Hút 17,6 tỷ USD vốn đầu tư, Hà Nội lo biến vốn cam kết thành vốn thực

(khoahocdoisong.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Nam Á, Đông Á như khát vọng của dân tộc. Để hiện thực hóa, trước hết Hà Nội phải đạt 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Trao quyết định đầu tư cho 229 dự án

Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” được tổ chức sáng 27/6 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, với sự tham dự của khoảng 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Sau khi xem xét đề xuất của các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, tại hội nghị, thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

Trong số này có 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư FDI với số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; 107 dự án đầu tư công.

Tổng số dự án, số vốn tăng được trao quyết định chủ trương đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016. Các dự án đầu tư năm nay tập trung vào các lĩnh vực: cụm công nghiệp; nhà ở xã hội; khu đô thị; du lịch - dịch vụ; trụ sở văn phòng; văn hóa - xã hội; tài chính - ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án được trao quyết định chủ trương tại hội nghị gồm 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; nhóm các dự án được trao quyết định ghi nhận đề xuất tại hội nghị có 19 dự án, với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng; nhóm 107 dự án đầu tư công của thành phố đang được 5 ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao 38 biên bản ghi nhớ của TP Hà Nội với các đối tác trong và ngoài nước. Tổng giá trị các biên bản ghi nhớ khoảng 28,67 tỷ USD, trong đó có 12 biên bản ghi nhớ có vốn đầu tư nước ngoài với trị giá khoảng 8,32 tỷ USD; 26 biên bản ghi nhớ có vốn của nhà đầu tư Việt Nam với giá trị khoảng 20,35 tỷ USD.

Hà Nội phải đạt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong quá trình phát triển.

Hà Nội phải đạt "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" trong quá trình phát triển.

Phải là trung tâm của khu vực

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Theo Thủ tướng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm.

“Quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc. Vì vậy, giờ đây Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, mà phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, câu trả lời trước hết là Hà Nội phải đạt 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong phát triển.

Người đứng đầu chính phủ cũng nhấn mạnh thực tế chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay. Do đó, ông yêu cầu Hà Nội phải có chất lượng thể chế tốt, phải tranh thủ các cơ chế đặc thù đang có như Luật Thủ đô, Nghị định của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết mới đây của Quốc hội. 

Mặt khác, Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần tận dụng lợi thế địa lý, liên kết với các vùng để phát triển. Mỗi địa phương ở Thủ đô cũng cần chia sẻ cơ hội, nguồn lực để cùng phát triển, kết nối.

Tuy nhiên, đó vẫn là những lợi thế hiện hữu của Thủ đô, trong tư cách địa phương trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế, công nghiệp của cả nước. Nói cách khác, việc Hà Nội phải đi đầu trong thu hút vốn đầu tư là vị thế đương nhiên, dễ hiểu. Hà Nội có trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thủ tục hành chính, tạo thuận lợi đầu tư để chuyển hóa thành công hàng chục tỷ USD đầu tư về thành phố mỗi năm hay không là chuyện khác.

Nhìn từ góc độ này, cần lưu ý lại một thông tin từ tháng 5/2020, khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) công bố trực tuyến báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019. Theo đó, năm 2019, Quảng Ninh là tỉnh năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng. Đứng thứ 2 là tỉnh Đồng Tháp, tiếp theo là Vĩnh Long và Bắc Ninh.

Ngoài các tỉnh nói trên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng cũng góp mặt trong top 10 của bảng xếp hạng. Đáng chú ý, TPHCM không nằm trong top 10  của bảng xếp hạng PCI 2019. 

Thực tế, Hà Nội và TPHCM tiếp tục không dẫn đầu trong bảng xếp hạng PCI không phải là điều bất ngờ, vì từ nhiều năm qua, hai trung tâm kinh tế, thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của cả nước này cũng hiếm khi leo lên vị trí dẫn đầu tại bảng xếp hạng PCI.

Điều đó có nghĩa, với Hà Nội, việc thu hút 17,6 tỷ USD vốn đầu tư qua một sự kiện là con số đáng mừng, nhưng sẽ đáng mừng hơn nếu thành phố được công nhận đứng vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng PCI. Một thành phố thu hút nhiều nhất vốn đầu tư lại không đứng vị trí cao nhất về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là thông tin có tính cảnh báo, hơn là đem lại sự tự tin cho địa phương ấy. Vậy thì điều gì đang là rào cản để cản trở Hà Nội từ địa phương thu hút vốn đầu tư nhất trở thành địa phương có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất?

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top