Huyền bí rừng mộ ché của người M’Nông – Kỳ cuối: Còn đó bao điều bí ẩn

Văn hóa truyền thống dân tộc bản địa Tây Nguyên mãi là dòng chảy bất tận, những người già đang tìm cách níu giữ không gian, khoảnh khắc huyền thoại để không đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không đánh mất những gì cha ông để lại… Họ bền bỉ lưu giữ những di sản vô giá trước vòng quay của thời gian.

Linh hồn buôn làng

Ánh hoàng hôn đổ dài trên con đường bê tông dọc theo buôn cổ, già Y Vé Nhơm dẫn chúng tôi ra địa phận phần đất của dòng họ già trước đây. Ngôi nhà bề thế xây mô phỏng theo kiến trúc nhà rông được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đầu tư xây dựng có tên gọi là nhà “Bảo tồn Văn hóa”, nơi lưu giữ văn hóa người M’Nông.

Già Y Vế Liêng bên cây đa cổ thụ.

Đây là nhà văn hóa lớn nhất tỉnh, nằm trong Dự án bảo tồn buôn văn hóa truyền thống M’Liêng, với mục tiêu xây dựng, bảo tồn buôn M’Liêng đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’Nông R’Lăm, được triển khai từ năm 2009 đến 2015. Tất cả các lễ hội lớn nhỏ trong buôn và xã được tổ chức tại đây. Trong đó để chiêng ché, ghế Kpan, các loại nhạc cụ dân tộc M’Nông.

Theo thời gian thế hệ trẻ không còn tin vào những điều huyền bí từ rừng, bởi họ từng chứng kiến những người nơi khác đến vào rừng chặt cây, khai thác lâm sản quý… nhưng không bị thần linh trừng phạt. Điều này khiến ý thức bảo vệ rừng không còn, những nét văn hóa truyền thống dần bị mai một.

Khi buôn M’Liêng được nhà nước chọn làm điểm đầu tư, bảo tồn buôn cổ cho cả tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, buôn làng trở nên khang trang hơn. Hai trục đường nội bộ trong buôn được bê tông hóa, dọc theo đó là nếp nhà dài truyền thống được bà con giữ gìn hoặc làm mới theo quy hoạch của dự án bảo tồn buôn cổ. Hai bến nước đầu và cuối buôn được sửa sang sạch đẹp. Sau đó khu rừng thiêng được phòng Văn hóa Thông tin huyện Lắk cắm biển đặt tên là “Nghĩa địa thần”, có bản chỉ dẫn phân chia ranh giới nhưng… đã bị gió quật gãy.

Cây đa cổ thụ án ngữ ngay trước khu “Nghĩa địa thần” được bà con xem là cây thiêng, già Y Vé Nhơm kể: Cây đa này được cố nội dòng họ Nhơm trồng và chăm sóc. Ngày ấy, cây đa đang lên tươi tốt vươn tán lá xanh, một hôm cố nội ra thăm phát hiện một bên cây bị kẻ gian chặt những cành nhỏ. Sau đó cây tõe ra làm đôi. Cây cũ vẫn còn cây mới mọc lên vươn cành xanh tốt và tồn tại đến bây giờ.

Thời thơ ấu ông cùng các bạn cùng trang lứa thường ra gốc đa chơi. Mỗi dịp lễ, hội trong buôn hay gia đình nào có việc quan trọng lại thấy già làng, trưởng thôn, chủ hộ đem các lễ vật ra cây cúng, cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống buôn làng ấm no hạnh phúc. Đến tháng 7/2017, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Đắk Lắk đã công bố quyết định và gắn biển “Bảo tồn cây cổ thụ” cây đa trên 200 tuổi.

Anh Y Siu Buôn Krông (sinh 1990, buôn M’Liêng) chia sẻ: Việc gắn biển bảo tồn cây cổ thụ không chỉ có ý nghĩa trong việc giữ gìn những cây cổ thụ quý, bảo vệ nguồn gen đa dạng sinh học mà góp phần nâng cao ý thức của mọi người về bảo vệ cây xanh.

Đối với đồng bào ở đây họ quan niệm những cây to lớn là cây thiêng, trong tâm thức của người M’Nông cây đa là cây cổ thụ rất thiêng giống như hàng rào vững chắc bảo vệ cả buôn làng. Những năm gần đây có nhiều đoàn du lịch tới buôn để tham quan buôn cổ và chiêm ngưỡng cây đa thiêng này.

Còn khu “Nghĩa địa thần” chưa thấy một nhà nghiên cứu nào tới tìm hiểu nghiên cứu, chỉ nghe các cụ già kể rằng, khu rừng này có trước cây đa rất lâu, bà con thời đó bảo vệ rất nghiêm ngặt. Nếu phát hiện ai chặt cây không kể cây lớn, nhỏ bắt được phạt phải trồng lại và cúng một con trâu khỏe.

Các cụ luôn răn đe, nếu ai vào rừng phá cây sẽ bị thần phạt. Ngày trước không ai dám vào, qua thời gian mọi người không còn kiêng dè nữa, họ thường băng qua khu rừng để ra hồ Lắk. Nhưng không ai dám chặt phá cây dù là cây nhỏ…

Nhà bảo tồn văn hóa buôn M’Liêng.

Níu giữ hồn thiêng

Nói về văn hóa truyền thống dân tộc bản địa, ông Y Kô Niê, phó trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk, người tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên chia sẻ: Trong tâm khảm đồng bào Tây Nguyên, rừng là cội nguồn, đời sống tâm linh. Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa về rừng, nơi con người chung sống hòa thuận từ bao đời nay.

Khi lập một làng mới, già làng, người có uy tín nhất đi tìm mảnh đất có khu rừng đầu nguồn nước, hay trên đỉnh núi để lập làng. Xung quanh nó sẽ có những câu chuyện về nữ thần nước xinh đẹp bằng giọng hát mê hồn khiến con người lạc lối trong rừng, hoặc nơi có khu rừng mang tính thiêng, nơi chẳng ai dám tới để chặt phá hay đốt rừng làm rẫy, nơi này thường là rừng nguyên sinh hay rừng già khó đoán tuổi.

Với khu rừng ở buôn M’Liêng có tên “Nghĩa địa thần”, đây là cách họ gọi tên cho một khu rừng thiêng. Theo quan niệm của người M’Nông đó là nơi trú ngụ của thần linh. Xung quanh khu rừng sẽ có một truyền thuyết nào đó. Chỉ có dòng họ giữ rừng và bà con sống thời đó mới biết tường tận. Bây giờ các già làng có thể không còn nhớ nhiều về truyền thuyết hoặc họ biết nhưng không muốn kể cho người khác biết. Nếu tìm hiểu và biết được câu chuyên quanh khu rừng thiêng sẽ rất có giá trị, để sau này thế hệ trẻ biết về cội nguồn dân tộc mình.

Một khu rừng được xem là rừng thiêng, nó phải mang tính thiêng của buôn. Không phải buôn nào cũng có rừng thiêng, hy hữu lắm mới có buôn may mắn sở hữu. Rừng mang tính thiêng thường có 2 mặt, thần thiện và thần ác. Dù tốt hay xấu đều liên quan đến thần linh. Đối với rừng thiêng không chôn người chết, họ chỉ chôn của cải, nếu có mộ thì là mộ giả của người bị mất tích trong khu rừng, hoặc chỉ được chôn người của dòng họ giữ rừng và chôn ở mép ngoài rừng.

Còn những chiếc ché được chôn cạnh mộ đó là theo phong tục tín ngưỡng của đồng bào. Việc xác định tuổi cho ché trong một khu rừng cần phải có thời gian tìm hiểu nghiên cứu. Tuổi của ché có thể lớn hơn tuổi của gia chủ khi họ về với Yang (thần linh).

Nhiều đoàn du lịch tham quan buôn cổ và một số cây cổ thụ trong khu rừng.

Đối với dòng họ có nhiệm vụ giữ rừng thiêng, đó là “gánh” của dòng họ đó. Họ sẽ phải làm các nghi lễ cúng thần rừng, nếu có di dời đi bất cứ đâu, đến ngày lễ phải về khu rừng thiêng để cúng. Trong mỗi buôn những cây cổ thụ lâu năm buôn làng xem đó là cây thiêng và hằng năm phải làm lễ cúng, lấy máu của vật hiến tế rải quanh gốc cây.

Theo thời gian thế hệ trẻ không còn tin vào những điều huyền bí từ rừng, bởi họ từng chứng kiến những người nơi khác đến vào rừng chặt cây, khai thác lâm sản quý… nhưng không bị thần linh trừng phạt. Điều này khiến ý thức bảo vệ rừng không còn, những nét văn hóa truyền thống dần bị mai một. Như nỗi lo của một số già làng nơi đây, rồi một ngày khi nó (buôn M’Liêng) không còn là chính nó, thời gian sẽ xóa nhòa đi bảo tàng quý giá này. Làm sao để giữ hồn tộc người M’Nông qua từng họa tiết văn hóa? Văn hóa M’Nông có còn giữ được nét riêng không bị pha tạp?

Ông Nguyễn Thế Anh, phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng cho biết: Xã có 12 thôn buôn và hơn 10 nghìn nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 55 %. Khu rừng ở buôn M’Liêng thuộc địa giới của xã, nhưng bây giờ vấn đề quản lý khai thác thuộc về Ban quản lý Văn hóa, lịch sử, môi trường huyện Lắk.

Năm 2017, huyện Lắk có 2 buôn là buôn M’Liêng và buôn Triết nằm trong Đề án xây dựng 10 buôn làng truyền thống của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển du lịch cộng đồng được UBND tỉnh đã phê duyệt.

Trên mảnh đất Tây Nguyên còn hàm chứa bao điều bí ẩn. Cho đến tận bây giờ người ta vẫn chưa giải thích được vì sao có một tháp chăm Yang Prông lạc lõng giữa rừng già ở huyện biên giới Ea Súp hay sự dịch chuyển kỳ lạ của đôi đá voi cha mẹ ở Yang Tao (huyện Lắk, Đắk Lắk). Dịp thích hợp, chúng tôi sẽ bàn tiếp câu chuyện này…

Nguyễn Thảo (Theo Tiền phong)

Theo Đời sống
back to top