Imperial Plaza 360 Giải Phóng: Chủ đầu tư xâm phạm quyền và lợi ích của cư dân?

(khoahocdoisong.vn) - Theo bạn đọc phản ánh, mặc dù đã bàn giao nhà ở hơn 2 năm, nhưng hiện nay các cư dân ở đây vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao sổ đỏ, cùng với đó quỹ bảo trì cũng chưa được bàn giao cho cư dân tại dự án.

Chậm tiến độ, chiếm dụng quỹ bảo trì

Theo ghi nhận, Dự án khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học tại 360 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội (Dự án Imperial Plaza) do Công ty CP Tập đoàn đầu tư và thương mại Thăng Long làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 3768/QĐ-UBND ngày 22/8/2012, được Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch 1/500 tại Văn bản số 2730/QHKT-P2 ngày 17/9/2012, chấp thuận phương án kiến trúc tại Văn bản số 344/QHKT-P2 ngày 4/2/2013.

Phối cảnh tổng thế Dự án Imperial Plaza tại số 360 đường Giải Phóng.

Phối cảnh tổng thế Dự án Imperial Plaza tại số 360 đường Giải Phóng.

Dự án có tổng quy mô 3,67ha, giai đoạn 1 gồm 3 tòa IP1, IP2 và IP3 – chung cư Imperial Plaza đã đi vào sử dụng. Giai đoạn 2, chủ đầu tư hiện đang xây dựng tòa IP4 – chung cư Skyview Plaza. Tòa IP4 – chung cư Skyview Plaza được khởi công xây dựng từ quý 3/2017, trên diện tích đất hơn 4.800m2, chiều cao 35 tầng với điểm nổi bật gồm 5 tầng hầm, bể bơi trong nhà 250m2 và khu thương mại dịch vụ tại tầng 1.

Skyview Plaza là tòa tháp được xây dựng cuối cùng trong tổng thể Dự án khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học tại số 360 đường Giải Phóng.

Theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 6/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ dự án này đã được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng mới chỉ hoàn thiện và đưa vào sử dụng 3 tòa IP1, IP2 và IP3. Còn tòa IP4 mới xây dựng đến tầng 14 và hiện “án binh bất động”.

Chậm triển khai tòa IP4, không bàn giao quỹ bảo trì, chưa thể bàn giao giấy chứng nhận nhà cho cư dân trong thời gian dài, phải chăng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính để hoàn thiện dự án này?

Imperial Plaza đã thế chấp những gì?

Được biết, Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp tại ngân hàng. Theo đó, ngày 07/07/2016, chủ đầu tư đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản và lợi ích nắm giữ tại dự án với tổng giá trị là 1.300 tỷ đồng. Hợp đồng thế chấp này được “đáo hạn” ngày 03/10/2016, với tổng hạn mức vẫn không thay đổi.

Tài sản thế chấp là toàn bộ quyền tài sản và lợi ích của Bên Bảo Đảm phát sinh từ hoặc có liên quan tới Dự án TINCOM CITY (hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học) tại số 360 đường Giải Phóng, bao gồm: Quyền đòi nợ, khoản phải thu, quyền hưởng các khoản tiền bồi thường; quyền thụ hưởng bảo hiểm, các khoản phí mà Bên Bảo Đảm thu được trong quá trình đầu tư kinh doanh, phát triển dự án TINCOM CITY; Tất cả các máy móc thiết bị thuộc Dự án; Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đối với máy móc thiết bị thuộc sở hữu của Bên Bảo Đảm; Các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất (lợi tức) tại địa chỉ 360 đường Giải Phóng; Tất cả các nguồn thu, lợi ích, các khoản bồi hoàn và các khoản thanh toán khác mà Bên Bảo Đảm nhận được hoặc sẽ nhận được để thay thế, trao đổi cho bất kỳ các quyền tài sản và tài sản được nêu trên.

Tòa IP4 – chung cư Skyview Plaza (Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng) mới xây dựng đến tầng 14.

Tòa IP4 – chung cư Skyview Plaza (Dự án Imperial Plaza 360 Giải Phóng) mới xây dựng đến tầng 14.

Cần lưu ý là, trong tất cả các hợp đồng thế chấp nêu trên đều có sự xuất hiện của 2 cái tên có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đó là Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản – Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung.

Đến năm 2017, chủ đầu tư tiếp tục khởi công tòa IP4, sau đó, vì nhiều lý do, Dự án đã “đắp chiếu” tới nay. Đáng chú ý, tháng 8/2018, Dự án này bất ngờ được UBND TP Hà Nội cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 4093/QĐ-UBND. Tới tháng 09/2019, chủ đầu tư tiếp  tục thế chấp Dự án.

Cụ thể, Chủ đầu tư thế chấp là Toàn bộ nguồn thu, lợi nhuận hình thành trong tương lai thuộc sở hữu của Bên Bảo Đảm phát sinh từ Dự án “Khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học - IMPERIAL” tại số 360 đường Giải Phóng. Bên Bảo Đảm là Chủ đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư số 4093/QĐ-UBND ngày 09/08/2018 của UBND TP Hà Nội và các giấy tờ pháp lý khác kèm theo sau khi trừ đi chi phí đầu tư Dự án và các nghĩa vụ tài chính của Công ty CP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát".

Tiếp đó là thế chấp quyền đòi nợ, nguồn thu, quyền được bồi thường thiệt hại thuộc sở hữu của Bên Bảo Đảm phát sinh từ 222 Hợp đồng mua bán căn hộ, 01 sàn thương mại và 37 Hợp đồng mua bán nhà ở liền kề thuộc Dự án “Khu hỗn hợp nhà ở, dịch vụ công cộng, văn phòng và trường học - IMPERIAL” tại số 360 đường Giải Phóng. Kèm theo đó là các Phụ lục 01,02,03 đính kèm Hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ hình thành trong tương lai giữa Ngân hàng và Bên Bảo Đảm.

Vấn đề là, trong hợp đồng thế chấp lần này lại có sự xuất hiện của một cái tên mới, có quyền và nghĩa vụ liên quan đó là Công ty CP Đầu tư và phát triển Đông Thịnh Phát. Cần thông tin thêm là, trước đó Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát có Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01/2016/HTĐT-HNP ký ngày 30/06/2016.

Ngay trong ngày 30/6/2016, toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long đã được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát mang đi thế chấp. Hạn mức khoản vay 1.300 tỷ đồng tiếp tục được cấp cho doanh nghiệp này. 

Vậy thì quan hệ, sự chằng chéo giữa Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Thịnh Phát; Công ty CP Đầu tư và thương mại Thăng Long với Công ty CP đầu tư và kinh doanh bất động sản – Công ty TNHH Nhà nước MTV cơ khí Quang Trung là như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của các bên này ra sao?

Báo KH&ĐS tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Theo Đời sống
back to top