IAEA: Điện hạt nhân đóng vai trò then chốt trong mọi chính sách năng lượng và khí hậu

Báo cáo của IAEA trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu nhấn mạnh: năng lượng hạt nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0, tạo điều kiện phát triển năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch.

Điện hạt nhân là nguồn cung cấp điện có carbon thấp nhất

Trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) công bố bản báo cáo “Năng lượng hạt nhân cho một thế giới thuần không".

Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện hạt nhân trong tiến trình nỗ lực đạt các mục tiêu của Thỏa thuận Paris và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững bằng giải pháp thay thế than và nhiên liệu hóa thạch khác, thúc đẩy phát triển hơn nữa năng lượng tái tạo và trở thành nguồn kinh tế cho sự phát triển hydro sạch.

Bản báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA)

Trong bản báo cáo, 9 quốc gia — Canada, Trung Quốc, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, Ba Lan, Nga, Mỹ và Vương quốc Anh đều đưa ra tuyên bố về những đóng góp to lớn của điện hạt nhân trong cuộc chiến chống khí hậu.

Theo Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi, trong 5 thập kỷ qua, năng lượng hạt nhân đã giúp tránh được sự phát thải khoảng 70 gigatonnes (Gt) carbon dioxide (CO2) tiếp tục tránh được sự phát thải hơn 1 Gt CO2 hàng năm. Khi thế giới tiến tới COP26, đã đến lúc đưa ra các quyết định chính xác và tăng cường đầu tư vào hạt nhân. 

Thực tế đã chứng minh, điện hạt nhân là nguồn cung cấp điện có carbon thấp nhất, hoàn toàn phù hợp thay thế than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác, đồng thời cung cấp năng lượng để sản xuất hydro, phục vụ mục tiêu khử carbon trong những lĩnh vực khó giảm thiểu như giao thông vận tải và công nghiệp nặng.

Chủ đề then chốt tại COP26 là thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ than đá. Theo báo cáo của IAEA, nếu thay thế 20% sản lượng than bằng 250 GW điện hạt nhân sẽ giảm phát thải 2 Gt CO2, tương đương khoảng 15% lượng phát thải của ngành điện mỗi năm. Điện hạt nhân cũng có thể thay thế các lò hơi đốt than cho hệ thống sưởi trung tâm của địa phương và ngành công nghiệp.

Những ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân tạo tác động kinh tế lớn hơn nhiều lần so với những khoản đầu tư vào các dạng năng lượng khác, trở thành một trong những hành động hiệu quả nhất phục hồi kinh tế bền vững và chuyển đổi sang hệ thống năng lượng thuần bằng 0 có khả năng phục hồi.

Ba Lan là một trong những quốc gia có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân (NPP) nhằm giảm sự phụ thuộc vào than, hiện sản xuất khoảng 70% điện năng của đất nước và tạo ra hơn 200.000 việc làm chuyên môn cao.

Tạo ra những ngành công nghiệp mới

Hoạt động của các NPP ở Ba Lan giúp đạt được mục tiêu trung hòa về khí hậu, tác động tích cực đến nền kinh tế đồng thời tạo ra những ngành công nghiệp mới có chuyên môn hóa cao và tăng cường an ninh năng lượng của đất nước.

Những lĩnh vực phi năng lượng phát thải như sản xuất thép, xi măng và hóa chất, vận tải biển và vận tải hàng không, chiếm khoảng 60% lượng khí thải toàn cầu sẽ yêu cầu triển khai sử dụng vật chất mang nhiệt hoặc năng lượng như hydro, được sản xuất với mức thấp khí thải carbon. Điện hạt nhân có thể cung cấp nhiệt lượng carbon thấp và sử dụng để sản xuất hydro , đặc biệt với những lò phản ứng nhiệt độ cao hiện đang phát triển.

Báo cáo của IAEA nhấn mạnh, ngành hạt nhân đã chuẩn bị tốt để đối mặt với những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó nguy cơ xảy ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn và đã phát triển các giải pháp thích hợp cụ thể để giảm thiểu những rủi ro có thể.

Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin lò phản ứng điện của IAEA, mặc dù tần suất mất điện do thời tiết tại các nhà máy điện hạt nhân có tăng lên trong 30 năm qua, nhưng tổng thiệt hại về sản xuất là nhỏ và trong thập kỷ qua đã giảm thiệt hại.

John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Khí hậu trong tuyên bố cho báo cáo của IAEA viết: “Nhiệm vụ phía trước của chúng ta - hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1,5 ° C và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vừa là thách thức ghê gớm và là một cơ hội kinh tế to lớn. Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu đòi hỏi phải triển khai ở quy mô lớn, đầy đủ các công nghệ năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng hạt nhân, trong thập kỷ tới và sau đó”.

Theo IAEA
back to top