạn. Nhưng có vài trường hợp là khối u bao hoạt dịch thực sự, có cả trường hợp bị ung thư; nhưng biểu hiện lâm sàng khác hẳn, như khối to nhanh, bùng nhùng, ranh giới không rõ, có biến đổi màu sắc da tại chỗ…

Tóm lại là trường hợp của bạn không có gì nghiêm trọng để bạn phải lo lắng quá. Hãy nhớ rằng, đa số bệnh nhân chẩn đoán có khối u xong rồi, họ chết vì sợ chứ không phải chết vì bệnh.

Mai Loan (ghi)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top