Hội chứng rung lắc ở trẻ nguy hiểm như thế nào?

Hội chứng rung lắc ở trẻ gây nhiều tổn thương nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tương lai của trẻ. Một số triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ bị rung lắc đó là bất tỉnh, co giật và sốc.

Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc ở trẻ và các triệu chứng

Chia sẻ trên báo chí, Tiến sĩ, bác sĩ Đoàn Thị Mai - Giảng viên khoa Y, trường Đại học Phenikaa cho biết, hội chứng rung lắc (Shaken baby syndrome – SBS) hay còn được gọi là chấn thương đầu kiểu ngược đãi (Abusive Head Trauma) là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh.

Hội chứng này thường do việc rung lắc mạnh nhằm dỗ cho trẻ bớt khóc, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột như: trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao làm máy bay… đều có thể gây nguy hại đến trẻ dù chỉ với thời gian ngắn.

Trẻ bị hội chứng rung lắc thường có các dấu hiệu như: Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ; Lừ đừ, vật vã, hoặc hôn mê; Co giật; Nôn; Bú kém hoặc bỏ bú; Nhịp thở chậm và bất thường; Thóp phồng; Ngoài ra, trẻ bị thương tổn liên quan đến bạo lực như bầm tím mặt, da đầu, cánh tay, lưng hoặc bụng…

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Hội chứng rung lắc ở trẻ nguy hiểm như thế nào?

Hội chứng rung lắc ở trẻ em được so sánh tương tự như người lớn bị chấn thương sọ não do tai nạn xe. Hội chứng trẻ bị lắc có thể gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng như:

Tụ máu dưới màng cứng: Một tập hợp máu giữa bề mặt não của trẻ và màng cứng bên ngoài bao quanh não. Điều này có thể xảy ra khi các tĩnh mạch nối não của trẻ với màng cứng bị kéo căng quá mức, gây rách và chảy máu.

Xuất huyết dưới nhện: Chảy máu giữa não của trẻ và màng nhện (màng giống như mạng nhện bao quanh não trẻ).

Chấn thương não trực tiếp: Điều này có thể xảy ra khi não của trẻ đập vào các bề mặt bên trong hộp sọ của chúng.

Tổn thương não: Tổn thương não có thể do thiếu oxy nếu trẻ ngừng thở khi lắc.

Tổn thương tế bào não: Điều này có thể xảy ra khi các tế bào thần kinh bị tổn thương giải phóng các hóa chất làm tăng thêm tình trạng thiếu oxy cho não trẻ.

Xuất huyết võng mạc: Chảy máu ở phía sau võng mạc của trẻ.

Tổn thương cổ và tủy sống: Tổn thương dây thần kinh cột sống cổ của trẻ.

Gãy xương: Điều này có thể bao gồm gãy xương sọ cũng như gãy xương sườn, xương đòn, cánh tay và chân của trẻ.

Hội chứng rung lắc ở trẻ là tình trạng hoàn toàn có thể đề phòng được. Để ngăn ngừa hội chứng này, cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ, không bao giờ bế thốc ngược, không xốc vác trẻ gấp gáp, không tung hứng trẻ khi nô đùa với con, không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ. Ngoài ra, khi trẻ có bất kỳ triệu chứng nào bên trên, cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và kiểm tra.

Ngày 31/5, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một người phụ nữ đang có hành vi nghi bạo hành cháu bé mới sinh gây xôn xao dư luận.

Theo đoạn clip ghi lại và đăng tải, sự việc xảy ra vào rạng sáng ngày 31/5. Cụ thể, vào thời điểm này người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi rung lắc mạnh khiến cháu bé khóc thét lên. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, khiến cháu bé khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường.

Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng đã gây xôn xao dư luận, nhiều người không khỏi phẫn nộ trước hành động trên.

Được biết, sự việc xảy ra tại một căn hộ ở khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người có hành vi bạo hành là người trông trẻ mà gia đình cháu bé thuê chăm sóc vì mẹ bé mới sinh non, sức khoẻ yếu.

Ngay sau đó, người nhà đã mời Công an phường Hoàng Liệt đến ghi nhận sự việc. Cháu bé hiện đang được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra sức khoẻ.

Theo Đời sống
back to top