Huyền bí rừng mộ ché của người M’Nông – Kỳ 1: Thâm u buôn cổ

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xét chọn là buôn cổ độc nhất trên cao nguyên Đắk Lắk.

Buôn cổ M’Liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xét chọn là buôn cổ độc nhất trên cao nguyên Đắk Lắk để triển khai dự án bảo tồn văn hóa truyền thống M’Liêng với mục tiêu xây dựng bảo tồn buôn M’Liêng đầy đủ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người M’Nông R’Lăm. Nơi đây như một Tây Nguyên thu nhỏ hoang sơ cổ kính của hàng trăm năm trước chứa đựng những giá trị văn hóa cổ truyền của người M’Nông R’Lăm.

Toàn cảnh khu rừng ma.

Với người M’Nông rừng là nhà, là đất mẹ, bảo vệ, che chở cho buôn làng. Người già trong làng thường cất giữ trong ký ức của mình những câu chuyện huyền thoại về các vị thần rừng, các hình phạt khủng khiếp với những kẻ dám giễu cợt thần linh, như khu rừng ma, nơi ít người dám tới. Người ta sợ linh hồn người chết, nên khu rừng được bao bọc bởi bao tính thiêng, ẩn chứa bao điều bí ẩn nên không ai dám vào chặt phá, đốt rừng làm rẫy.

Người M’Nông rất coi trọng những chiếc ché chứa thứ nước thiêng mà họ tin có thần linh trú ngụ trong đó. Nên khi một người qua đời, gia đình sẽ dành chiếc ché quý nhất mang ra rừng ma để người chết sử dụng. 

Ác mộng rừng già

Buôn cổ M’Liêng nằm ven hồ Lắk, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên, cuộc sống bà con ấm êm trù phú với 2 mùa gieo gặt. Trước đây phải chờ đợi những chuyến đò mới vào được, bây giờ đường nhựa êm ru từ quốc lộ vào tận buôn. Ngay đầu buôn ngôi nhà cộng đồng bề thế, phía sau là cây đa khổng lồ vươn tán che mát cả một khoảng đất, những ngôi mộ ẩn hiện giữa rừng cây, bụi cỏ lớn bé. Đó chính là rừng mộ ché được nhắc đến trong câu chuyện huyền bí của đồng bào bản địa buôn cổ M’Liêng.

Theo ông Y Thon Ênuôl, trưởng buôn M’Liêng, cánh rừng này không có vực sâu, không có thú dữ, không có bẫy chông nhưng đã từng là chốn bất khả xâm phạm của người làng. Bà con gọi đây là rừng ma (hay rừng mộ ché) vì trong rừng này là mộ và những chiếc ché được chôn theo mộ. Đối với người M’Nông, dòng họ “người giữ rừng” khi chết được an táng dưới tán rừng và họ gọi đó là rừng ma. Họ bảo vệ rừng ma để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình. Luật tục đã quy định như thế nên không ai được xâm phạm.

Để được vào khu rừng ma chúng tôi phải ghé thăm dòng họ “giữ rừng” am hiểu tường tận về khu rừng. Già Y Vé Nhơm sống ở đây hơn 70 mùa rẫy tiếp chuyện: Nghe bố mình kể lại rằng thuở xa xưa, nơi đây còn hoang sơ, bao quanh buôn làng là những cánh rừng bất tận. Hầu hết vùng đất được hồ Lắk bao bọc là của dòng họ Nhơm. Là khu cấm địa mà người bản xứ không dám mạo phạm, không dám đặt chân vào khi không có việc.

Khu rừng này là nơi ở của những người đã khuất, đối với đồng bào đó là chốn linh thiêng. Chết không phải là dấu chấm hết của một đời người mà được sống trong một thế giới khác. Ở đây sẽ bắt đầu cuộc sống trái ngược với cuộc sống hiện tại, nơi đó đêm là ngày, những con suối tuôn dòng chảy không phải từ trên núi cao mà theo hướng ngược lại.

Người M’Nông tin một người chết như thế, sẽ được những phù thủy ở rừng ma ăn xác và linh hồn họ đi về phía âm phủ gặp hồn cha, mẹ, anh em, người thân đã chết trước đó. Nên, người chết đã về rừng ma, không ai dám tới quấy nhiễu, nếu không sẽ mở đường dẫn lối cho các phù thủy, ác ma theo dấu chân, theo mùi người về gây hại làng. Điều này khiến người M’Nông bị tác động rất lớn, họ sợ tất cả những gì vượt qua họ, đặc biệt là thần linh, ngay cả thần thiện. Người M’Nông tin rằng thần linh trú ngụ khắp nơi.

Đối với họ rừng là nơi ở của các vị thần linh mà có thể khẩn cầu sự giúp đỡ khi gặp khó khăn trong cuộc sống, họ thuộc từng ngõ ngách, vách núi như lòng bàn tay. Nhưng khu rừng này họ không dám đặt chân đến vì người chết tồn tại trong tâm linh, linh hồn họ ở chốn địa ngục được hóa kiếp vào một lốt mới. Trong đó những bụi tre to lớn mọc lên từ những ngôi mộ đó là linh hồn người chết hóa thân vào. Họ không dám mạo phạm nếu không sẽ gặp những điều xui rủi, xảy ra những cái chết xấu. Khu rừng này luôn được bà con bảo vệ nghiêm ngặt.

Những chiếc ché cổ trên 100 tuổi của gia đình ông Y Vế Liêng.

Những chiếc ché ở khu rừng ma

Trong ngôi nhà nhuốm màu thời gian, rít một hơi thuốc, phả ra làn khói trắng trông rất mờ ảo, già Y Vé Nhơm ngồi đó tôi cứ ngỡ một bức tượng nhà mồ chứa đựng một tâm trạng đầy bí ẩn được các nghệ nhân khắc họa. Già chậm rãi: Trong khu rừng ấy sẽ có rất nhiều ché to, hoa văn rực rỡ có màu men tinh tế, bóng loáng, đó là những chiếc ché quý nhiều năm tuổi có tên là Yang- Dâm hay ché Djiring.

Ngày trước để có được chúng, chủ nhân phải đổi bằng rất nhiều của cải, bây giờ được chôn cạnh mộ vì đó là tài sản của người chết, nên gia đình mang trả cho người về với Yang (thần linh) theo tục chia của. Ở những “rừng ma” của các dân tộc khác như  Gia Lai, Kon Tum hầu như sẽ không nhìn thấy ché, nếu có thì chỉ là những chiếc ché nhỏ không có giá trị là bao.

Người M’Nông quan niệm và xem ché đựng rượu là vật thiêng gắn với đời người từ lúc sinh ra cho đến khi hồn lìa khỏi xác. Mừng sự chào đời của một đứa trẻ không thể thiếu ché rượu.

Khi buôn làng cúng thần lễ ăn đầu lúa, ché rượu quý nhất, thơm nhất được dùng mời thần linh để cùng chia sẻ niềm vui cũng như lắng nghe lời cầu nguyện của dân làng.

Đối với làng có người chết xấu, hay người phạm tội loạn luân, bên cạnh con vật hiến sinh, phải có các ché rượu để gột rửa, tẩy uế…

Trong câu chuyện của vị phó chủ tịch xã Nguyễn Thế Anh, chúng tôi được biết, trước đây cách thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk đi ngược về thành phố Buôn Ma Thuột chừng 2 km có một khu rừng le, đây là nghĩa địa của người M’Nông. Trong đó huyệt mộ được đào sâu và rộng.

Dưới huyệt chiêng, ché và các vật dụng sinh hoạt xếp ngay ngắn, sau đó đặt quan tài người đã mất lên phía trên và vùi đất lấp lại. Năm 2006, xã chỉ đạo khai quật khu rừng le, lấy lên được rất nhiều chiêng, ché. Qua thời gian chiêng bị hỏng hết, nhưng ché vẫn còn nguyên vẹn.

Trong quá trình khai quật anh em làm vỡ mất phân nửa số ché, chỉ còn khoảng hơn 50 cái được công ty du lịch huyện Lắk đến xin về. Hiện tại những chiếc ché trưng bày trong khu du lịch bây giờ đều lấy từ khu rừng le này. Đối với người M’Nông tất cả những gì thuộc về người đã khuất họ không bao giờ lấy lại. Còn về số tuổi những chiếc ché chưa xác định được, chỉ biết rằng nó được chôn từ năm 1975 tại khu rừng le. Bây giờ nơi đây là cây xăng dầu Tây Nguyên.

Chiếc ché màu men tinh tế được chôn cạnh ngôi mộ trong khu rừng.

Đi dọc con đường nhựa buôn M’Liêng, những ngôi nhà sàn cao giống kiến trúc người Ê Đê im ắng trong ánh nắng chiều. Anh Y Siu Buôn Krông (SN 1990, buôn M’Liêng) chỉ những chiếc ché được để ngả nghiêng dưới sân đất cạnh ngôi nhà cho biết: Bất cứ gia đình nào sau khi làm lễ cúng, tất cả những chiếc ché đựng đồ trong buổi lễ phải được rửa dưới nước thật sạch, mang ra sân cho nằm nghiêng dưới ánh nắng mặt trời đến khi khô mới được đưa vào nhà. Còn những chiếc ché thiêng (cả trăm tuổi) muốn sử dụng phải làm lễ cúng cho ché.

Theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên, ché thiêng là ché có vị thần đang trú ngụ, khi mang ché về nhà họ thường làm lễ cúng rước thần linh nhập hồn cho ché mới, trong nghi lễ, máu con vật hiến tế được bôi lên miệng ché. Nghi thức này xem như chiếc ché đã có sự hiện diện của thần linh.

Khi đó ché được mang vào nhà và đặt cẩn thận nơi trang trọng nhất. Chỉ những dịp lễ quan trọng mới đưa ra sử dụng. Nhà nào có hồn chiêng ché ở cùng thì nhà đó mua được nhiều chiêng ché. Những chiếc ché ở buôn M’Liêng mà chúng tôi gặp chỉ đơn giản là như vậy nhưng hàm chứa bao nét văn hóa rất riêng của người M’Nông…

Nguyễn Thảo (Theo Tiền phong)

Theo Đời sống
back to top