Hội chẩn cùng tuyến trung ương cứu trẻ uốn ván rốn ngừng thở

(khoahocdoisong.vn) - Nhờ kết hợp với bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành để phát triển kỹ thuật và hội chẩn lâm sàng những ca bệnh khó, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Kon Tum đã cứu sống được trẻ sơ sinh bị uốn ván co giật liên tục đến nỗi ngừng thở.

Uốn ván rốn sơ sinh (hay còn gọi là sài uốn ván) là một bệnh nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể trẻ qua vết cắt rốn, các dụng cụ đỡ đẻ hoặc do tay người hộ sinh không được diệt khuẩn. Hiện nay, do công tác tuyên truyền tiêm chủng mở rộng tốt nên bệnh uốn ván rốn giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn có những bà mẹ chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván khi mang bầu hoặc tự sinh tại nhà... dễ gây bệnh uốn ván rốn ở trẻ.

Mới đây, các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Kon Tum tiếp nhận cấp cứu trường hợp bé Á Hậu (1 tháng tuổi, thôn Long Loi, thị trấn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) nhập viện trong đêm trong tình trạng giật đùng đùng, giật mạnh đến nỗi ngừng thở. Nguyên nhân là do mẹ tự sinh tại nhà và không đi tiêm phòng uốn ván khi mang bầu.

BS. Lâm Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Kon Tum cho biết, bình thường điều trị uốn ván khoảng 2 – 3 tuần là khỏi, nhưng bé giật rất lâu, điều trị đến tuần thứ 4 vẫn còn giật, bác sĩ phải truyền thuốc và kiểm soát đường thở.  Bé phải thở máy một tháng rưỡi mới cai được. Đặc biệt, ngoài việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, các ca bệnh khó như ca bệnh này các bác sĩ đã hội chẩn với các bác sĩ tuyến Trung ương (trường hợp này là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) để cùng lên phương án điều trị. Cũng may mắn khi hội chẩn với tuyến trên cho phác đồ thì bé đỡ dần.

Sau khoảng một tháng rưỡi kiên trì chiến đấu với “tử thần” để giành giật sự sống cho bé, các y bác sĩ của khoa Nhi – BCĐK tỉnh Kon Tum đã cứu sống bé thành công, sức khỏe của bé hồi phục dần.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kon Tum năm 2019, tại địa bàn tỉnh có tới 2.400 ca đẻ tại nhà trong đó 1.400 ca có cô đỡ thôn bản, còn lại 1.000 ca tự đẻ. Điều này rất dễ gây ra các bệnh viêm nhiễm hay uốn ván ở trẻ.

BS Lâm Thị Minh Nguyệt khuyến cáo, mọi thai phụ phải đi khám thai định kỳ và đến đẻ tại trạm y tế, không được tự đẻ tại nhà. Nữ hộ sinh phải thực hiện nguyên tắc vô khuẩn khi đỡ đẻ, chăm sóc rốn sơ sinh phải rửa tay sạch bằng xà phòng, sát khuẩn tay bằng cồn hoặc ngâm tay vào dung dịch sát trùng. Dụng cụ đỡ đẻ phải được diệt khuẩn. Chú ý trong khi chăm sóc trẻ ở những tuần đầu khi trẻ chưa rụng rốn cần phải giữ gìn băng rốn sạch sẽ, băng bị ướt phải thay ngay.

Ngoài ra, mọi thai phụ cần tiêm đủ 2 mũi văcxin uốn ván. Mũi thứ hai sau mũi thứ nhất một tháng và phải trước khi đẻ ít nhất là 15 – 30 ngày. Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván với SAT 1500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.

Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải chuyển trẻ đi bệnh viện tuyến trên để điều trị. Để giảm bớt cơn co giật, trong khi di chuyển bệnh nhi y tế cơ sở có thể tiêm thuốc an thần và kháng sinh cho trẻ. Cố gắng di chuyển nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng làm giảm các cơn co giật.

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top