Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025”

Ngày 16/10, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo TPHCM, các sở ban ngành, hiệp hội doanh nghiệp cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo nhằm nhận diện những thách thức, rủi ro, ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng TP và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế thành phố phục hồi, tạo đà phát triển bền vững.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TP chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch Covid-19 như thời gian vừa qua.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, TP cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

chu-tich-ubnd-tphcm-phan-van-mai-phat-bieu-tai-hoi-thao.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, hội thảo cần tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TPHCM.

Đưa ra những phương án giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới.

Đồng thời,vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 4 nội dung gồm lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khoẻ cộng đồng; văn hoá - giáo dục, xã hội.

Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn như: Vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với Covid -19.

Tính cấp thiết tăng cường năng lực y tế cơ sở, trong đó vai trò mạng lưới bác sĩ gia đình là một điển hình;

Xác lập đối tượng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho ba đối tượng gồm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế tại TPHCM trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19...

Ngoài ra, công tác xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động cũng được đề cập trong nội dung các tham luận.

Đây được xác định là vấn đề bức thiết và cấp bách, được đặt ra hiện nay sau đại dịch.

Theo đó, thành phố cần ưu tiên đầu tư 3 chương trình nhà ở gồm: chương trình nhà lưu trú công nhân; chương trình giải toả, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch; chương trình nhà cho thuê dài hạn, đủ tiêu chuẩn với giá thuê hợp lý.

Theo Đời sống
back to top