Hơn 30 loài mới được phát hiện trong năm 2020

(khoahocdoisong.vn) - Trong năm 2020, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã phát hiện thêm 30 loài và 4 chi/giống mới. Phát hiện này góp phần bổ sung dữ liệu về đa dạng sinh học, làm tăng giá trị đa dạng sinh học cho đất nước. Tuy nhiên, các công bố cũng đặt ra nhiều thách thức trong nghiên cứu và bảo tồn.

Bổ sung dữ liệu về đa dạng sinh học

PGS.TS Vũ Văn Liên, Phó Tổng Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, con số 30 loài và 4 chi/giống mới được phát hiện trong năm 2020 có thể coi là một thành công của các nhà khoa học trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Do ảnh hưởng của Covid-19, các chuyến nghiên cứu thực địa giảm đi nhiều, toàn bộ các chuyến khảo sát thực địa hợp tác với các đối tác nước ngoài bị hủy, nên việc thu thập mẫu vật cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, các nhà khoa học của Bảo tàng vẫn nỗ lực nghiên cứu và công bố 30 loài mới và 4 chi/giống mới cho khoa học. Các loài/chi mới này được phát hiện tại nhiều địa điểm của Việt Nam gồm: Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên (Lào Cai), VQG Tà Đùng (Đăk Nông), VQG Pù Mát (Nghệ An), Bình Định, VQG Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế)… 

Theo PGS.TS Vũ Văn Liên, đây đều là những loài/chi chưa được mô tả hay đặt tên trước đó. Việc phát hiện loài mới cho khoa học góp phần bổ sung dữ liệu về đa dạng sinh học cho khu vực và quốc gia, làm tăng giá trị đa dạng sinh học cho địa phương, đất nước. 

Đồng quan điểm, TS Đỗ Văn Trường, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, tác giả của 5 loài mới và một chi thực vật mới trong năm 2020 cho biết, việc nghiên cứu phát hiện và mô tả các loài mới cho khoa học, đặc biệt là các loài mới phát hiện ở Việt Nam đã làm nổi bật thêm vai trò và tầm quan trọng của đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và khu hệ thực vật nói riêng. Ngoài ra, đây còn là cơ sở khoa học vững chắc để định loại các mẫu vật phục vụ cho công tác nghiên cứu bảo tồn và nghiên cứu ứng dụng khác (nghiên cứu hoạt chất sinh học, chế phẩm sinh học…). 

Cần được quan tâm hơn

Các nhà khoa học cho biết, đằng sau những kết quả phát hiện loài mới là rất nhiều những khó khăn, vất vả trong quá trình nghiên cứu ngoài thực địa. Nhưng điều trăn trở của những người làm nghiên cứu khoa học chính là điều kiện nghiên cứu cơ bản còn gặp quá nhiều khó khăn và vấn đề bảo tồn sau phát hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Theo TS Đỗ Văn Trường, Việt Nam là nước có đa dạng sinh học cao trên thế giới với khoảng gần 19 nghìn loài động vật và gần 14 nghìn loài thực vật được biết đến. Con số này vẫn tiếp tục tăng lên khi mà mỗi năm có hàng trăm loài mới cho khoa học được phát hiện từ Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí cho nghiên cứu cơ bản về khu hệ động, thực vật Việt Nam còn rất ít; các nhà khoa học trẻ đam mê nhưng khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ kinh phí; nhiều loài mới sau khi được phát hiện ít được quan tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển đúng mức, đặc biệt là những loài quý, hiếm có giá trị tiềm năng, có khả năng ứng dụng trong cuộc sống (có thể sử dụng làm lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng...).

TS Đỗ Văn Trường cho biết, hiện các nhà khoa học bước đầu đã nghiên cứu nhân giống và bảo tồn thành công một số loài mới thuộc nhóm Aristolochiaceae (Mộc hương) và Gesneriaceae (Tai voi) tại các vườn thực vật, trung tâm cứu hộ, bảo tồn. Đây là cơ sở quan trọng để tiến hành các hoạt động nghiên cứu phát triển nguồn gene thực vật quý ở Việt Nam cho nhu cầu sử dụng (làm dược liệu, cây cảnh, hay làm thức ăn cho côn trùng…), góp phần quan trọng vào quá trình bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật hoang dã.

Tuy nhiên, hoạt động này là quá nhỏ bé so với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của Việt Nam. Vì vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa của nhà nước để bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene quý giá này.

 Theo PGS.TS Vũ Văn Liên, trong số 30 loài mới và 4 chi/giống mới được công bố trong năm 2020 có 12 loài thực vật, 3 chi thực vật, 18 loài động vật và 1 giống động vật.

Theo Đời sống
back to top