Homestay cổ tích trên “đỉnh trời” Tà Chí Lừ 

(khoahocdoisong.vn) - Tà Chí Lừ có lẽ là bản xa nhất, cao nhất ở xã vùng cao La Pán Tẩn, Mù Cang Chải. Nơi đó, bất cứ ai cũng sẽ choáng ngợp dưới trời đêm đầy sao, sát gần tay với. Nơi đó, ấn tượng đầu tiên tôi bắt gặp là trong dải ngân hà lung linh huyền ảo, ánh sáng từ ngôi nhà sàn của đôi vợ chồng trẻ Thào A Su hắt lên đẹp như trong cổ tích…

Về quê lập nghiệp…
Từ Ngã ba Kim, Mù Cang Chải, theo chỉ dẫn của của Thào A Su, người chủ homestay đã liên lạc trước, chúng tôi đi trên con đường ngoằn nghoèo lên núi, dẫn vào La Pán Tẩn. Đón chúng tôi ngay Ủy ban xã là nụ cười hiền khô của A Su, tiếp tục thử thách tay lái bác tài trên con đường chênh vênh, hun hút dẫn lên đỉnh đồi xa nhất của bản xa nhất – Tà Chí Lừ.
Chúng tôi bước xuống xe khi xung quanh trời đã tối đen đặc, rồi cả đoàn không ai bảo ai, cùng ngước lên trời để rồi cùng ngỡ ngàng… Chúng tôi đang ở trong dải ngân hà, hàng ngàn vì sao thắp sáng bầu trời, tưởng như chỉ giơ tay lên là với được; những đám bụi ánh sáng trông như đám lân tinh ai đó nghịch ngợm tung lên không trung để những bụi sáng li ti li ti bay tóe ra muôn nơi. Ấn tượng tuyệt vời đến mức không thể lời nào tả xiết. Chúng tôi gọi đó là “đỉnh trời”… Leo bộ thêm một đoạn nữa, lên hẳn đỉnh núi, ngôi nhà sàn gỗ của A Su như nằm trong dải ngân hà đó, lung linh, rực sáng…

Đón chúng tôi là Tàng, vợ A Su, cô gái Mông với nét đẹp thuần khiết của tuổi đôi mươi. Tàng mời chúng tôi cốc nước ấm, thứ siro táo mèo lên men ngọt lịm, nhè nhẹ chua, nhè nhẹ say lòng người… Bữa tối bên mâm cơm gia đình ấm áp với những câu chuyện liên miên không dứt đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn. A Su cởi mở chia sẻ quá trình “đánh liều” làm homestay.
“Em xa nhà lâu rồi nên muốn về quê lập nghiệp…” - đó là chia sẻ của chàng trai Mông Thào A Su, 26 tuổi. A Su tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện, Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên, nhưng không muốn ở lại thành phố lập nghiệp mà mong được về nhà... 
Lý do trở về của A Su thật đơn  giản và dễ thương vô cùng. Em nói “em đi học xa nhà từ lớp 6, khi mới 12 tuổi, tính ra đến khi tốt nghiệp đại học là đã xa nhà chục năm. Em là con trai duy nhất trong nhà mà chưa giúp gì được bố mẹ, nên em quyết định về”. Khi còn ở trường, Su bảo em vẫn cập nhật thông tin về quê hương  mình, bố mẹ em cũng bảo giờ Mù Cang Chải phát triển du lịch tốt lắm, khách đến rất đông. Nghĩ rằng sau này trở về có thể sẽ làm du lịch nên Su dành thời gian tập trung học tiếng Anh cho thật tốt…
Tốt nghiệp đại học trở về, A Su vào làm cho công ty thủy điện, nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó Su nhận ra mình không phù hợp làm công việc gò bó thời gian. Nói chuyện với bố mẹ và được sự động viên, tin tưởng, tiếp sức của bố mẹ, quyết tâm càng cao hơn khi mẹ gợi ý làm homestay, Su bắt tay vào một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ…
Nghe chuyện, tôi thực sự hâm mộ mẹ Su, một người phụ nữ Mông tuổi ngoài 50 nhưng có thái độ sống vô cùng tích cực. Chính mẹ là người động viên A Su dám từ bỏ công việc nhà nước được cho là yên ổn để theo đuổi giấc mơ làm du lịch. Cũng chính mẹ là người quyết thế chấp nhà đất vay ngân hàng, bán thêm ruộng nương lấy tiền đầu tư cho con...
Nhân duyên gặp gỡ
“Có trong tay mấy trăm triệu em bắt đầu run… không biết bắt đầu từ đâu”, Su chia sẻ. Quá trình học hành để chuẩn bị cho tương lai của em lúc này thực sự cho thấy giá trị. Qua những kết nối tình cờ, Su được biết đến CBT Travel (Community – based Tourism Travel: du lịch dựa vào cộng đồng) một doanh nghiệp xã hội chuyên về tư vấn và phát triển du lịch cộng đồng, giúp đỡ các bản làng tại địa phương cải tạo, có thêm thu nhập nhờ hoạt động du lịch. Dự án homestay của A Su được CBT hỗ trợ tư vấn hoàn toàn miễn phí, từ thiết kế cho đến các yêu cầu tiêu chuẩn homestay, trang thiết bị, nội thất, tiện nghi, cách thiết kế, bài trí đạt chuẩn và thân thiện môi trường, thân thiện con người; cho đến cách thức phục vụ đúng quy chuẩn…
Ở homestay A Su không chỉ đem lại cho tôi cảm giác vừa được phục vụ chuyên nghiệp lại vừa thân thiện, gần gũi như sinh hoạt gia đình; đặc biệt, bữa cơm tối Tàng chuẩn bị khiến tôi không khỏi ngạc nhiên. Em nấu khá ngon, biết kết hợp các món ăn dân dã địa phương, với chút biến tấu rất Âu, có thể sẽ làm hài lòng mọi thực khách, dù khách Việt hay khách nước ngoài. Tàng bảo em được đi học nấu ăn 6 tháng ở Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO ở Hà Nội – ngôi trường dạy miễn phí các lớp nấu ăn và nghiệp vụ nhà hàng khách sạn cho thanh niên nghèo, yếu thế trong xã hội.

Homestay cổ tích trên “đỉnh trời” Tà Chí Lừ  ảnh 1

 Bữa sáng ngon miệng, đẹp mắt được Tàng chuẩn bị


Nhóm chúng tôi muốn đi thăm vài điểm khá xa nhưng không biết đường nên quyết định rủ A Su đi cùng. Chuyến đi hóa ra mất nhiều thời gian hơn chúng tôi tưởng, và khi vào rừng còn gặp sự cố với lốp xe, khiến cho cả nhóm về đến homestay đã tối khuya. Trong bữa cơm tối hôm ấy, A Su khi ngồi cạnh vợ đã kéo nhẹ ghế của Tàng lại gần mình, họ nói nhỏ với nhau lời yêu thương, nhớ nhung sau một ngày dài xa cách, có những lúc không thể liên lạc điện thoại được. Tình cảm hồn nhiên của đôi vợ chồng trẻ khiến cho bữa cơm trở nên ấm áp, thân tình hơn. 
Được biết A Su và Tàng mới cưới hơn một tháng, chúng tôi tò mò hỏi về tục bắt vợ của người Mông, thì A Su chỉ sang vợ, vui vẻ khoe: “Đây, em mới bắt về đây”… A Su bảo tục bắt vợ của người Mông giờ cũng có chút thay đổi cho phù hợp thời hiện đại. Ngày nay những cặp bắt vợ thường là những đôi trai gái cũng có tình ý với nhau, thậm chí yêu nhau rồi, việc bắt về chỉ là hình thức giữ gìn phong tục thôi. “Nhưng cũng vẫn có người như em, là thích quá mà cứ liều bắt về, may quá lại cũng theo luôn. Đám cưới chúng em to nhất xã này đấy”. A Su tươi cười khoe với chúng tôi “chiến công” của mình, trong khi Tàng hai má ửng hồng, bẽn lẽn nở nụ cười hạnh phúc bên chồng. 
Hỏi về dự định tương lai, A Su chia sẻ, bây giờ việc chính là vợ chồng tập trung làm ăn để trả nợ tiền vay ngân hàng đầu tư cho homestay. Ngoài việc phục vụ ở đây khi có khách, còn thì thường ngày hai vợ chồng vẫn làm nương, chăn nuôi, thu hoạch từ việc nhà nông. Em dự định sau này khi trả nợ xong, em sẽ đầu tư thêm để phát triển homestay hơn nữa, có phòng riêng, bungalow phục vụ nhóm lẻ, hoặc không muốn ở cả đoàn đông…
Chia tay A Su và Tàng, hình ảnh ngôi nhà nhỏ nơi đầu núi cùng tình yêu tươi mới của hai em đẹp ngọt ngào như cổ tích khiến tôi cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết về những điều kỳ diệu của cuộc sống khi chúng ta có ý chí, đam mê và tình yêu…

Homestay cổ tích trên “đỉnh trời” Tà Chí Lừ  ảnh 2

Vợ chồng A Su và Tàng ngay trước sân nhà, nhìn ra thung lũng ruộng bậc thang trước mắt


Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Ngôi nhà cổ tích của A Su và Tàng trên “đỉnh trời” Tà Chí Lừ 

Theo Đời sống
back to top